| Hotline: 0983.970.780

Vực lại ngành gỗ thời 'hậu Covid-19'

Thứ Ba 19/05/2020 , 10:35 (GMT+7)

Không chỉ nhanh chóng khôi phục sản xuất, xuất khẩu sau dịch Covid-19, ngành gỗ Việt Nam cần những định hướng dài hơi.

NNVN ghi lại một số ý kiến tại hội nghị của Bộ NN-PTNT bàn về việc khôi phục sản xuất, xuất khẩu của ngành chế biến gỗ sau dịch Covid-19 vừa diễn ra.

Mục tiêu thu nhập công nhân ngành gỗ 50 - 70 nghìn USD/năm

Vấn đề lớn của ngành gỗ hiện nay, đó là năng suất lao động còn thấp. Nguyên nhân là các doanh nghiệp còn đầu tư theo kiểu dao pha, cái gì cũng làm được.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. Ảnh: Lê Bền

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. Ảnh: Lê Bền

Doanh nghiệp vẫn lấy sức để làm việc là chính mà chưa giải phóng được bài toán công nhân, khiến tính chuyên môn hóa trong sản xuất còn thấp, các doanh nghiệp chưa chú trọng vào việc quản trị bằng công nghệ và kỹ thuật...

Các giải pháp về công nghệ nhìn chung còn yếu, đặc biệt là công nghệ phụ trợ cho ngành gỗ. Năng suất lao động của công nhân ngành gỗ bình quân hiện nay còn thấp, mới chỉ đạt từ 20-30 nghìn USD/năm, trong thời gian tới, phải đặt mục tiêu nâng năng suất lao động lên bình quân 50 nghìn USD/năm, tiến tới mục tiêu phải đạt 70 nghìn USD/công nhân/năm.

Muốn vậy, các doanh nghiệp phải khai thác được sản phẩm cốt lõi, thị trường cốt lõi, xây cựng được sản phẩm có tính chuyên môn hóa cao, giá trị cao. Đây là cơ sở để tạo ra năng suất, cơ sở để tạo ra quản trị. Công ty chúng tôi, cùng một khối lượng về giá trị sản xuất, ngày xưa phải cần tới 2.400 người, bây giờ chỉ cần 1.100 người. Trong nhiệm kỳ tới, làm sao phải giảm xuống còn 800 người, mà vẫn phải đạt giá trị sản xuất cao hơn nữa.

(Ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt,
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam)

Giá thành sản xuất ngành gỗ Việt Nam còn cao

Giá thành sản xuất đồ gỗ của chúng ta hiện vẫn còn cao hơn so với một số nước, ví dụ như Trung Quốc, Malaysia...

Để tăng tính cạnh tranh thì phải kéo giá thành sản xuất xuống, và cần phải có nghiên cứu vì sao giá thành sản xuất của chúng ta còn cao hơn các nước để có giải pháp khắc phục.

(Ông Đinh Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ KH-ĐT). Ảnh: Lê Bền

(Ông Đinh Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ KH-ĐT). Ảnh: Lê Bền

Bên cạnh đó, năng suất của ngành gỗ chúng ta cũng không cao, mặc dù năng lực sản xuất và sản lượng rất lớn, tổng giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu lớn (trên 11 tỉ USD), và tỉ suất lợi nhuận cũng không cao. 

Câu hỏi hiện nay là chu kỳ của ngành gỗ có phải từ 10-15 năm không? Trước đây, Trung Quốc và Malaysia có ngành gỗ rất mạnh, nhưng nay lại đang chuyển dịch mạnh sang Việt Nam.

Có thể nói ngành gỗ chúng ta đang ở đỉnh chu kỳ, và có thể 10 năm nữa, trung tâm của ngành gỗ sẽ chuyển dịch sang một nước khác có nguồn lao động dồi dào như Myanmar hay xa hơn là các nước Châu Phi chẳng hạn?

Trong vòng 10 năm tới, lực lượng lao động của Việt Nam chắc chắn sẽ không còn như bây giờ, mà sẽ chuyển dịch dần sang các khu vực kinh tế, dịch vụ có thu nhập cao hơn. Lúc đó, việc thu hút lực lượng lao động cho ngành chế biến gỗ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngay cả đối với công nhân trong ngành gỗ hiện nay, mức lương bình quân hiện cũng chỉ dao động từ 6-10 triệu đồng/tháng, chưa cao hơn so với một số ngành nghề phổ thông khác như ngành may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, da dày...

Tất cả những vấn đề này, chúng ta cần có những nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp lâu dài cho một ngành gỗ bền vững, làm sao đã mạnh, rồi sẽ còn mạnh hơn, khác với chu kỳ của một số nước trên thế giới.

Hai là hỗ trợ nhanh việc nghiên cứu, sản xuất giống cây lâm nghiệp, để tất cả các vùng sản xuất gỗ tập trung phải có được giống lâm nghiệp chất lượng cao, giống mới nhằm phục vụ cho mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm theo hướng giá trị cao. 

