| Hotline: 0983.970.780

Ngao Hải Lộc vẫn chết hàng loạt, xét nghiệm chỉ số kim loại nặng vượt gấp 1.500 lần

Thứ Ba 10/01/2017 , 14:30 (GMT+7)

Bước đầu, vợ chồng Thành Hằng khai nhận đang làm công nhân cho cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng (xã Ngư Lộc) và được thuê chở các thùng chất thải đổ ra biển với giá 200 nghìn đồng/chuyến từ đầu năm 2016 đến nay. Ước tính, mỗi tháng cặp vợ chồng này chở từ 7 – 10 chuyến...

Chỉ số kim loại nặng vượt gấp 1.500 lần

Như NNVN đã thông tin trước đó, vào lúc 4h30 ngày 31/12/2016, một số hộ dân nuôi ngao ở xã Hải Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã mật phục, bắt quả tang vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ (trú ở xã Ngư Lộc) chở theo 14 thùng phuy loại 50L chứa chất thải chế biến mực để đổ xuống khu vực nuôi ngao.

17-34-14_1
Chất thải đổ xuống khu vực bãi nuôi ngao có mùi nồng nặc, chứa phụ phẩm chế biến mực
 

Thời điểm bị bắt, hai đối tượng đã đổ tổng cộng 11 thùng, 3 thùng còn lại bị người dân thu giữ và trình báo cơ quan chức năng xuống xử lý. Để làm cơ sở đối chứng, các hộ đã trực tiếp giữ lại một số mẫu chất thải nói trên.

Bước đầu, vợ chồng Thành Hằng khai nhận đang làm công nhân cho cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng (xã Ngư Lộc) và được thuê chở các thùng chất thải đổ ra biển với giá 200 nghìn đồng/chuyến từ đầu năm 2016 đến nay.

Ước tính, mỗi tháng cặp vợ chồng này chở từ 7 – 10 chuyến, đổ từ 10 – 15 thùng chất thải/chuyến xuống biển. Khi kiểm tra, người dân và lực lượng công an phát hiện chất thải trong thùng có mùi hôi thối, màu đỏ gạch, đặc quánh chứa đầy ruột, da mực và nhiều chất lạ chưa xác định được.

Theo kết quả phân tích mẫu tang vật do Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) thực hiện, có thể thấy nhiều chỉ tiêu đều vượt gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép.

Cụ thể, hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra (BOD5) trong mẫu lấy từ các thùng chất thải cao hơn từ 1.520 đến 1.980 lần; hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ (COD) vượt từ 633,5 đến 816,2 lần; NH4+ vượt từ 102,7 đến 128,52 lần.

17-34-14_2
Nhân công đang thu dọn, xử lý ngao chết tại bãi nuôi
 

Đặc biệt, hàm lượng chất Cadimi (kim loại nặng), vốn là một kim loại chuyển tiếp tương đối hiếm, mẫu cao nhất (thùng số 2) vượt đến 1.500 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

Trao đổi với PV NNVN, ông Cao Thanh Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết: “Đây mới chỉ là kết quả phân tích mẫu chất thải ban đầu, cần phải chờ thêm các phân tích và mẫu xét nghiệm từ cơ quan Trung ương và kết quả điều tra cụ thể của Công an huyện Hậu Lộc và Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Thanh Hóa) mới có thể khẳng định được nguyên nhân chính xác khiến ngao chết hàng loạt”.

Được biết, ngày 8/12 Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và Phòng Nuôi trồng thủy sản tiến hành lấy mẫu ngao sống gửi đi xét nghiệm, kiểm tra mức độ đảm bảo VSATTP.
 

Đầu tư tiền tỷ, thu về xác ngao

Báo cáo từ Sở NN-PTNT cho biết, hiện tượng ngao chết bắt đầu xuất hiện từ ngày 19/12/2016 . Lúc này ngao chết rải rác không đáng kể, nhưng đến ngày 21 - 23/12 thì bắt đầu lan rộng ra hầu hết các diện tích nuôi trong sự ngỡ ngàng của tất cả các hộ nuôi.

Tính đến ngày 6/1, tại xã Hải Lộc có 201/230 ha ngao chết, tỷ lệ chết khoảng 70%; tại Đa Lộc có 200/350 ha ngao chết, trong đó 120 ha tỷ lệ chết từ 30 – 70%, 80 ha còn lại tỷ lệ chết trên 70%.

Điều đáng nói, tình trạng ngao chết bất thường hàng loạt nói trên vẫn đang tiếp diễn với quy mô lớn, điều này khiến cho các hộ nuôi càng thêm thấp thỏm, âu lo.

17-34-14_3
Nhân công đang thu dọn, xử lý ngao chết tại bãi nuôi
 

Chiều ngày 9/1, PV NNVN đã có mặt tại khu vực nuôi ngao của xã Hải Lộc để ghi nhận tình hình thực tế. Dọc khắp bãi triều nhìn đâu đâu cũng thấy xác ngao chết nằm chất đống, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên tận óc. Thời điểm này những năm trước, các hộ nuôi tất bật bước vào vụ thu hoạch nhưng giờ đây phải chạy đôn, chạy đáo thuê nhân công chỉ để thu dọn… xác ngao.

“Nhà tôi triển khai nuôi trên diện tích 4 ha, chi phí đầu tư tiền giống vào khoảng 3,7 tỷ đồng. Thú thực hơn 10 năm nuôi ngao, dù trải qua nhiều phen khốn đốn nhưng chưa bao giờ gặp phải tình cảnh thê thảm như lúc này.

Mọi thứ đến quá nhanh ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, với tình hình này thì chỉ còn nước gán nhà trả nợ”, anh Phạm Văn Ba, trú tại thôn Lộc Tiên, buồn bã cho biết.

Bên cạnh việc nuôi ngao, anh Ba còn có nghề “tay trái” là đứng ra cung ứng giống cho bà con trong vùng, không may con ngao lăn đùng ra chết hàng loạt khiến anh phải bồi thường… 1,2 tỷ đồng. “Đang yên đang lành bỗng tai họa ập đến, thú thực giờ đây ngay cả tiền thuê nhân công xử lý bãi nuôi vợ chồng tôi cũng không biết phải xoay xở ở đâu”, anh Ba nói như mếu.

Trên địa bàn xã Hải Lộc có tổng cộng 248 hộ nuôi ngao, sự cố lần này không “bỏ sót” một ai, với việc ngao trong các bãi nuôi vẫn đang chết hàng loạt, chắc chắn nhiều gia đình sẽ mất Tết.

17-34-14_4
Xác ngao chết chất đống

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm