Nhưng, hiện nay theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, trong ngày 6/2, dịch đã tái phát tại 3 huyện với 7 điểm dịch.
3 ổ dịch được phát hiện ở xã Trung Sơn (Đô Lương), xã Nậm Nhoóng (Quế Phong) và xã Keng Đu (Kỳ Sơn), số lợn bị tiêu hủy 22 con. Nguyên nhân tái phát dịch được xác định là do virus mầm bệnh tồn tại trong môi trường, khi có điều kiện thuận lợi về thời tiết là bùng phát.
Mặt khác trong những ngày Tết Âm lịch vừa qua người dân giết mổ lợn nhiều, ít quan tâm đến vệ sinh dịch tễ, khiến mầm dịch có cơ hội bùng phát trở lại. Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cùng với UBND các huyện, xã đang tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng và chống dịch triệt để.
Cũng tại Nghệ An, hiện nay xuất hiện một ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm của 2 gia đình bà Hồ Thị Tình và ông Hồ Hữu Thắng ở xóm Hồng Phú, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu.
Theo ông Trần Minh Quân - Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quỳnh Lưu, sáng 7/2, chính quyền địa phương và cơ quan thú y đã lập hồ sơ xong, đồng thời nhanh chóng cho tiêu hủy ngay 160 con gà, ngan của 2 gia đình nói trên. Theo thống kê, trên địa bàn xã Quỳnh Hồng hiện có 8.910 con gia cầm, thủy cầm. Với số gia cầm, thủy cầm nhiều như vậy, UBND xã đã có tờ trình đề nghị huyện cung ứng đầy đủ vacxin để tiếp tục triển khai tiêm phòng tốt.
Cúm gia cầm H5N6 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh. Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Bộ Y tế đã yêu cầu các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp tục với gia cầm bị bệnh chết trong vùng dịch cúm A/H5N6 thì cơ sở y tế điều trị phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.