| Hotline: 0983.970.780

Nhanh chóng khôi phục ngành gỗ sau dịch Covid-19

Thứ Sáu 15/05/2020 , 11:28 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành gỗ bàn giải pháp nhanh chóng khôi phục chế biến và xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Hôm nay (15/5), Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch bệnh Covid-19.

Nhanh chóng khôi phục sản xuất và xuất khẩu

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Ngành lâm nghiệp Việt Nam, từ chỗ rừng chỉ đóng vai trò môi sinh tự nhiên, đến nay, nước ta đã xây dựng được một ngành hàng chế biến gỗ và lâm sản thực sự lớn mạnh trong khu vực và thế giới, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Việt Nam đã từng bước xây dựng, hoàn thiện được căn bản hệ thống thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, chiến lược cho ngành gỗ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Bền.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Bền.

Tuy nhiên trước ảnh hưởng của dịch Covid-9, ngành gỗ Việt Nam đã có những tác động tiêu cực, đặc biệt tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Nhiều đơn hàng xuất khẩu đã phải hoãn hoặc hủy; nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc… Trước tình hình đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, tuy nhiên thời gian tới, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại nước ta đã căn bản được kiểm soát, nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới dịch đã và đang dần kiểm soát, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn được lắng nghe những khó khăn, đề xuất kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp, đại diện các làng nghề trong ngành gỗ nhằm kịp thời đề xuất Chính phủ kịp thời có các chính sách nhằm khôi phục sản xuất, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu trong năm 2020 cũng như tạo đà cho những năm tới. Qua đó, từng bước hiện thực hóa chiến lược của Chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm của ngành gỗ thế giới…

Theo Bộ NN-PTNT, mức tăng trưởng xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2020 là phù hợp với quy luật của một số năm gần đây do các đơn hàng luôn được ký kết từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, các nước trong khối EU vẫn đạt tăng trưởng cao do thời điểm này chưa chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19.

Đối với thị trường Trung Quốc, tuy có bị ảnh hưởng của dịch bệnh, vẫn có tốc độ tăng trưởng cao do một số mặt hàng xuất khẩu chính là dăm mảnh và viên nén có nhu cầu lớn trong sản xuất giấy, phát điện và được vận chuyển từ đường biển ít bị ảnh hưởng nên có mức tăng trưởng rất cao, đạt trên 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù vậy sang đến tháng 4/2020, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động tại một số quốc gia là thị trường chính của ngành gỗ là Hoa Kỳ, các Quốc gia Châu Âu, Úc, Canada hạn chế, hoặc ngừng nhập hàng hóa… nên giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm mạnh, giảm 19,2% so với cùng kỳ 2019 và giảm trên 20% so với tháng 3/2020.

Tác động toàn diện tới ngành gỗ

Về hoạt động của các doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động hiệu quả và tương đối ổn định do hầu hết các đơn hàng cho quý I, quý II đã được ký kết với các đối tác, nhà phân phối từ những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Do vậy, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2019.

Đến tháng 4/2020, do dịch bệnh lan rộng tại nhiều quốc gia, đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều quốc gia đã phải ban hành các qui định về giãn cách xã hội, ngừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh, đóng cửa các siêu thị, cửa hàng… Đặc biệt tại các quốc gia thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Úc, Canada… các đối tác và nhà phân phối đều thông báo cắt giảm, hoãn vô thời hạn hoặc hủy các đơn hàng đã ký.

Dịch Covid-19 đã có những tác động khiến hoạt động chế biến, xuất khẩu bị ngưng trệ trong thời gian qua. Ảnh: Lê Bền.

Dịch Covid-19 đã có những tác động khiến hoạt động chế biến, xuất khẩu bị ngưng trệ trong thời gian qua. Ảnh: Lê Bền.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, ước tính khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao; có hàng ngàn container hàng bị tồn tại các cảng biển ở Châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc; ngoài ra, việc thực hiện các giao dịch thanh toán hợp đồng hàng hóa hầu như không được thực hiện do phía đối tác gặp khó khăn.

Theo kết quả khảo sát nhanh của các Hiệp hội, Tổng cục Lâm nghiệp tại hơn 200 doanh nghiệp cho thấy 80% người mua dừng hoặc huỷ đơn hàng; hầu hết các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất.

Về nguồn cung nguyên liệu: Nguồn cung nguyên liệu phi gỗ, vật liệu phụ trợ, như sơn, keo dán dây đai, thanh trượt, bản lề, hóa chất… phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (từ Trung Quốc khoảng 80%). Tuy đến đầu tháng 4/2020, Trung Quốc đã từng bước khống chế được dịch bệnh, hoạt động sản xuất dần được khôi phục nhưng vẫn cần có thời gian để sản xuất, vận chuyển và giao hàng, do đó, dự báo đến giữa tháng 5/2020, mới ổn định được nguồn nguyên vật liệu phụ trợ cho ngành chế biến gỗ.

Dịch Covid-19 cũng đã tác động mạnh tới tình hình lao động và việc làm của công nhân trong ngành gỗ của nước ta. Theo báo cáo của các Hiệp hội, hầu hết các doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất, giảm giờ làm việc thông qua giảm ca, bố trí người lao động nghỉ việc luân phiên (khoảng 50% người lao động phải nghỉ việc tại các doanh nghiệp lớn); đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn, lao động phải nghỉ việc toàn bộ do doanh nghiệp ngừng sản xuất. Theo đó, sẽ có khoảng hơn 200 ngàn lao động ngành gỗ bị ảnh hưởng do dịch bệnh phải nghỉ việc luân phiên hoặc bị mất việc làm trong tháng 3 và tháng 4.

Ngoài ra, để duy trì được nguồn lao động để đảm bảo phục hồi sản xuất được ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, các doanh nghiệp đã chi đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bị giãn hoặc mất việc, qua khảo sát tại 124 doanh nghiệp, tổng số tiền các doanh nghiệp chi đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là 175 tỷ đồng; tương ứng với 2,15 tỷ/doanh nghiệp, đây là một gánh nặng đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội trong ngành gỗ và các doanh nghiệp đã tập trung kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách nhằm sớm khôi phục sản xuất sau tác động của dịch Covid-19 cũng như đề xuất các chiến lược cho ngành gỗ Việt Nam.

Trước mắt, các hiệp hội và doanh nghiệp đề nghị cần sớm tạo điều kiện chi trả các kinh phí hỗ trợ cho công nhân trong ngành gỗ bị mất việc, giảm việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục có cơ chế hỗ trợ và giảm, giãn, hoãn thời gian chi trả lãi suất ngân hàng, giãn thời gian chi trả bảo hiểm công nhân cho các doanh nghiệp trong ngành gỗ; ưu tiên mua sắm công cho các nhóm sản phẩm gỗ chế biến trong nước nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa...

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, nếu khôi phục và đẩy mạnh được sản xuất và xuất khẩu của ngành gỗ trong thời gian tới sau dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2020 vẫn có thể có khả năng tăng trưởng khoảng 5%, với khoảng 12 tỉ USD. 

  • Tags:
Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.