| Hotline: 0983.970.780

Ngành thủy sản phải thay đổi để phát triển chuỗi bền vững

Thứ Sáu 27/10/2017 , 09:35 (GMT+7)

Ngành thủy sản nước ta đang đứng trước thách thức lớn khi Liên minh Châu Âu (EU) vừa rút thẻ vàng với hải sản đánh bắt của Việt Nam. Trao đổi với NNVN, PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng Bộ môn Marketing - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng...

Trao đổi với NNVN, PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng Bộ môn Marketing - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng: Đây là cảnh báo bắt buộc ngành thủy sản phải thay đổi để phát triển chuỗi bền vững.

13-04-02_2610171
PGS.TS Phạm Thị Huyền

Theo PGS.TS Phạm Thị Huyền, hoạt động đầu tư và sản xuất thủy sản vẫn mang tính tự phát, thiếu sự liên kết. Chúng ta cũng chưa có cơ cấu hợp lý trong quy hoạch vùng đánh bắt khiến cho sản lượng khai thác chủ yếu ở trong vùng đặc quyền kinh tế, nhiều loài, nhiều vùng biển đã vượt ngưỡng khai thác bền vững. Tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản vẫn ở mức cao hơn 20%, cá biệt có sản phẩm đến gần 50%, nhất là khai thác hải sản xa bờ.

Thưa bà, thời gian qua, nước ta có nhiều chính sách đầu tư cho hoạt động đánh bắt hải sản đi lên hiện đại để phát triển bền vững cũng như đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, nhưng thực tế đã chưa đem lại kết quả mong muốn, tại sao?

Một số chính sách hỗ trợ được ban hành như hỗ trợ 100% chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có công suất 400CV trở lên. Nhà nước cũng thúc đẩy sự hình thành và phát triển mối liên kết thu mua thủy sản nhằm giải quyết bài toán đầu ra cho thủy sản và an toàn thực phẩm. Các hình thức kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác, liên minh hợp tác xã, v.v) đang trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của rất nhiều địa phương.

Chính sách gần đây có khá nhiều nhưng phải nói ngành thủy sản vẫn chưa phát triển bền vững. Mức đầu tư cho ngành thủy sản nói chung và đầu tư phát triển chuỗi giá trị thủy sản còn rất hạn chế. Mức đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng vốn đầu tư khoảng 480.000 tỷ đồng của ngành nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Các điều kiện tiếp cận vốn ODA không còn nhiều.

Bà vừa nhấn mạnh đến chuỗi thủy sản, đây cũng chính là một yếu kém lớn của nước ta (từ khai thác, chế biến đến tiêu thụ) khiến EU rút thẻ vàng. Chuỗi thủy sản nên hiểu đầy đủ như thế nào và đặc tính của nó?

Có thể hiểu chuỗi giá trị thủy sản là tập hợp các hoạt động từ người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng gồm các tác nhân: người sản xuất (người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản); người chế biến; người tiêu thụ. Về cơ bản sự hình thành và phát triển các chuỗi liên kết thủy sản cũng giống như sự hình thành và phát triển các chuỗi giá thông thường khác.

Tuy nhiên, chuỗi thủy sản có đặc thù: hàng hóa tươi sống, dễ hỏng, nhanh giảm phẩm chất sau khi thu hoạch, việc vận chuyển đi xa khó khăn. Muốn phát triển được các chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi các nhà sản xuất, kinh doanh phải có công nghệ cao, thích hợp về chế biến và bảo quản. Nói chung chi phí để bảo quản là rất lớn và thời gian bảo quản không được lâu. Trong tất cả các tác nhân tham gia chuỗi thủy sản, doanh nghiệp là hết sức quan trọng, là mấu chốt trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một loạt các quy định, chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi thủy sản, kết quả thế nào theo nghiên cứu của bà?

Hệ thống các chính sách đa phần hướng vào từng ngành thủy sản cụ thể, ít có cơ chế thúc đẩy chuỗi liên kết thủy sản. Xét về độ rộng, các chính sách này được xem là có khả năng bao phủ các tác nhân chủ yếu của chuỗi giá trị. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chủ yếu còn tập trung vào từng đối tượng, hoạt động cụ thể mà chưa có nhiều sự gắn kết giữa các đối tượng, hoạt động trong chuỗi với nhau.

Thực trạng nguồn nhân lực phần nào cho thấy chất lượng chuỗi thủy sản và hiệu quả các chính sách tài chính. Kết quả khảo sát cuối năm 2016, cả nước hiện có hơn 5 triệu lao động trong ngành thủy sản, hoạt động kinh tế trên biển và ven biển. Không ít nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có cơ sở vật chất tương đương với nhà máy tiên tiến nhất thế giới nhưng có hơn 60% số lao động trong các cơ sở này không có chuyên môn.

Riêng các cơ sở chế biến thuộc khối dân doanh của các ngành chế biến thủy sản có đến khoảng 80% số lao động không được đào tạo, mà chỉ học các lớp bồi dưỡng ngắn ngày do các cơ sở đào tạo hoặc doanh nghiệp tự tổ chức. Về phía những người sử dụng lao động: Có 30 - 55% số chủ cơ sở chế biến thủy sản không có chuyên môn kỹ thuật và 40 - 75% hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật.

Trong tình hình chung nhiều khó khăn và yếu kém nhưng nếu địa phương có chính sách tài chính đặc thù thì chuỗi thủy sản có khá hơn không?

Khảo sát của chúng tôi, có 11/15 tỉnh đã có các chính sách tài chính đặc thù địa phương thúc đẩy cho sự phát triển chuỗi liên kết thủy sản. Bốn tỉnh chưa có chính sách địa phương đặc thù, bao gồm Hải Phòng, Khánh Hòa, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế. Tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản giai đoạn 2005-2015 trung bình của nhóm các tỉnh đã có chính sách tài chính đặc thù (8,91%/năm) cũng có sự chênh lệch đáng kể (xấp xỉ 2,2%/năm) với nhóm không có chính sách.

Người dân và doanh nghiệp có kỳ vọng vào chính sách tài chính phát triển chuỗi để vượt qua khó khăn, phát triển bền vững hay không?

Họ kỳ vọng rất nhiều. 100% doanh nghiệp được hỗ trợ đều cho rằng các chính sách này có ảnh hưởng tích cực. Thậm chí, có 9,6% doanh nghiệp, hợp tác xã không nhận được sự hỗ trợ từ chính sách nhưng đánh giá các chính sách này sẽ có tác động tích cực tới việc phát triển chuỗi giá trị thủy sản.

Có không ít chính sách tài chính hỗ trợ, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi liên kết thủy sản ở Việt Nam trong đó tiêu biểu nhất là Nghị định 67 và các văn bản sửa đổi đi kèm với nó. Bên cạnh đó, các địa phương cũng ban hành nhiều văn bản và qui định cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế.

Hiện nay, cần xác định mô hình chuỗi liên kết giá trị phù hợp trong ngành thủy sản. Trong đó, khuyến khích sự liên kết trực tiếp của doanh nghiệp và hộ sản xuất, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chi phí cũng như lợi nhuận của các bên; và cả chống đánh bắt bất hợp pháp trên biển.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.