| Hotline: 0983.970.780

Quế, hồi hữu cơ ra thế giới

Thứ Tư 04/03/2020 , 11:22 (GMT+7)

Công ty Cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) sở hữu tới 8 chứng nhận sản phẩm hữu cơ quốc tế.

Giới thiệu các hoạt động của Vinasamex tại nhà máy.

Giới thiệu các hoạt động của Vinasamex tại nhà máy.

Công ty Vinasamex đang cùng người nông dân vùng cao khẳng định được vị thế của sản phẩm quế, hồi Việt Nam tại những thị trường cao cấp, khó tính nhất thế giới: Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn, Canada…

Việt Nam là một trong số 5 nước có diện tích trồng quế lớn nhất thế giới, với 80.000 ha, tập trung chủ yếu ở Yên Bái và Quảng Nam.

Đặc biệt hơn, chỉ Việt Nam và Trung Quốc là hai nước duy nhất trên thế giới may mắn sở hữu cây hồi, với diện tích loại cây này của nước ta vào khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn. Thế nhưng suốt nhiều năm trước đây, người dân trồng quế hồi thu nhập không cao, bởi sản phẩm chủ yếu được thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc với giá thấp.  

Vào năm 2007, cửa khẩu khu vực Lạng Sơn chất đầy những đống hoa hồi trên các xe tải đang chờ xuất sang Trung Quốc, nhưng bị thương lái Trung Quốc ép giá, đành ngậm ngùi chấp nhận bán rẻ hoặc đổ bỏ.

Lúc này, Nguyễn Quế Anh đang kinh doanh các mặt hàng linh kiện điện tử nhập từ Trung Quốc. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, Nguyễn Quế Anh tìm cách liên hệ với những thương nhân phía Trung Quốc mà anh quen biết, vừa kết nối giúp thương lái tiêu thụ được sản phẩm quế hồi, đồng thời kiếm chút thu nhập từ ăn chênh lệch giá.

Năm 2012, Quế Anh cùng vợ là Nguyễn Thị Huyền thành lập Công ty Vinasamex có trụ sở ở Gia Lâm (Hà Nội), nhằm xuất khẩu quế hồi. Chị Huyền tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh, nhờ vốn ngoại ngữ, đã tìm kiếm được những đối tác nhập hàng ở Ấn Độ và Bangladesh.

Năm 2015, vợ chồng Huyền bắt tay vào công việc khó nhất là thuyết phục và đào tạo nông dân trồng quế theo quy trình hữu cơ.

“Nhưng khó khăn không nằm ở nguyên tắc không hoá chất, bởi ở vùng núi nghèo nông dân vốn đã không có tiền để mua phân bón với thuốc trừ sâu. Vấn đề nằm ở chỗ, thói quen cắt tỉa, thu hoạch và chế biến truyền thống của người dân tộc thiểu số lại đi ngược với cách làm hữu cơ.

Tận mắt chứng kiến cảnh nông dân trèo lên những cây hồi cao đến 15m bằng những dụng cụ thô sơ, mới hiểu được công việc này nguy hiểm như thế nào”, Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Nguyễn Thị Huyền (bên phải) giới thiệu sản phẩm quế.

Nguyễn Thị Huyền (bên phải) giới thiệu sản phẩm quế.

Để tạo niềm tin cho bà con, mới đầu chị phải nhờ đến cơ quan chính quyền vận động và định hướng. Công ty và nông dân tiến hành thành lập hợp tác xã, cam kết bao tiêu, mua sản phẩm với giá cao, để họ không vướng phải nỗi lo bị tồn hàng hay chịu cảnh được mùa - mất giá.

Tính đến 25/2/2020, vùng nguyên liệu của công ty tập hợp được 1.349 hộ trồng hồi, quế tại Lạng Sơn, Yên Bái và Lào Cai với tổng diện tích hữu cơ lên đến 1.600 ha. Tháng 1/2020 vừa qua, Công ty Vinasamex và UBND huyện Tràng Định, Lạng Sơn tổ chức lễ ký kết hợp tác đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến quế hồi hữu cơ huyện Tràng Định. Theo đó, hai bên sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác phát triển vùng nguyên liệu quế gồm xây dựng nhà máy chế biến, liên kết đầu tư bao tiêu sản phẩm...

Có hợp đồng với Vinasamex, nông dân không chỉ được đảm bảo đầu ra với giá bán cao hơn so với giá thị trường, mà còn nhận được những hỗ trợ khác nữa như những bao tải mới, công cụ thu hái giúp bà con an toàn hơn, những phần quà khích lệ động viên những hộ dân nghèo, và những chương trình khác nữa.

Vinasamex hỗ trợ thêm chi phí cho bà con để họ tới tham dự các buổi đào tạo được tổ chức dưới sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ.

Sau khi cùng nông dân phát triển vùng nguyên liệu, đến năm 2017, Vinasamex được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Cuối năm 2017, chị Huyền còn có thêm được một số chứng nhận quốc tế về an toàn thực phẩm, chứng nhận tiểu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS). Sản phẩm quế, hồi của Vinasamex còn đạt được chứng nhận Fair Trade (thương mại công bằng) và For Life (công ty có trách nhiệm xã hội).

“Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như hình dung, bởi chỉ riêng việc có được chứng nhận Oganic EU, Vinasamex phải thực hiện rất nghiêm ngặt, chuẩn chỉnh các tiêu chuẩn đặt ra, từ giống, đất trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến, đóng gói…", Nguyễn Thị Huyền nói.

Đến nay, Vinasamex đã có nhà máy rộng 15.000 m2 với hệ thống máy móc hiện đại.

Hiện sản phẩm từ quế, hồi của Công ty đang được xuất khẩu đến nhiều quốc gia: Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Ý, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Pakistan, Bangladesh…

“Ngày trước xuất sang Ấn Độ loại quế cấp thấp giá chỉ 2.000 USD nhưng khi xuất sang thị trường cao cấp, giá có thể đạt 5.000 USD, có những khi lên đến 7.000 USD. Chúng tôi xác định không thể tập trung vào sản lượng mà phải đầu tư cho giá trị sản phẩm. Bán ít nhưng giá trị phải cao”, chị Huyền chia sẻ.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.