| Hotline: 0983.970.780

Ngành sản xuất cây ăn trái trước thách thức lớn

Thứ Tư 26/06/2019 , 11:17 (GMT+7)

Tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã đặt ngành sản xuất cây ăn trái ĐBSCL trước những thách lớn trong phát triển bền vững hướng đến xuất khẩu.

Việc sản xuất phân tán, nhỏ lẻ dẫn đến khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm trái cây. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.


Sản xuất trái cây còn nhỏ lẻ

ĐBSCL hiện có khoảng 307.000ha cây ăn trái (CAT), chiếm gần 40% diện tích CAT của cả nước, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 4 triệu tấn trái, gồm: chuối, xoài, cam, nhãn, khóm, bưởi, sầu riêng, thanh long, chôm chôm, quýt…

ĐBSCL cũng là nơi có nhiều giống CAT bản địa ngon nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, quýt hồng...

Những năm qua, ĐBSCL không chỉ là vùng trồng CAT chủ lực cung cấp trái cây cho các tỉnh, thành trong nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu. Trong đó, trái xoài đang được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc ưa thích; thanh long, nhãn, vúa sữa, chôm chôm đã XK sang Mỹ với sản lượng gia tăng hằng năm. Bưởi da xanh, Năm Roi đang được các thị trường châu Á có nhu cầu nhập khẩu dạng tươi. Riêng thanh long là mặt hàng quả XK chủ lực với khoảng 1,1 tỷ USD năm 2018.

Riêng thanh long là mặt hàng quả xuất khẩu chủ lực với khoảng 1,1 tỷ USD năm 2018. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết: Sản xuất và tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn, như: quy mô diện tích mỗi hộ còn thấp và thiếu tập trung, trừ cây khóm và cây thanh long có vùng trồng khá tập trung; việc sản xuất phân tán, nhỏ lẻ dẫn đến khó khăn cho đầu tư hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, mỗi nhà vườn có cách áp dụng phân bón, thuốc BVTV khác nhau, tình trạng này dẫn đến trong cùng một loại trái cây nhưng chất lượng và an toàn thực phẩm khác nhau. Các DN rất khó có được khối lượng hàng đủ lớn với chất lượng đảm bảo và đồng đều về kích thước, ngoại hình trái. Sản xuất trái cây an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tuy đã hình thành tại các vùng trồng CAT, nhưng diện tích trồng đạt theo quy trình này còn rất hạn chế.

Tại hội thảo sản xuất cây ăn quả bền vững do Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức mới đây tại Tiền Giang, các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học đều đánh giá tiềm năng của ĐBSCL trong cung cấp nguồn hàng trái cây XK còn rất lớn, không chỉ các thị trường truyền thống mà còn xuất đi các thị trường khó tính. Cơ hội gia tăng giá trị XK trái cây những năm tới có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực như sản xuất rau quả an toàn theo quy trình GAP, chất lượng rau quả được nâng lên, Việt Nam đang tăng cường đàm phán với các nước trên thế giới để hứa hẹn thị trường sẽ tiếp tục được mở rộng.
 

Thách thức từ biến đổi khí hậu

Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết: Những năm gần đây, thị trường rau quả của Việt Nam tăng trưởng tốt. Riêng năm 2018, Việt Nam đã xuất sang hơn 60 quốc gia, đạt kim ngạch khoảng 3,8 tỷ USD.

Sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL rất nhiều tiềm năng nhưng cũng đối mặt với ĐBKH rất nặng nề. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy kết quả khả quan nhưng một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của ngành sản xuất CAT ở ĐBSCL là sự tác động nặng nề của BĐKH. Hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại nặng về mặt kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển của các vườn CAT. Để thích ứng với BĐKH, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho vùng ĐBSCL, chúng ta cần thay đổi sản xuất theo khoa học và đẩy mạnh sản xuất CAT  theo hướng hữu cơ để sản phẩm bền vững, có thể cạnh tranh tốt ở thị trường thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay nhu cầu thị trường trái cây ngày càng khắt khe hơn về chất lượng, nhất là yếu tố an toàn thực phẩm, nếu không có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc sản xuất theo hướng an toàn, sẽ dẫn đến nhiều thách thức lớn trong duy trì XK ở mức cao và bền vững.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) cho biết: Đặc biệt, đại bộ phận trái cây sản xuất được sử dụng dưới dạng ăn tươi, chế biến rất hạn chế, điều này cũng trở thành điểm yếu trong XK trái cây đi các thị trường xa và khó tính. Đối với nhiều loại trái cây, do có thời gian bảo quản ngắn, tỷ lệ hư hỏng cao, thiếu điều kiện chế biến, công nghệ sau thu hoạch kém, đã và đang dẫn đến nhiều phiền toái cho nhà vườn và DN kinh doanh trái cây.

Năm 2018, Việt Nam đã XK trái cây sang hơn 60 quốc gia, đạt kim ngạch khoảng 3,8 tỷ USD. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, an toàn thực phẩm là một vấn đề hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc sản xuất trái cây không đảm bảo an toàn sẽ làm giảm khả năng tiếp cận thị trường dẫn đến phát triển không bền vững.

Theo ông Lê Thanh Tùng, thời gian tới trái cây Việt cần triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Tiếp tục mở rộng diện tích một số CAT chủ lực có giá trị XK như chuối, xoài, khóm, nhãn... phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu và gia tăng XK. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP, hữu cơ,...), đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch.

Nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường chế biến sâu các sản phẩm trái cây, gia tăng giá trị sản xuất đồng thời tránh các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm tươi sống, mở rộng thị trường, tăng khối lượng và giá trị XK. Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản.

Theo Cục Trồng trọt, những năm gần đây kim ngạch XK rau quả nước ta liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, từ 151,5 triệu USD năm 2003 lên đạt 2,458 tỷ USD năm 2016, bình quân tăng 1,25 lần/năm. Năm 2018, giá trị XK rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng trên 47,3% so năm 2017, trong đó ước tính các sản phẩm từ trái chiếm trên 80% tổng giá trị. Các thị trường XK trái cây lớn được mở rộng, năm 2004 có 13 thị trường XK có giá trị trên 1 triệu USD.

Năm 2018, có 13 thị trường XK lớn có giá trị trên 25 triệu USD; bên cạnh Trung Quốc là thị trường lớn nhất (chiếm 73,1% thị phần), nhiều loại trái cây nước ta đã được XK vào các thị trường khó tính: Mỹ (3,7%), Hàn Quốc (3,0%), Nhật Bản (2,8%), Hà Lan (1,6%); tiếp đến là Malaysia, Thái Lan, Úc, Đài Loan, Các tiểu vương quốc Á-rập Thống nhất (lần lượt từ 1,2 - 1,0%).

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.