| Hotline: 0983.970.780

Phòng trị cúm gia cầm và kháng kháng sinh cúm gia cầm tại Việt Nam

Thứ Sáu 27/09/2019 , 17:30 (GMT+7)

Chiều 27/9 tại Hà Nội, Giáo sư Christine Middlemiss, Cố vấn trưởng về Thú y của Vương quốc Anh đã đến thăm và làm việc tại Viện Thú y tại Hà Nội trong khuôn khổ Dự án Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe tại Việt Nam.

Giáo sư Christine Middlemiss, Cố vấn trưởng về Thú y của Vương quốc Anh phát biểu tại buổi làm việc tại Viện Thú y chiều 27/9 trong khuôn khổ buổi làm việc về Dự án Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Dự án thuộc khuôn khổ Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu của Chính phủ Anh (GCRF) nhằm giới thiệu hoạt động nghiên cứu về cúm gia cầm và kháng kháng sinh tại Việt Nam.

Giáo sư Christine Middlemiss chia sẻ, ngành thú y nói riêng và chuyên môn về khoa học của Vương quốc Anh nói chung đang không ngừng vươn ra ngoài biên giới. Bà rất vui khi được thấy những tác động tích cực từ dự án mà Vương quốc Anh tài trợ, với mục tiêu giải quyết các mối đe dọa toàn cầu như kháng kháng sinh và các bệnh trên động vật, bao gồm cả cúm gia cầm. Do đó, Dự án nghiên cứu này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thú y, và Vương quốc Anh sẽ không ngừng nỗ lực hỗ trợ và củng cố các hoạt động hợp tác quốc tế như vậy.

Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (Global Challenge Research Fund - GCRF) là quỹ trị giá 1,5 tỷ bảng của Chính phủ Anh dành riêng cho nghiên cứu tập trung giải quyết các thách thức toàn cầu ảnh hưởng lớn nhất đến các nước đang phát triển. GCRF hỗ trợ các nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành dựa trên các thách thức hiện có, nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới tại các nước đang phát triển, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khẩn cấp và tại chỗ.

GCRF được quản lý bởi Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS) của Vương quốc Anh, được triển khai bởi Hội đồng Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Vương quốc Anh (UKRI), Các Viện Hàn lâm, Cơ quan Vũ trụ Anh và các cơ quan tài trợ khác.

Dự án Nghiên cứu Gia cầm Một Sức khỏe đóng vai trò quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng về thịt và trứng gia cầm ở các nước đang phát triển, đồng thời giảm thiểu được rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Nguyên Huân.

GS Vũ Đình Tôn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trưởng nhóm dự án tại Việt Nam, chia sẻ: Thịt và trứng gà là nguồn thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam và chăn nuôi gia cầm đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cung cấp thực phẩm có nguồn gốc động vật cho xã hội cũng như phát triển kinh tế của các hộ gia đình nông dân.

Tuy nhiên, theo GS Vũ Đình Tôn, chăn nuôi gia cầm cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề dịch bệnh đặc biệt công tác kiểm soát sự tái bùng phát của các chủng virus cũ như H5N1, sự xuất hiện của các chủng virus cúm gia cầm mới, các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do đó, Dự án Nghiên cứu Gia cầm Một Sức khỏe đóng vai trò quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng về thịt và trứng gia cầm ở các nước đang phát triển, đồng thời giảm thiểu được rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng trong nước cũng như quốc tế.

Dự án hiện đang bắt đầu triển khai nghiên cứu chuyên sâu ở bốn quốc gia Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka và Việt Nam, với mục tiêu đưa ra các khuyến nghị và hỗ trợ xây dựng các chính sách hướng tới phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.

Dự án Trung tâm nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe (GCRF One Health Poultry Research Hub) được công bố vào tháng 1/2019 là một trong 12 dự án nghiên cứu trọng điểm liên ngành thuộc Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu của Vương quốc Anh (GCRF).

Đây là sáng kiến ​​nghiên cứu trị giá 18,1 triệu bảng nhằm giải quyết nhu cầu ngày càng gia tăng về thịt và trứng gia cầm ở các nước đang phát triển, đồng thời giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng.

Dự án được thực hiện tại Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ và Sri Lanka. Cơ quản chủ trì là Đại học Thú y Hoàng gia London, phối hợp với Viện Chăn nuôi, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Thú y, Học viên Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự Phát triển (CIRAD) và các tổ chức quốc tế khác.

 

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...