| Hotline: 0983.970.780

Ngành điều xuất khẩu hơn 31 tỷ USD trong 30 năm qua

Thứ Hai 23/11/2020 , 13:22 (GMT+7)

Xuất khẩu điều thu về hơn 31 tỷ USD. Đó là con số đầy ấn tượng của ngành điều trong 30 năm qua kể từ khi thành lập Hiệp hội Điều Việt Nam.

Trong 30 năm, ngành điều thu về hơn 31 tỷ USD xuất khẩu nhân điều. Ảnh: Thanh Sơn.

Trong 30 năm, ngành điều thu về hơn 31 tỷ USD xuất khẩu nhân điều. Ảnh: Thanh Sơn.

Ngày 23/11, năm 1990, Hiệp hội Cây điều Việt Nam - một tổ chức xã hội - nghề nghiệp đại diện cho người làm điều Việt Nam, được thành lập (sau đổi tên là “Hiệp hội Điều Việt Nam” - Vinacas).

Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas, có thể nói, sự ra đời của Hiệp hội là bước ngoặt lịch sử của ngành điều Việt Nam. 30 năm qua, ngành điều đã có những bước phát triển đột phá.

Từ một quốc gia xuất khẩu điều thô với số lượng ít ỏi, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nhân điều hàng đầu trên thế giới. Trong 15 năm liền, từ 2006-2020, kể cả trong những thời điểm đầy khó khăn, ngành điều Việt Nam đã luôn giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều và hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị chế biến.

Đến nay, ngành điều đã xuất khẩu nhân điều đến hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên dưới 80% lượng nhân điều xuất khẩu trên thế giới.

Bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả của mình, Vinacas đã ghi những dấu ấn đậm nét trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành điều Việt Nam 30 năm qua, như: Đóng góp, tham gia hiệu quả vào chính sách phát triển ngành điều; phổ biến chính sách, kiến nghị tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp; thông tin thị trường kịp thời, chuẩn xác; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu; phát triển khoa học - công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu; củng cố, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Hòa giải tranh chấp thương mại; tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao kỹ năng cho doanh nghiệp, nông dân.

Cùng với những thành tích xuất sắc, Vinacas ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành tham gia hội viên. Từ đại hội lần thứ nhất năm 1990 chỉ gồm 12 hội viên sáng lập, đến nay, số hội viên đã trên 500, hoạt động trong lĩnh vực trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, môi giới, tài chính, nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ liên quan đến ngành điều và các hội viên hiệp hội điều địa phương. Ngoài ra, Vinacas là thành viên sáng lập Hội đồng Điều toàn cầu (GCC).

Với những đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành điều, Vinacas đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì; Cờ thi đua của Chính phủ; được Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua.

Về triển vọng ngành điều trong thời gian tới, ông Phạm Văn Công cho biết, ngành điều Việt Nam đang đứng trước những thời cơ mới nhưng cũng nhiều thách thức mới. Trước hết, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với thế giới đem lại những cơ hội lớn cho ngành điều để mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh nhưng sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn vì Việt Nam là một phần trong “sân chơi” toàn cầu và các quốc gia, các doanh nghiệp trên thế giới đều nỗ lực để phát triển.

Ngành điều Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn lớn: Tiếp tục đầu tư cho công nghệ, đổi mới thiết bị để giữ vững vị thế xuất khẩu nhân điều hay vừa đầu tư cho nhân điều vừa tập trung nguồn lực cho phát triển chế biến sâu, thực hiện “Cuộc cách mạng lần thứ 2”, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị điều toàn cầu.

Hạt điều sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tốt vào top đầu thế giới nhưng chỉ đáp ứng 1 phần rất nhỏ cho chế biến, đời sống nông dân trồng điều còn nhiều khó khăn.

Thu hoạch điều ở Bình Phước. Ảnh: TL.

Thu hoạch điều ở Bình Phước. Ảnh: TL.

Để góp phần cho ngành điều tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức khó khăn, Vinacas đang xúc tiến xây dựng để kiến nghị với Chính phủ “Chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam trong tình hình mới”. Trong đó, đề xuất những cơ chế chính sách của nhà nước nhằm 2 mục tiêu lớn. Trước hết là phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới; giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu.

Bên cạnh đó là phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả; vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, vừa góp phần thực hiện thành công chính sách tam nông của nhà nước: nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Những dấu ấn xuất khẩu điều 30 năm qua:

-Năm 1990, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu nhân điều với khối lượng xuất cả năm là 286 tấn, đạt giá trị 1,4 triệu USD.

-Năm 1995, lần đầu tiên lượng nhân điều xuất khẩu vượt mốc 10.000 tấn (đạt 15.000 tấn), trị giá 90 triệu USD.

-Năm 1996, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu nhân điều vượt mốc 100 triệu USD (đạt 110 triệu USD).

-Năm 2004, lần đầu tiên lượng nhân điều xuất khẩu vượt mốc 100 ngàn tấn (đạt hơn 105 ngàn tấn), trị giá 436 triệu USD.

-Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam vươn lên đứng vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều khi đạt gần 127 ngàn tấn, trị giá 504 triệu USD.

-Năm 2010, lần đầu tiên xuất khẩu nhân điều vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,135 tỷ USD).

-Năm 2012, lần đầu tiên xuất khẩu nhân điều vượt mốc 200 ngàn tấn.

-Năm 2015, lần đầu tiên xuất khẩu nhân điều vượt mốc 300 ngàn tấn (đạt 328 ngàn tấn) và 2 tỷ USD (đạt 2,357 tỷ USD).

-Năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu nhân điều vượt mốc 3 tỷ USD (đạt 3,62 tỷ USD).

-Năm 2019, lần đầu tiên xuất khẩu nhân điều vượt mốc 400 ngàn tấn (đạt 460 ngàn tấn).

-Dự kiến trong năm 2020, xuất khẩu nhân điều đạt 450 ngàn tấn, trị giá 3,28 tỷ USD.

Từ năm 1990 đến hết năm 2020, ngành điều đã xuất khẩu ước đạt trên 4,6 triệu tấn nhân điều, với tổng giá trị ước đạt hơn 31 tỷ USD.

(Nguồn: Vinacas)

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm