| Hotline: 0983.970.780

Ngát hương quế giữa chiến khu

Thứ Sáu 13/03/2020 , 08:34 (GMT+7)

Đồng bào các dân tộc trên quê hương cách mạng TK Định Hóa (Thái Nguyên) đang tiếp tục phát huy tiềm năng của rừng bằng việc trồng quế.

Dự án trồng quế là biểu tượng của ý Đảng lòng dân tại vùng chiến khu ATK Định Hóa.

Dự án trồng quế là biểu tượng của ý Đảng lòng dân tại vùng chiến khu ATK Định Hóa.

Cây lâm nghiệp chủ lực

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Định Hóa, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định đẩy mạnh phát triển cây quế và chế biến các sản phẩm từ quế với mục tiêu đưa cây quế trở thành cây lâm nghiệp chủ lực. Mỗi năm, huyện chỉ đạo thực hiện trồng trên 500 ha quế, phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện trồng được 10.000 ha quế, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2025.

Ông Hoàng Văn Sơn (Chủ tịch UBND huyện Định Hóa) cho biết, từ hàng chục năm trước, cây quế đã được người dân tại một số xã trên địa bàn huyện Định Hóa đưa vào trồng rải rác với diện tích khoảng 200ha. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên cây quế sinh trưởng, phát triển rất tốt và có hàm lượng tinh dầu cao.

"Thực tế cho thấy, sau khoảng 15 năm chăm sóc, 1ha quế đã cho người dân thu nhập từ 450 - 550 triệu đồng, cao gấp gấp 4 lần so với cây keo, gấp 5,5 lần so với cây mỡ tại địa phương.

Giá trị kinh tế là vậy, tuy nhiên, người dân vẫn không mặn mà với loại cây trồng này. Nguyên nhân một phần là do trồng quế đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn (khoảng 11 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với đầu tư trồng các loại cây lâm nghiệp khác).

Mặt khác, sản phẩm từ cây quế khó tiêu thụ vì tại địa phương chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn", ông Sơn chia sẻ.

Xuất phát từ thực tế trên, nhận thấy triển vọng từ cây quế có thể giúp người dân thoát nghèo và làm giàu, năm 2015, sau nhiều lần nghiên cứu và học tập kinh nghiệm từ “thủ phủ” trồng quế tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, UBND huyện Định Hóa đã phối hợp với Công ty TNHH Vũ Hoa (trụ sở tại thị trấn Chợ Chu) xây dựng Dự án trồng quế trên địa bàn huyện, giai đoạn 2015 - 2020.

Thực hiện Dự án, UBND huyện đã giao cho Phòng NN-PTNT huyện, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa liên kết với Công ty TNHH Vũ Hoa hỗ trợ toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu (gồm cây giống, phân bón) và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế cho người dân.

Công ty TNHH Vũ Hoa cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm quế của người dân sau khi thu hoạch để phục vụ nhà máy chế biến tinh dầu tại địa phương.

Nhờ trồng quế, bà con đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Nhờ trồng quế, bà con đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Kết quả, qua nguồn hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia Dự án trồng quế.

Sau 5 năm triển khai, toàn huyện đã trồng được trên 2.250ha quế. Năm 2020, huyện đã hỗ trợ gần 3 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành khâu thiết kế trồng rừng và bàn giao cây quế giống cho người dân trồng khoảng 350 ha. Hiện nay, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo Dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Hiệu quả

Ông Hoàng Văn Hòa (Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh) chia sẻ, thực hiện Dự án trồng quế của huyện, từ năm 2015 đến nay, bà con trong xã đã trồng được gần 300ha cây quế. Theo đánh giá của người dân, ít có loại cây trồng nào ở miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao.

Hiện sản phẩm lá, cành quế tươi đang được Công ty TNHH Vũ Hoa thu mua tại địa phương với giá 1.500 đồng/kg; vỏ quế tươi 20.000 đồng/kg; thân cây gỗ quế 2,8 triệu đồng/m3 (cao gấp 1,5 lần so với gỗ keo).

Nếu như các loại cây lâm nghiệp khác ở địa phương như: keo, mỡ, bạch đàn… chỉ cho thu hoạch 1 lần duy nhất trong suốt vòng đời sinh trưởng từ 7-10 năm thì cây quế lại cho người dân khai thác tỉa nhiều lần từ năm thứ 5 đến khi được thu hoạch toàn bộ vào năm thứ 15. Vì vậy, lợi ích kinh tế của cây quế đem lại hoàn toàn vượt trội so với các loại cây lâm nghiệp khác.  

Chăm sóc đồi quế.

Chăm sóc đồi quế.

Ông Phạm Văn Giang (thôn Thâm Yên, xã Tân Thịnh - một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây quế về trồng tại địa phương) cho biết, gia đình ông có 5ha đất rừng sản xuất.

Trước đây, ông chỉ trồng cây keo lai, sau khoảng 7-10 năm cây keo lai cho thu hoạch trung bình từ 70-80 triệu đồng/ha.

Từ năm 2015, thực hiện Dự án trồng quế của huyện, ông đăng ký trồng thử 2ha. Gia đình được hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón và được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế.

"Nhờ tích cực chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp, rừng quế của gia đình tôi phát triển tốt, không bị mắc sâu bệnh.

Đầu năm 2019, gia đình đã tiến hành khai thác tỉa thân, cành, lá  của một số cây to được trên 20 tấn sản phẩm. Doanh nghiệp đến tận nơi thu mua với giá 1.500 đồng/kg cành, lá tươi", ông Giang nói.

Theo tính toán của ông Giang, từ năm thứ 6 đến năm thứ 10, với 1ha quế, trung bình mỗi năm gia đình ông sẽ thu về khoảng 25 triệu đồng từ việc khai thác tỉa cành, lá và vỏ cây quế. Sau năm thứ 15, rừng quế sẽ cho khai thác trắng toàn bộ với giá trị khoảng 300 triệu đồng/ha. Nếu tính tổng thu nhập trong vòng 15 năm, 1ha quế sẽ đem lại giá trị kinh tế trên 550 triệu đồng. 

Bà Nguyễn Thị Tươi (xóm Nà Tấc, xã Lam Vỹ) cho biết, trước đây, gia đình bà trồng cây keo lai, khoảng 7 năm cho thu hoạch trung bình từ 50-70 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi thấy một số hộ trồng quế, gia đình cũng trổng thử 2ha.

"Đến đầu năm 2018, gia đình tôi đã khai thác tỉa thân, cành, lá được hơn 20 tấn, bán với giá 1.500 đồng/kg, không phải bỏ đi một chiếc lá nào, trong khi cây quế vẫn tiếp tục phát triển và cho thu hoạch ở những năm tiếp theo. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây quế đem lại, năm nay, gia đình tôi lại tiếp tục trồng thêm 2ha", bà Tươi chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Sơn cho biết, huyện đang hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục để xây dựng và hoàn thiện nhà máy chế biến tinh dầu trong năm 2020. Đó chính là cơ sở để phát triển bền vững mô hình liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của đất rừng, nâng cao khả năng phòng hộ, tăng thu nhập cho người dân.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm