| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ phá vỡ kịch bản, thiết lập kỷ lục

Thứ Ba 28/12/2021 , 13:07 (GMT+7)

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn của ngành gỗ Việt Nam do Covid-19. Nhưng đến giờ đã có thể khẳng định đây tiếp tục là một năm thành công của ngành gỗ.

Xuất khẩu lâm sản chính đạt 15,96 tỷ USD

Cuối tháng 8/2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến căng thẳng tại Đông Nam bộ - khu vực trọng điểm về sản xuất gỗ của cả nước, khiến cho kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm rất mạnh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã phối hợp với các hiệp hội gỗ địa phương, đưa ra 2 kịch bản xuất khẩu gỗ cuối năm 2021.

Theo đó, kịch bản thứ nhất là kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong Quý 4 sẽ bắt đầu hồi phục, nhưng mức hồi phục sẽ không thể tương đương với kim ngạch so với Quý 1 và Quý 2 trong cùng năm (trước thời điểm áp dụng giãn cách xã hội) mà chỉ đạt khoảng 70% so với kim ngạch trung bình của 2 quý này. Trong trường hợp đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 sẽ đạt con số khoảng 13,55 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2021 đã đạt khoảng 14,81 tỷ USD. Ảnh: Công Điền.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2021 đã đạt khoảng 14,81 tỷ USD. Ảnh: Công Điền.

Kịch bản thứ 2 là đà suy giảm về kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo dài cho tới hết Quý 4, với kim ngạch xuất khẩu của Quý 4 chỉ tương đương 70% kim ngạch xuất khẩu của Quý 3. Trong trường hợp đó, suy giảm kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ còn tiếp tục giảm sâu ở các tháng cuối năm, khiến cho kim ngạch xuất khẩu của cả ngành năm 2021 sẽ đạt con số khoảng 12,69 tỷ USD.

Nhìn chung với 2 kịch bản nói trên, các Hiệp hội gỗ đều cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm sẽ thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra từ đầu năm là 14,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay, kể từ khi các doanh nghiệp ngành gỗ bắt tay vào phục hồi sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đã dần hồi phục một cách mạnh mẽ, ngoài dự báo. Và sau mấy tháng liên tiếp bị sụt giảm, thậm chí là giảm rất mạnh so với cùng kỳ 2020, đến tháng 11, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ.

Cụ thể, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 11/2021 đạt 1,27 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng 11/2020. Không những thế, với trị giá xuất khẩu như trên, tháng 11 đã đánh dấu việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quay trở lại mốc hơn 1 tỷ USD/tháng sau 3 tháng liên tiếp bị giảm xuống dưới mức này.

Qua đó, đã góp phần quan trọng đưa xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm đạt 13,4 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,99 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, cho thấy, trong nửa đầu tháng 12, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đạt con số ấn tượng là xấp xỉ 680 triệu USD. Qua đó, đưa xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ đầu năm đến giữa tháng 12 đạt 14 tỷ USD.

Với đà xuất khẩu như trên, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong cả tháng 12 sẽ tiếp tục đạt trên 1 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu cả năm vượt qua mức 14,5 tỷ USD theo kế hoạch đã đề ra, đồng nghĩa vượt xa so với 2 kịch bản mà các hiệp hội gỗ đưa ra hồi cuối tháng 8.

Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, với kết quả đạt được trong tháng 12, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm nay đã đạt khoảng 14,81 tỷ USD, thiết lập một kỷ lục mới trong lịch sử ngành gỗ Việt Nam.

Bộ NN-PTNT đã có những chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời để ngành gỗ tháo gỡ khó khăn, thiết lập kỷ lục mới.

Bộ NN-PTNT đã có những chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời để ngành gỗ tháo gỡ khó khăn, thiết lập kỷ lục mới.

Tác động chính khiến ngành gỗ có sự phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021 là nhờ những chính sách và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các Bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ NN-PTNT, cùng với đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành gỗ để duy trì sản xuất và xuất khẩu và nhu cầu tăng cao từ thị trường quốc tế.

Hiện tại, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp ngành gỗ nhìn chung đã trở lại bình thường. Các doanh nghiệp ngành gỗ đang tăng tốc sản xuất để kịp đơn hàng xuất khẩu đã ký kết cho tháng cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022.

Khẳng định vị thế ở thị trường Mỹ

Tuy vẫn đứng thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc) về xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ, nhưng tại thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ, ngành gỗ Việt Nam đã soán ngôi của ngành gỗ Trung Quốc một cách ngoạn mục từ năm 2020 và tiếp tục nới rộng khoảng cách này trong năm 2021.

Theo Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC), 10 tháng năm 2021, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đạt 20,4 tỷ USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, với kim ngạch 7,9 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam tiếp tục tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi chiếm 38,7% tổng nhập khẩu của Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay (cùng kỳ năm ngoái chiếm 36,9%). Trong khi đó, nhà cung cấp lớn thứ 2 là Trung Quốc tiếp tục giảm thị phần, từ mức 22,8% trong 10 tháng đầu năm ngoái, xuống còn 21,1% trong 10 tháng đầu năm nay.

Trồng rừng gỗ lớn đem lại nhiều lợi ích cho người dân, đồng thời góp phần tích cực trong việc xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Anh.

Trồng rừng gỗ lớn đem lại nhiều lợi ích cho người dân, đồng thời góp phần tích cực trong việc xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Anh.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 11 tháng qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt 7,937 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, cho đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đã vượt xa kỷ lục xuất khẩu của cả năm ngoái vào thị trường này là 7,166 tỷ USD. Và do đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ trong cả năm nay chắc chắn sẽ lại thiết lập một kỷ lục mới.

Ngoài thị trường Mỹ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm nay tiếp tục tăng trưởng ấn tượng ở nhiều thị trường khác. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng 26,6% trong 11 tháng đầu năm, đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ 2 của ngành gỗ Việt Nam với kim ngạch 1,367 tỷ USD.

Tuy rơi xuống vị trí thứ 3, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Nhật Bản vẫn tăng trưởng 11,2% và đạt 1,289 tỷ USD trong 11 tháng. Trong 10 thị trường thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, xuất khẩu sang Malaysia có mức tăng trưởng mạnh nhất trong 11 tháng (tăng tới 69,3%) và đạt gần 112 triệu USD.

Ở các thị trường còn lại trong Top 10, ngoại trừ thị trường Úc bị giảm nhẹ, các thị trường khác vẫn tăng trưởng ổn định trong bối cảnh ngành gỗ gặp nhiều khó khăn lớn do dịch bệnh và giá cước vận tải tăng cao trên toàn cầu.

Ông Điền Quang Hiệp, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết, ngành chế biến gỗ Bình Dương hiện chiếm khoảng 50% giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước.

Những năm tới, ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương tiếp tục có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển và cũng sẽ có không ít những khó khăn thách thức phải vượt qua.

Theo đó, ngành gỗ Bình Dương sẽ nỗ lực duy trì vị thế trong cơ cấu ngành gỗ cả nước, qua đó góp phần quan trọng để xuất khẩu và sản phẩm gỗ cả nước đạt mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2025 như Chính phủ đã đề ra.

Ngành gỗ Bình Dương cũng sẽ tích cực phối hợp cùng các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, đấu tranh với gian lận thương mại, thao túng tiền tệ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và hình ảnh của ngành chế biến gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bộ NN-PTNT sát cánh cùng ngành gỗ lúc dịch căng thẳng nhất

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT, ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản đã đạt và vượt chỉ tiêu.

Kinh tế lâm nghiệp, trong đó có chế biến gỗ là ngành kinh tế quan trọng đóng góp hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm và thủy sản Việt Nam những năm qua. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ hai thế giới. Đây cũng là ngành hàng xuất khẩu duy nhất liên tục tăng trưởng hai con số nhiều năm qua, với hơn 560 doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho gần 1 triệu lao động.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, đa số doanh nghiệp đã ký được đơn hàng sản xuất đến đầu năm 2022. Tuy nhiên, với diễn biến xấu của dịch Covid-19, hầu hết nhà máy phải tạm đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất. Đây là tín hiệu cảnh báo nguy cơ trễ đơn hàng, mất khách hàng và rủi ro lớn trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam.

Trong thời điểm các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, chỉ còn 141/265 doanh nghiệp chế biến gỗ duy trì hoạt động, với số lượng công nhân đang làm việc khoảng 30.700/119.300 lao động trước khi giãn cách. Trong 134 doanh nghiệp đang ngừng sản xuất, 17 doanh nghiệp có ca dương tính với Covid-19 và 117 doanh nghiệp không đáp ứng "3 tại chỗ".

100% doanh nghiệp gỗ phục vụ thị trường nội địa, chiếm 25% số lượng doanh nghiệp toàn ngành, ngừng hoạt động. Doanh thu sụt giảm 90%.

Trước tình hình khó khăn trên, Bộ NN-PTNT đánh giá, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến gỗ rất lớn. Nhằm duy trì sản xuất, đảm bảo thực hiện các đơn hàng doanh nghiệp đã ký kết, Bộ NN-PTNT đã gửi báo cáo đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiến nghị xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang triển khai "3 tại chỗ" được ưu tiên tiêm vacxin Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT còn kiến nghị Phó Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp chủ động mua và tự triển khai xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR miễn phí. Đồng thời, Bộ kiến nghị các đơn vị liên quan cho phép các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn vacxin phòng Covid-19 để tiêm cho công nhân lao động, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhờ những biện pháp quyết liệt, kịp thời của Bộ NN-PTNT, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2021. 

Thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.100 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong năm 2021, công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng; tỷ lệ giống được kiểm soát đạt 85 - 90%.

Tiếp tục thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, trọng tâm là Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 278 nghìn ha, tăng 2,7% so với năm 2020 và 120 triệu cây phân tán. Diện tích rừng trồng được chăm sóc 486 nghìn ha, diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 150 nghìn ha.

Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận năm 2020 đạt 90%. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 32 triệu m3 (trong đó từ rừng trồng tập trung 18,1 triệu m3, tăng 5,4 so với năm 2020).

Các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật nên rừng được bảo vệ tốt hơn. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.100 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch; cấp chứng chỉ rừng quản lý bền vững (FSC) đạt 45 nghìn ha (lũy kế đến nay 314 nghìn ha).

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, giá gỗ nguyên liệu giảm khiến người dân khai thác cầm chừng, nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng gỗ và lâm sản xuất khẩu giảm mạnh. Ngành đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực lâm nghiệp; phối hợp với Hiệp hội gỗ và lâm sản bàn giải pháp đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.