Thứ ba, cần chuẩn bị cho giai đoạn 20 năm tới, là giai đoạn mà không còn lực lượng lao động thì ngành lâm nghiệp cũng như chế biến gỗ cần chuyển sang cơ cấu các đối tượng cây lâm nghiệp và sản phẩm giá trị càng cao càng tốt.

Bây giờ, nông dân còn thu hoạch rừng, vác cây keo trên núi xuống với tiền công ít ỏi, nhưng 10-15 năm nữa, chắc công nhân không ai còn muốn đi vác keo nữa, hoặc như vác một khúc keo như thế thì có khi tiền triệu họ mới làm. Nói thế để hình dung cần phải chuyển hướng ngành chế biến gỗ sang công nghệ cao, giá trị cao, tự động hóa...

Trước mắt, cần phải đẩy nhanh hệ thống nhân mô, để 1-2 năm nữa, các vùng sản xuất gỗ nguyên liệu phải có giống tốt, giống chất lượng cao để đưa vào sản xuất.

(Ông Đinh Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ KH-ĐT)

Ngành gỗ hội tụ đủ yếu tố để phát triển

Ngành gỗ của Việt Nam có cơ sở để phát triển bền vững hay không, tôi cho rằng hoàn toàn có. Chúng ta có lợi thế so sánh so với các quốc gia cạnh tranh về ngành chế biến gỗ, cả về nguyên liệu, nhất là lao động, bởi nhiều nước không có đức tính cần cù khéo léo như người Việt.

Năng suất chế biến của ngành gỗ Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước. Ảnh: Lê Bền.

Năng suất chế biến của ngành gỗ Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước. Ảnh: Lê Bền.

Chúng ta có 2,9 triệu ha rừng trồng đang khai thác thương mại, về cơ bản thì cứ chặt rồi trồng, vấn đề chỉ cần cơ cấu lại bộ giống cây lâm nghiệp theo hướng đa dạng, giá trị cao, năng suất gỗ tăng lên mức 20-25 m3/năm/ha thì nguyên liệu sẽ tương đối dồi dào cho ngành gỗ. 

Gành gỗ Việt Nam đã đi với con đường tiến hóa, từ gỗ tròn, gỗ xẻ, tới chế biến sâu, gắn với chuỗi giá trị dịch vụ từ sản phẩm gỗ...

Có thể nói, chúng ta đã khai thác được giá trị của sản phẩm gỗ không bỏ phí một thứ gì, từ gỗ, phụ phẩm cành lá, phụ phẩm trong chế biến đều được tận dụng để cho ra sản phẩm giá trị cao, tiêu biểu như sản phẩm gỗ viên nén...

Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng ngành gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững nếu có giải pháp phù hợp. Ngay trong năm 2020, nếu không bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của chúng ta hoàn toàn có thể đạt từ 18-20%.

(Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam)

Sẽ có chương trình phát triển gỗ nguyên liệu quốc gia

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, ngành chế biến gỗ của Việt Nam vẫn có những lợi thế và ít chịu tác động hơn so với một số lĩnh vực khác trong nông nghiệp.

Ông Ngô Sỹ Hoài đánh giá nếu không ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành gỗ vẫn có thể tăng trưởng xuất khẩu từ 18-20% trong năm 2020. Ảnh: Lê Bền.

Ông Ngô Sỹ Hoài đánh giá nếu không ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành gỗ vẫn có thể tăng trưởng xuất khẩu từ 18-20% trong năm 2020. Ảnh: Lê Bền.

Về định hướng thời gian tới sau khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành gỗ cần tập trung khai thác hơn nữa thị trường trong nước, bởi chúng ta là cường quốc đồ gỗ nhưng vẫn đang phải nhập khẩu đồ gỗ về dùng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đồng ý phải có chương trình phát triển nguyên liệu quốc gia, đáp ứng đủ căn bản nhu cầu cho chế biến, trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng chủng loại gỗ nguyên liệu. Ví dụ ngoài gỗ còn có tre, vầu rất lớn, các sản phẩm lâm thổ sản...

Đồng thời, xây dụng ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện đại, chuyên nghiệp, sẽ hình thành các trung tâm lớn về ngành gỗ, tập trung cả sản xuất chế biến gỗ lẫn hệ sinh thái nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ...

Bộ trưởng đồng ý sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan, triển khai thiết lập hệ thống thương mại hiện đại đủ sức tham gia toàn cầu hóa, trong đó có có các trung tâm hội chợ triển lãm đủ tầm vóc.

Bộ trưởng đề nghị các danh nghiệp ảnh hưởng của dịch Covid-19, cố gắng cao nhất trong sản xuất, bằng giá nào cũng phải duy trì nguồn nhân lực, lao động, chăm lo người lao động.

Các hiệp hội trong ngành gỗ, cần phát huy hơn nữa vai trò thúc đẩy các thành viên, làm cầu nối tích cực hơn nữa giữa doanh nghiệp và Chính phủ, chủ động hội nhập, gia nhập, thể hiện vai trò, vị thế của ngành gỗ Việt Nam trên các hiệp hội ngành gỗ quốc tế...

    Tags:
Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.