| Hotline: 0983.970.780

Ngày xuân nói chuyện làm giàu: Ông cựu chiến binh đáng nể ở Côn Đảo

Thứ Tư 10/02/2016 , 08:35 (GMT+7)

Không chỉ có khung cảnh thiên nhiên đẹp như một thiên đường, mà còn có rất nhiều nông dân sản xuất giỏi, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đó là huyện đảo Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hơn 40 năm trước, hòn đảo này được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, là cái tên mà khi nhắc đến, ai cũng rùng mình, nơi giam cầm, tra tấn hàng ngàn chiến sĩ cách mạng của hai cuộc kháng chiến.

Còn bây giờ, hòn đảo giữa muôn trung sóng biển này đã lột xác: Không chỉ có khung cảnh thiên nhiên đẹp như một thiên đường, mà còn có rất nhiều nông dân sản xuất giỏi, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đó là huyện đảo Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông cựu chiến binh đáng nể

Gặp ông Huỳnh Văn Thành, quê gốc ở huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre, một nông dân giỏi sau khi về hưu, tôi không khỏi bất ngờ khi biết năm nay ông đã 71 tuổi: Mái tóc muối tiêu, dáng vẻ nhanh nhẹn, nước da săn chắc.

Sau những năm tháng tham gia kháng chiến với cương vị bí thư chi bộ của đại đội giao bưu Khu ủy Tây Nam bộ (T.3), từ năm 1975 đến lúc về hưu, ông đã trải qua rất nhiều công việc, vị trí, đơn vị công tác.

“Sau giải phóng 20 ngày, tôi được điều ra làm bí thư chi bộ Ty giao thông huyện Côn Đảo, trực thuộc TP.HCM. Năm 1977, Côn Đảo sáp nhập vào tỉnh Hậu Giang cũ, tôi được điều sang phụ trách phòng Thống kê. Rồi từ năm 1979 đến nay, Con Đảo sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi lại được giao nhiệm vụ thành lập Nông - Lâm trường Côn Đảo”, ông Thành kể.

“Nhờ tổ chức hội được củng cố, số người tham gia hội nông dân tăng đều hàng năm. Đến nay, đã có gần 800 hội viên. Năm 2014 toàn huyện đảo có 41 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp huyện đến cấp trung ương, 119 cán bộ, hội viên đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện; 1 cán bộ chi hội được kết nạp đảng, nâng tổng số đảng viên là hội viên lên 71 trong tổng số 720 hội viên”, ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Côn Đảo.

Công việc cuối cùng ông đảm nhận trước khi về hưu là năm 1992, Hội Nông dân huyện thành lập, ông được bầu làm chủ tịch đầu tiên ở Côn Đảo. Do huyện đảo chỉ có chính quyền 1 cấp, không có phường, xã hay thị trấn, nên ông có nhiều thời gian gần gũi, tiếp xúc với nông dân, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Rồi trở thành “đại gia Hai Lúa” ở Côn Đảo lúc nào không hay.

“Ngày ấy, dân số Côn Đảo chỉ 1.500 người, ai cũng nghèo, huyện cũng nghèo. Nên mình thấy cái gì lợi cho dân thì xáp vô làm, rồi vận động bà con đi khai hoang, phục hóa, tận dụng từng thước đất sản xuất lúa, rau màu kết hợp chăn nuôi để lo cho cái bao tử trước”, ông Thành nhớ lại.

Ngày chàng trai Huỳnh Văn Thành, khi đó mới ngoài 30 tuổi ra đảo, cũng là lúc chị Sen vợ anh, ở huyện Mỏ Cày sinh con thứ hai. Không để vợ nuôi con một mình, sau khi ổn định công tác, anh về xin chuyển công tác cho chị ra Côn Đảo.

“Hồi đó, đồng lương bao cấp đâu có bao nhiêu. Nên ngày ngày, sau khi từ cơ quan về, 2 vợ chồng lại hì hục khai hoang, cuốc đất rồi trồng đủ thứ cây, cốt để có cái mà đút vào miệng, lấy ngắn nuôi dài. Chỗ sâu cấy lúa, trồng rau muống kết hợp thả cá đồng; gò cao gieo các loại rau màu.

“Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, không biết sau bao nhiêu thời gian kiên trì khai hoang, thấm thoắt, vợ chồng ông đã có trong tay 1 ha đất (10.000 m2). Mặc dù vậy, cuộc sống vẫn cứ nghèo, thu nhập từ lúa, rau chỉ đủ ăn, đủ nuôi con.

Đến năm 1984, ông Thành bàn với vợ dùng số tiền “phòng thân” trị giá gần 1 chỉ vàng tích cóp được từ lâu, mua một con bò sinh sản. Có lẽ do phù hợp môi trường, thức ăn lại khá dồi dào, nên bò sinh sôi rất nhanh. Bò đực nuôi lớn mổ bán thịt. Bò cái để tăng đàn. Sau gần chục năm, đàn bò của ông đã lên đến hơn 80 con...

Cũng nhờ đàn bò, vợ chồng ông Thành trở thành người xóa nghèo giỏi ở Côn Đảo, cả 5 người con đều được ăn học và hiện đều là cán bộ công tác trong các cơ quan ở huyện đảo.

“Đến nay, gia đình tôi đã có bốn thế hệ sống trên Côn Đảo là cha tôi, vợ chồng tôi, giờ đến các con và các cháu của tôi. Có điều, cha tôi bị giặc Mỹ cầm tù chứ không phải như các đời con cháu ông bây giờ”, ông Thành trầm ngâm.

Vươn lên làm giàu

Không chỉ có gia đình ông Thành, trên đảo đã có thêm nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Có được kết quả này, phần do học hỏi, chịu khó làm và phần quan trọng khác là nhờ có sự hỗ trợ đắc lực từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện.

Sau khi thành lập năm 2013, NHCSXH đã phối hợp với Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh thành lập 18 tổ tiết kiệm vay vốn, trong đó Hội ND có 8/18 tổ với 273 thành viên. Nhờ những tổ tiết kiệm nay, nông dân có điều kiện vay vốn sản xuất.

Anh Lê Văn Tài, ở Khu dân cư số 2 kể, sau khi dược hỗ trợ vay vốn từ NHCSXH, anh thuê 3.000m2 đất, rồi cải tạo, trồng các loại rau màu. Từ 3 năm nay, bình quân mỗi năm anh thu 200 triệu đồng từ các loại rau. Anh còn tham gia tổ tiết kiệm vay vốn của chi hội khu dân cư số 2 rồi lên phương án vay 20 triệu đồng đào ao nuôi thả cá nước ngọt. Anh cho biết, đang lập kế hoạch tích lũy, mua 1.000m2 đất sản xuất để làm giàu.

15-12-00_nh-3
Anh Lê Văn Tài, ở Khu dân cư số 2 đang chăm sóc vườn rau

Anh Nguyễn Văn Liên là một nông dân có kinh nghiệm chăn nuôi bò. Ngoài nuôi bò của gia đình, anh còn nuôi thuê 5 con cho các hộ hội viên trong chi hội với tiền công 3 trăm ngàn đồng/con mỗi tháng. Năm 2014, thấy anh có khả năng làm giàu từ nuôi bò, tổ tiết kiệm vay vốn giới thiệu anh vay 20 triệu đồng mua thêm một con bò nái sinh sản.

 “Bò ở Côn Đảo lúc này có giá lắm, sau 14 tháng tuổi có thể phối giống, đẻ con, nuôi vài tháng có thể bán bò giống bằng hoặc hơn vốn ban đầu mua, ngoài ra, còn lãi con bò mẹ. Nếu có vốn nuôi bò, nhanh giàu lắm”, anh Liên nói.

Tại khu dân cư số 7, chị Nguyễn Thị Thảo, quê Hà Tĩnh, là người khá nổi tiếng bởi chị là một trong những nông dân sản xuất giỏi nhất ở đây. Chị bắt đầu khấm khá lên kể từ khi có vốn vay ưu đãi, chị đầu tư nuôi trâu, bò, heo, gà, cá.

Hiện tại, mỗi năm chị xuất chuồng 4 tấn heo thịt. Mùa mưa, ao đầy nước, chị thả cá giống, sau 6 tháng, thu khoảng 100 triệu đồng. Đến mùa khô cạn nước, chị lại chuyển sang trồng các loại rau ngắn ngày…

“Năm 2014, số tiền thu từ heo, cá, rau tôi bỏ túi 230 triệu đồng, đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp trung ương”, chị Thảo vừa cười vừa khoe.

15-12-00_nh-4
Ngày nay, Côn Đảo không chỉ đẹp như một bức tranh, mà người dân đang giàu lên

Ông Trương Quang Huân, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Côn Đảo cho biết, đến đầu năm 2015, dư nợ tín dụng của Phòng Giao dịch huyện đảo đạt 13,466 tỷ đồng, hỗ trợ 654 hộ vay. Người vay không chỉ sinh lợi từ vốn ngân hàng mà còn trả nợ sòng phẳng.

Nguyên nhân nợ quá hạn thấp là nhờ được các tổ tiết kiệm vay vốn của các đoàn thể quần chúng cùng với cán bộ ngân hàng tuyên truyền, tư vấn cho người dân biết cách sử dụng vốn, có ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững. “Thấy bà con sử dụng đồng vốn vay hiệu quả và vươn lên thoát nghèo, chúng tôi mừng lắm”, ông Huân tâm sự.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Ninh Thuận xây dựng 2 phương án sản xuất vụ hè thu

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với khô hạn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.