| Hotline: 0983.970.780

Ngành phân bón gặp khó vì chính sách?

Thứ Năm 26/12/2019 , 14:18 (GMT+7)

Toàn bộ nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá vốn tăng, giá nông sản giảm sâu kỷ lục, gánh nặng tài chính và đặc biệt là Luật Thuế 71 khiến các doanh nghiệp phân bón gặp khó khăn, thách thức lớn nhất trong lịch sử.

Dù nhà máy chạy tối đa công suất thiết kế, tiết giảm hàng chục tỷ đồng chi phí, nhưng Đạm Hà Bắc vẫn gánh chịu thua lỗ do chi phí tài chính quá cao.

Đạm Hà Bắc và gánh nặng tài chính

Trong năm 2019, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cơ bản hoàn thành kế hoạch, mục tiêu sản xuất về sản lượng, công suất và bán hàng. Bên cạnh đó, để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, Công ty tập trung vào các giải pháp để tiết giảm chi phí, năm 2018 tiết giảm được trên 50 tỷ đồng, năm 2019 dự kiến tiết giảm được 71 tỷ đồng, chủ yếu do tiết giảm định mức tiêu hao.

Tuy nhiên, do hầu hết các nguyên liệu đầu vào như than, điện… đều tăng công chi phí và gánh nặng tài chính quá lớn, nên dù nỗ lực tối đa nhưng kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc vẫn đang trong tình cảnh vô cùng khó khăn.

Theo báo cáo, tính riêng quý 3/2019, Đạm Hà Bắc lỗ gần 200 tỷ đồng, nâng tổng lỗ từ đầu năm 2019 lên 422 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến Đạm Hà Bắc lỗ lớn chủ yếu do giá vốn tăng cao, cộng với đó là gánh nặng chi phí tài chính với gần 600 tỷ đồng chi trả lãi vay. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của công ty đến hết quý 3 lên đến trên 7.500 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản đạt 9.377 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, hiện công ty đang gặp khó khăn do chi phí tài chính lớn, đặc biệt từ tháng 01/2019 công ty không được kéo dài thời gian trả nợ, không thể cân đối được tài chính để trả đủ nợ gốc cho ngân hàng nên đang phải chịu lãi phạt quá hạn với lãi suất 18% trên nợ gốc quá hạn.

Mặc dù Đạm Hà Bắc đã cùng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiều lần làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam về cơ cấu lại nợ và lãi vay nhưng đến nay chưa có kết quả, các kiến nghị của Công ty với Chính phủ và các cơ quan ban ngành đến nay vẫn chưa được giải quyết làm cho mục tiêu thoát lỗ theo phương án càng khó khăn thêm.

Bên cạnh đó, giá than tăng quá cao, cụ thể đến nay than 4a.1 tăng thêm 200.000 đ/tấn, 5a.1 tăng thêm 149.000 đ/tấn làm chi phí sản xuất kinh doanh của Công ty tăng thêm khoảng 150 tỷ đồng/năm so với kế hoạch. Lượng than do TKV cung cấp từ tháng 4/2018 thường xuyên không đủ, độ ẩm vượt mức cho phép làm gia tăng định mức tiêu hao, nhưng những kiến nghị của doanh nghiệp vẫn chưa được TKV xem xét, xử lý.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện chính sách thuế giá trị gia tăng theo Luật số 71 đang cản trở và gây khó cho ngành phân bón trong nước.

Kiến nghị sửa Luật thuế 71

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, một trong những chính sách ảnh hưởng lớn tới ngành phân bón hiện nay là Luật thuế số 71.

Điều 13 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội quy định, phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2015. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón, thay vào đó toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất.

Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước gửi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ngày 15/10/2019, thống kê, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2015 đến nay đã là hơn 3.000 tỷ đồng.

Riêng năm 2018 là trên 583 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trên 143 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 150 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 120 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Lân Ninh Bình, Phân lân Nung chảy Văn Điển, Phân bón miền Nam cũng dao động từ 35 - 50 tỷ đồng.

Riêng hai doanh nghiệp sản xuất đạm ure của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Phùng Hà, việc áp dụng Luật 71 đã gây ra bất cập cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu do phải hoặc tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận, làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới, dẫn đến các doanh nghiệp sẽ không "mặn mà" đầu tư sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, với các tính năng ưu việt hơn như phân bón tan chậm, phân bón điều khiển tan, phân bón nhiều tính năng...

Từ những bất cập nêu trên, các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam đều thống nhất kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0% hoặc 5% như trước đây.

Ngoài việc kiến nghị sửa Luật thuế số 71, ông Phùng Hà cho rằng, các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT cũng cần nghiên cứu, rà soát và đánh giá thật khách quan các quy định, chính sách, các tác động đến sản xuất trong nước, đến với người nông dân không chỉ đối với mặt hàng DAP mà cả mặt hàng ure nhập khẩu hiện nay.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.