| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá

Thứ Năm 21/05/2020 , 06:35 (GMT+7)

Trong mấy tháng qua, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ đang lần lượt khởi xướng các vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào một số sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: Thanh Sơn.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: Thanh Sơn.

Nhiều nước khởi kiện

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), ngày 22/4, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã thông báo về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) mặt hàng ván sợi có độ dày dưới 6mm có xuất xứ từ Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Nguyên đơn của vu kiện nói trên là các doanh nghiệp Ấn Độ: Công ty TNHH Greenply Industries, Công ty TNHH Greenpanel Industries, Công ty TNHH Century Plyboards.

Thời gian điều tra phá giá từ tháng 1 - 12/2019, thời kỳ điều tra thiệt hại từ tháng 4/2016 tới tháng 12/2019. Các mã sản phẩm điều tra: HS 4411.12; 4411.13; 4411.92; 4411.93; 4411.94. DGTR có thể mở rộng hoặc thu hẹp mã HS để phù hợp với mô tả hàng hóa.

Thông báo nói trên tiếp tục gây thêm mối lo ngại lớn cho ngành gỗ Việt Nam. Bởi trước đó đã có những vụ kiện tương tự đến từ 2 thị trường lớn là Mỹ và Hàn Quốc.

Cách đây không lâu, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương), đã có công văn hỏa tốc gửi VIFOREST, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, thông báo về việc Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng của Mỹ đã gửi yêu cầu đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng (hardwood plywood) xuất khẩu từ Việt Nam.

Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng Mỹ cho rằng, sau khi Mỹ áp thuế CBPG (mức thuế 183,36%), chống trợ cấp ( mức thuế 22,98%-194,9%) lên các sản phẩm gỗ dán cứng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, các công ty của Trung Quốc đã chuyển các phần của sản phẩm này sang Việt Nam để thực hiện việc lắp ráp và tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh các mức thuế rất cao nói trên.

Dẫn chứng mà Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng Mỹ đưa ra là năm 2018, nhập khẩu gỗ dán cứng từ Trung Quốc vào Mỹ đạt 800 triệu USD.

Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm mạnh còn 300 triệu USD vì bị áp thuế CBPG, thuế chống trợ cấp.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu gỗ dán cứng từ Việt Nam vào Mỹ năm 2019 đạt 309 triệu USD, tăng rất mạnh so với 187 triệu USD năm 2018 và 63 triệu USD năm 2017.

Gần đây, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cũng đã ban hành quyết định đề nghị Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc áp dụng thuế CBPG từ 9,18 - 10,65%  đối với gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.

Khi đưa ra quyết định nói trên, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, cho rằng, giá các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam khá bất thường, làm ảnh hưởng xấu tới ngành công nghiệp gỗ dán Hàn Quốc. Thị trường gỗ dán Hàn Quốc hiện có quy mô xấp xỉ 900 tỷ Won, trong đó, gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tới 45%.

Tăng cường kiểm soát

Như vậy, có thể thấy ngành gỗ đang phải đối mặt ngày càng nhiều hơn với nguy cơ bị kiện bán phá giá từ các thị trường nhập khẩu, gồm cả thị trường lớn lẫn thị trường tiềm năng.

Trong đó, nỗi lo lớn nhất đến từ đơn kiện của Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng Mỹ. Trước hết, đây là thị trường lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt 5,1 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất khẩu gỗ Việt Nam.

Nếu bị cơ quan chức năng của Mỹ xác định gỗ dán cứng Việt Nam xuất sang Mỹ, có nguồn gốc là hàng Trung Quốc được đưa vào Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, nhằm né mức thuế cao khi xuất vào Mỹ, thì gỗ dán cứng Việt Nam hoàn toàn có thể bị DOC áp dụng biện pháp và mức thuế tương tự như với sản phẩm cùng loại ở Trung Quốc. Khi ấy, do phải chịu thuế quá cao, gỗ dán cứng Việt Nam hầu như không còn cửa vào thị trường Mỹ.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ Đồng Nai, ngành gỗ Việt Nam đang rất lo lắng về nguy cơ bị một số nước áp thuế CBPG đối với một số mặt hàng gỗ. Hiện nay, 2 mặt hàng đang có nguy cơ cao nhất là tủ bếp và gỗ dán.

Ông Quý nhấn mạnh, nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn được tình trạng đỗ gỗ nước ngoài đội lốt đồ gỗ Việt Nam để xuất khẩu, để rồi bị áp thuế CBPG từ các thị trường quan trọng, thì nguy cơ với ngành gỗ còn lớn hơn cả dịch bệnh Covid-19.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nhân ngành gỗ cho rằng, biện pháp hàng đầu là Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần siết chặt hơn nữa việc cấp chứng nhận xuất xứ (C/O), đặc biệt là khi cấp C/O cho các doanh nghiệp có vốn Trung Quốc, đối với gỗ dán, tủ bếp… xuất khẩu, nhất là xuất sang Mỹ.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần đẩy mạnh việc rà soát, kiểm tra để loại bỏ các dự án đầu tư với mục đích giả mạo xuất xứ là hàng Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự rà soát lại các sản phẩm gỗ xuất khẩu của mình xem có đảm bảo đúng là hàng xuất xứ từ Việt Nam theo quy định của Mỹ hay không.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất