| Hotline: 0983.970.780

Ngành điều hồi phục nhanh

Thứ Ba 09/06/2020 , 07:15 (GMT+7)

Trái với không khí trầm lắng những ngày “tâm bão” Covid-19, hiện hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến điều tại Bình Phước đã hồi phục sản xuất, kinh doanh rất nhanh...

Hơn 100 tấn điều thô trong kho của anh Thắng được đưa vào sản xuất trong những ngày này. Ảnh: Trần Trung.

Hơn 100 tấn điều thô trong kho của anh Thắng được đưa vào sản xuất trong những ngày này. Ảnh: Trần Trung.

Đổi mới tư duy

Về huyện Bù Đốp hỏi thăm doanh nghiệp sản xuất hạt điều thô xuất khẩu của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ ấp 3, xã Thanh Hòa) ai cũng biết.

Vừa qua, dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của đơn vị. Thế nhưng, bằng sự nhiệt huyết, đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất, anh đã cơ bản vượt qua đại dịch, duy trì việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương.

Dẫn chúng tôi tham quan nhà xưởng với các trang thiết bị hiện đại đang hoạt động gần như hết công suất, anh Thắng cho biết, cách đây gần 2 tháng, do bị tác động xấu từ dịch bệnh Covid-19, hầu hết doanh nghiệp tại địa phương phải hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm dừng hoạt động do không có đơn hàng xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay các đối tác đã ký hợp đồng trở lại, doanh nghiệp nắm bắt ngay cơ hội và đẩy mạnh sản xuất bù đắp thiệt hại trước đó.

Chỉ tay vào hệ thống dây chuyền tự động, anh Thắng chia sẻ, với dây chuyền chế biến mới công suất đạt 1.000 kg/giờ, trước đây, quá trình bóc tách vỏ hạt điều cần rất nhiều nhân công, thì với dàn máy tự động này chỉ cần 1-2 người vận hành.

Ngoài ra, đơn vị còn đầu tư kho chứa điều thô quy mô 100 tấn, năm nay bà con được mùa nên chất lượng điều thô khá cao, giá điều thô dao động 15 đến 25 ngàn đồng/kg, đây là nguồn nguyên liệu dự trữ vô cùng quan trọng để đơn vị phục hồi sản xuất.  

Do chủ động về nhân lực, phương tiện, doanh nghiệp anh Thắng đã ký được nhiều hợp đồng lớn, dài hạn với các đối tác. Dự kiến thời gian tới, doanh nghiệp cung ứng thị trường xuất khẩu từ 90 - 120 tấn hạt điều nhân/tháng.

“Muốn gắn bó ngành điều bền vững thì cần đổi mới trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường...”, anh Thắng nói.

Các công nhân của công ty anh Thắng hăng say lao động. Ảnh: Trần Trung.

Các công nhân của công ty anh Thắng hăng say lao động. Ảnh: Trần Trung.

Chế biến sâu, xây dựng thương hiệu

Thông qua chế biến chuyên sâu, thương mại hóa sản phẩm, công ty Vinahe (phường Phước Bình, TX Phước Long) do anh Nguyễn Hoàng Đạt làm chủ đã hồi phục khá nhanh sau dịch Covid-19.

Công ty của anh Đạt là một trong 7 đơn vị được cấp chỉ dẫn địa lý, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hạt điều khép kín từ người nông dân đến tay người tiêu dùng.

Anh Đạt cho biết, ban đầu, doanh nghiệp cũng khá khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị máy móc phù hợp ngành chế biến sâu, và tiếp cận thị trường.

Nhờ thế giới phẳng 4.0, mọi thứ đều có thể tìm thấy trong tầm tay, thông qua internet anh tìm đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước để vừa học hỏi kinh nghiệm vừa tìm hiểu công nghệ sản xuất.

Với tiềm năng kinh tế được dành dụm từ trước, anh mạnh dạn đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng dây chuyền công nghệ dành cho công đoạn rang, chiên theo tiêu chuẩn ISO và HACCP. Nhờ quy trình sản xuất bài bản, sản phẩm làm ra phù hợp nhu cầu thị trường nên tạo hiệu ứng tốt.

Anh Đạt bên các dòng sản phẩm phân khúc cao cấp của công ty. Ảnh: Trần Trung.

Anh Đạt bên các dòng sản phẩm phân khúc cao cấp của công ty. Ảnh: Trần Trung.

Hiện công suất nhà máy của anh Đạt đạt 20.000 lon/năm (mỗi lon 100g) với giá bán bán theo phân khúc sản phẩm cao cấp được phân phối trong các siêu thị như AEON, Co.opmart...

Đặc biệt, không chỉ có mặt ở thị trường nội địa, sản phẩm Vinahe còn được xuất sang Trung Quốc và một số nước châu Âu.

Anh Đạt phân tích, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chế biến hạt điều của Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung đều xuất khẩu nhân điều sơ chế. Các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu rồi chế biến sâu bán ra thị trường với thương hiệu của mình, nên người tiêu dùng chưa biết nhiều đến thương hiệu hạt điều Bình Phước.

Bởi vậy, việc chế biến sản phẩm hạt điều chuyên sâu, tạo sự khác biệt trong chuỗi giá trị thương mại và định vị lại thương hiệu cho hạt điều Bình Phước là vô cùng cần thiết trong xu thế hội nhập toàn cầu của hạt điều.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Bình Phước hiện có trên 176.000 ha điều; 1.416 cơ sở chế biến hạt điều; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động; kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt hơn 700 triệu USD/năm (chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đóng góp gần 25% trong tổng GDP của ngành nông nghiệp tỉnh).

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đã ký ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển Ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu phải đưa kim ngạch xuất khẩu ngành điều tỉnh đạt 1 tỷ USD/năm. Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh việc quy hoạch vùng trồng, giống mới, quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, liên kết sản xuất…

Nghị quyết số 11 đề ra các giải pháp về chính sách để phát triển ngành điều Bình Phước mang tính bền vững gồm: Chính sách hỗ trợ tín dụng đối với người trồng điều (hỗ trợ tái canh vườn điều già cỗi, năng suất thấp bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, lồng ghép các chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới...); xây dựng dự án ODA để vay vốn Ngân hàng Thế giới hỗ trợ nông dân trồng điều và các doanh nghiệp điều phát triển; các chính sách hỗ trợ khác từ ngân sách nhà nước thông qua tổ chức hợp tác xã…

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước khẳng định: “Qua Nghị quyết góp phần xây dựng ngành điều Bình Phước phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển ngành điều Bình Phước có thương hiệu, uy tín”.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất