| Hotline: 0983.970.780

Ngao Việt gặp những cản trở nào khi tiếp cận thị trường lớn?

Thứ Ba 31/10/2023 , 09:45 (GMT+7)

Dù thị trường rộng mở, nhưng nghề nuôi ngao hiện phải đối mặt với nhiều vấn đề như: Chất lượng con giống không ổn định, chuỗi liên kết sản xuất lỏng lẻo…

Nghề nuôi ngao đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định, tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Ảnh: Quang Dũng.

Nghề nuôi ngao đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định, tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Ảnh: Quang Dũng.

Thách thức còn nhiều

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nhuyễn thể được xác định là một trong những ngành hàng chủ lực bởi giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: Ngao (nghêu), sò huyết, ốc hương, trại ngọc, điệp, bào ngư, hàu…

Các tỉnh nuôi nhuyễn thể chủ lực là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, TP HCM.

Trong năm 2021, sản lượng nhuyễn thể thu hoạch cả nước ước đạt trên 300.000 tấn. Riêng diện tích nuôi ngao ước trên 15.720 ha, sản lượng ước đạt 190.000 tấn, năng suất đạt 11,82 tấn/ha.

Nghề nuôi nhuyễn thể nói chung, nuôi ngao nói riêng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân các vùng ven biển. Tuy nhiên, hiện nay nghề này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định, tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…

Đơn cử như tại Nam Định, bà Tống Thị Lương, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thủy sản Nam Định cho biết, nghề nuôi ngao tại Nam Định phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh những thuận lợi, nghề này cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức.

“Do đặc điểm nghề này là nuôi ở vùng đất thấp ven biển, bị ngập lúc triều lên (còn gọi là bãi triều) nên việc kiểm soát yếu tố môi trường gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, con người rất khó tác động vào quá trình này. Ngoài ra, còn phải chịu những ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, mưa bão trái mùa, đặc biệt tại khu vực miền Bắc những tháng cuối năm có hiện tượng sương muối kết hợp với độ mặn kéo dài”, bà Lương nói.

Bà Lương nhớ lại, có thời điểm, những bãi ngao của Nam Định cũng như các tỉnh lân cận đã xảy ra hiện tượng chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Cũng theo bà Lương, một khó khăn nữa là việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế. Người dân chủ yếu vẫn tiêu thụ nhỏ lẻ theo hình thức hộ gia đình, chưa tiếp cận được với những hệ thống siêu thị hay nhà máy chế biến. Do đó, sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế, không đảm bảo được giá trị sản xuất cũng như đầu ra ổn định.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam cho hay: “Lenger Việt Nam gặp không ít khó khăn trong việc thu mua ngao và hỗ trợ bà con trong quá trình nuôi. Lenger Việt Nam thu mua ngao theo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, tuy nhiên bà con lại chưa có thói quen chọn lọc ngao theo yêu cầu của công ty. Do đó, công ty sẽ phải mua hết cả bãi ngao và chọn lọc tại nhà máy”.

“Đồng thời, hiện đang có tình trạng suy thoái về giống, ngao ngày càng nhỏ. Trong khi đó, cả thị trường trong nước lẫn quốc tế đều ưa chuộng ngao to. Cùng đó, chi phí nuôi lại ngày một tăng lên, đặc biệt là giá con giống, vật tư, dẫn tới giá thành sản phẩm cũng bị đội lên, gây khó khăn trong việc tiếp cận thị trường”.

Đẩy mạnh chế biến sâu sản phẩm ngao tại địa phương, giảm giá thành và chi phí vận chuyển. Ảnh: Quang Dũng.

Đẩy mạnh chế biến sâu sản phẩm ngao tại địa phương, giảm giá thành và chi phí vận chuyển. Ảnh: Quang Dũng.

Mục tiêu an toàn, chất lượng, bền vững

Ông Nguyên chia sẻ: “Để khắc phục khó khăn, Lenger Việt Nam luôn đồng hành và thuyết phục bà con hiểu kỹ thuật nuôi cũng như thu hoạch ngao, từ đó đáp ứng yêu cầu của nhà máy. Mặt khác, cũng hỗ trợ bà con đạt Chứng nhận ASC, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới. Mục tiêu đặt ra là sản phẩm ngao được nuôi trồng an toàn, bền vững và đảm bảo trách nhiệm với xã hội”.

Ông Nguyên cho hay, Lenger Việt Nam đang triển khai trại ươm giống ngao công nghệ cao. Mục tiêu trong vài năm tới sẽ có ngao đạt kích cỡ đúng với yêu cầu của thị trường quốc tế.

“Chúng tôi cũng đã đề xuất xây dựng mô hình nuôi ngao trên bờ để việc quản lý môi trường nuôi tốt hơn, ngao có được nguồn dinh dưỡng đầy đủ hơn. Đồng thời có phương pháp thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng trên cả nước và giá thành ngao sẽ giảm dần. Tôi tin rằng với việc ươm giống và nuôi ngao trên bờ, chúng ta sẽ hình thành được ngành công nghiệp nuôi ngao”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Còn theo đại diện Chi cục Thủy sản Nam Định, để phát triển bền vững và mở rộng thị trường tiêu thụ cho ngao Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng, một trong những giải pháp là tổ chức lại sản xuất từ nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ; trong đó đẩy mạnh chế biến sâu tại địa phương, giảm giá thành và chi phí vận chuyển. Đồng thời, ưu tiên triển khai các dự án, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi ngao nói riêng.

Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam cho biết: “Hiện nay các nước như Mỹ, Nhật Bản hay cả thị trường nội địa đều rất thích ăn loại ngao to, dày thịt. Đó là một sự cản trở đối với việc đưa con ngao của Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường hơn”.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Phối hợp xử lý tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình trên biển

BÌNH THUẬN Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nhằm nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.