| Hotline: 0983.970.780

VnSAT tạo nền tảng vững chắc để tái cơ cấu, thúc đẩy cạnh tranh

Thứ Sáu 18/12/2020 , 06:05 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, quảng bá thương hiệu, nhân rộng các thành công của dự án VnSAT, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp.

Từ sự hỗ trợ của VnSAT, tái canh cà phê đã trở thành phong trào rộng khắp Tây nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển ngành hàng cà phê bền vững. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Từ sự hỗ trợ của VnSAT, tái canh cà phê đã trở thành phong trào rộng khắp Tây nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển ngành hàng cà phê bền vững. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

WB và địa phương đánh giá cao

Đến nay, Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra.

Ông Cao Thăng Bình, Chủ nhiệm Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT khẳng định: Đoàn công tác giám sát hỗ trợ thực hiện dự án lần thứ 10 đánh giá cao những kết quả đạt được của dự án đến nay: Số người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án đạt trên 929.000 người so với mục tiêu cuối tháng 12/2020 là 800.000 người; diện tích canh tác theo phương thức canh tác bền vững đạt trên 163.000 ha so với mục tiêu cuối tháng 12/2020 là 150.000 ha; tăng lợi nhuận ròng trên mỗi ha giữa các nông dân, với lúa là 28,3% so với mục tiêu cuối tháng 12/2020 là 30% và cà phê là 15,8% so với mục tiêu cuối tháng 12/2020 là 20%; giảm phát thải nhà kính từ canh tác lúa trong khu vực dự án là trên 1,3 triệu tấn/năm so với mục tiêu cuối tháng 12/2020 là 1 triệu tấn/năm; cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ của Bộ NN-PTNT và các Sở NN-PTNT các địa phương tham gia dự án đã gần đạt so với mục tiêu cuối tháng 12/2020...

"Nhiều chỉ số phát triển, trung gian của dự án VnSAT đều đạt và vượt. Hợp phần tín dụng đã hoàn thành xuất sắc trong bối cảnh lãi suất, ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với hợp phần A của dự án VnSAT - Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiếm khi có nhiều thành công đến vậy....", ông Bình khẳng định. 

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho hay: Hợp phần lúa gạo đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng và thúc đẩy ngành hàng lúa gạo ở Hậu Giang phát triển tốt. Từ dự án VnSAT, Hậu Giang đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao là gạo Vị Thủy, sản phẩm của HTX được dự án VnSAT hỗ trợ.

"Năm 2020 Tiền Giang tập trung vào công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và đã cơ bản đạt các mục tiêu đề ra. Đến nay, Tiền Giang đã giảm được 150 kg giống gieo sạ xuống còn dưới 100 kg. Và hiện nay đang triển khai máy gieo cấy 3 trong 1 giảm tiếp xuống còn 60kg/ha; giảm 3-4 lần thuốc BVTV, đồng thời giảm lượng nước tưới, giảm phân bón. Lợi nhuận sản xuất lúa của Tiền Giang vì vậy mà tăng 30%. Đây là điều đáng mừng nhất mà dự án VnSAT mang lại cho Tiền Giang", ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc VnSAT Tiền Giang cho biết.

Từ sự hỗ trợ của dự án VnSAT ngành hàng lúa gạo ĐBSCL đang có bước phát triển bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ sự hỗ trợ của dự án VnSAT ngành hàng lúa gạo ĐBSCL đang có bước phát triển bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

VnSAT thúc đẩy khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, cà phê 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT cho rằng, Dự án VnSAT của Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ NN-PTNT về chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Việt Nam tập trung 2 ngành hàng rất quan trọng là lúa gạo và cà phê. Dự án này thể hiện sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các định chế tài chính quốc tế với các cơ quan chính phủ của Việt Nam, cũng như các địa phương và các tổ chức liên quan.

Ngay sau khi  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2013, Ngân hàng Thế giới (WB) là một trong những đơn vị tham gia tích cực hỗ trợ về tư vấn kỹ thuật. Qua đó, chúng ta thấy rõ được sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan hoạch định chính sách với các đối tác quốc tế.

Trong quá trình triển khai còn có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới với các cơ quan trong Bộ NN-PTNT.  Không chỉ Ban Quản lý dự án mà các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật thuộc Bộ, các Cục, Vụ liên quan để những chủ trương chính sách của Trung ương được phối hợp chặt chẽ, đưa lại hiệu quả và tính bền vững cao hơn.

Theo ông Tuấn, kết quả của dự án tạo ra đã giúp duy trì năng suất và chất lượng. Trong thời gian triển khai dự án, sản xuất cà phê Việt Nam từ khi bắt đầu đã tăng khoảng 0,5 tấn/ha. Giai đoạn trước ở vùng dự án khi khảo sát ban đầu thường ở mức trung bình khoảng 2,4 tấn/ha đã được đánh giá cao. Nhưng trong vùng dự án việc đạt được khoảng 3 tấn/ha đã được thấy rõ. Điều này giúp duy trì khả năng cạnh tranh của ngành hàng cà phê Việt Nam trong bối cảnh giá cà phê thế giới xuống rất thấp trong 5 năm vừa qua.

Về lúa gạo, dự án đã giúp chuyển đổi mạnh mẽ việc canh tác theo định hướng giảm chi phí và tăng chất lượng. Điều này đã tác động để người nông dân sử dụng giống chuẩn, từ đó đảm bảo chất lượng gạo. Năm 2020, mặc dù nhiều diện tích trồng lúa chuyển sang trồng những cây trồng khác cho phù hợp. Nhưng chúng ta vẫn giữ được sản lượng và giá bán lẻ cao hơn năm 2019 đến 11%.

"Đây là việc giúp duy trì khả năng cạnh tranh rất tốt. Với kết quả của dự án cho đến nay, tôi nghĩ các địa phương có thể dựa trên kết quả này để nhân rộng ra các mô hình. Thúc đẩy hơn nữa khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, cà phê Việt Nam, hướng đến giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững", ông Tuấn khẳng định.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng kết quả dự án VnSAT tạo nền tảng vững chắc để tái cơ cấu cho lúa gạo, cà phê. Ảnh: Lê Tấn.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng kết quả dự án VnSAT tạo nền tảng vững chắc để tái cơ cấu cho lúa gạo, cà phê. Ảnh: Lê Tấn.

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT là dự án rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp trong 5 năm vừa qua với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Đây là dự án đầu tiên để hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu.

Sau một thời gian triển khai, đến nay đạt được rất nhiều kết quả. Đặc biệt là năm 2020, kế thừa kết quả của những năm qua, chúng ta đã tạo ra một cơ sở để chúng ta định hướng chuyển đổi cho tái cơ cấu  vừa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay vừa thích ứng với điều kiện về thị trường và nguồn lực của các địa phương.

Dự án VnSAT tập trung vào 2 mặt hàng chính là lúa gạo và cà phê. Cà phê hiện nay đạt năng suất bình quân khoảng 2,8 tấn/ha. Trong khi đó, thế giới hiện nay bình quân là 0,8 tấn. Cùng với đó, trong 5 năm vừa qua, chúng ta đã tái canh khoảng 150 nghìn ha vườn già cỗi, đến nay cà phê tái canh đã cho năng suất và chất lượng rất cao. Mặc dù giá cà phê thế giới hiện đang xuống, nhưng cà phê Việt Nam vẫn cạnh tranh được là nhờ năng suất cà phê của chúng ta rất cao.

Về ngành lúa gạo, trước kia, chúng ta lo lắng về vấn đề chất lượng lúa gạo, xã hội băn khoăn tỷ lệ gạo chất lượng chỉ khoảng độ 30-40%. Nhưng bây giờ đã đạt 75-80% là gạo chất lượng. Dù năm 2020, chúng ta gặp khó khăn do bởi đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, nhưng ngành nông nghiệp đã có kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất, thích ứng với việc chuyển đổi rất đúng hướng. Do đó, chúng ta vẫn có 1 năm sản xuất lúa gạo được mùa, được giá.

Tính đến hết tháng 11/2020, Việt Nam đã xuất khẩu trên 2,8 tỷ USD tăng 11% giá trị so với cùng kỳ, mặc dù sản lượng là tương đương. Điều này thể hiện chất lượng và uy tín của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta đã giảm đáng kể việc sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, nước phân bón vô cơ trong sản xuất lúa gạo. Điều này đã được Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao.

Với những kết quả này, chúng ta đang có nền tảng vững chắc để tái cơ cấu cho lúa gạo, cà phê và cả các đối tượng khác.

Trong các dự án VnSAT có Hợp phần A là hợp phần hỗ trợ cho ngành nông nghiệp và các đơn vị của Bộ giúp nâng cao năng lực trong điều hành, chỉ đạo tái cơ cấu. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rất cao kết quả hợp phần A đã giúp cho các đơn vị của Bộ có năng lực tốt hơn trong vấn đề chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt là tái cơ cấu ngành trong ngành nông nghiệp nói chung và từng ngành hàng nói riêng. 

Bài về dự án VnSAT đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 16/12/2020.  Ảnh: Lê Tấn.

Bài về dự án VnSAT đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 16/12/2020.  Ảnh: Lê Tấn.

Báo Nông nghiệp Việt Nam được Bộ NN-PTNT giao là đơn vị thực hiện nhiệm vụ "Truyền thông hỗ trợ kỹ thuật dự án VnSAT, phát triển ngành hàng lúa gạo, cà phê bền vững năm 2020" đã đăng tải tổng số 63 trang báo (định kỳ 2 trang trên báo giấy và báo điện tử/tuần), phát hành mỗi số báo giấy 1.000 tờ tới 363 xã dự án (mỗi xã 03 tờ báo giấy đến TCND/HTX); phát sóng 25 chương trình phát thanh tại 5 tỉnh Tây Nguyên; thực hiện 3 bản tin Truyền hình NongnghiepTV...

Công tác truyền thông về dự án VnSAT của Báo Nông nghiệp Việt Nam được Bộ NN-PTNT, Dự án và các địa phương ghi nhận, đánh giá đã tuyên truyền sâu rộng, hỗ trợ tích cực cho Dự án, góp phần thúc đẩy  hai ngành hàng cà phê và lúa gạo phát triển bền vững.

"Ban Quản lý dự án VnSAT Trung ương đã phối hợp với 13 tỉnh hoàn thành đề xuất 111 tiểu dự án đầu tư công. Đúng mục đích đầu tư công, đúng với mục tiêu Bộ chỉ đạo là lựa chọn các công trình thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển ngành hàng lúa gạo và cà phê. Đặc biệt là tránh các tiểu dự án thi công phức tạp, đền bù cao. Hiện 111 tiểu dự án này, chưa kể 10 tiểu dự án dự phòng đã được PPU và WB thông qua đầy đủ. Đây là khối lượng khổng lồ bằng 5 năm cộng lại. Đây là sự nỗ lực rất lớn. Từ nay đến năm 2022 chúng ta phải quyết tâm thực hiện hoàn thành mục tiêu này", ông Lê Văn Hiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT Trung ương.

 

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.