| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Dưa hấu mất mùa, mất giá!

Thứ Ba 25/05/2010 , 10:38 (GMT+7)

Năm nay nông dân nhiều xã tại Nghệ An đã bỏ cây màu để chuyển sang trồng dưa hấu. Thế nhưng buồn lắm thay, bởi dưa hấu năm nay mất cả mùa lẫn giá.

Cùng thời gian này năm ngoái, khi chúng tôi đến vùng dưa hấu hàng hoá ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An thì thấy bà con nông dân ai cũng rạng ngời phấn khởi, bởi năng suất đạt 40 tấn/ha. Về giá cả, bình quân cả vụ đạt đạt 4.000 đ/kg. Trừ chi phí, 1 ha dưa hấu (trồng 3 tháng) đã cho thu lãi từ 80-100 triệu đồng. Thấy vậy, năm nay nông dân nhiều xã đã bỏ cây màu để chuyển sang trồng dưa hấu. Thế nhưng buồn lắm thay, bởi dưa hấu năm nay mất cả mùa lẫn giá.

Thấy tôi đang tần ngần trước một vườn dưa hấu có màu lá nửa vàng, nửa xanh, ông Lê Văn Lý, Chi hội trưởng nông dân xóm 4 xã Nghĩa Lâm rầu rĩ: Vườn dưa nhà tôi trồng có đến 8 sào (500 m2/sào), nhưng đã bị bệnh chết xanh làm hỏng mất trên 30%. Lý giải về căn bệnh này, ông Lý bảo: Bệnh chết xanh của dưa không phát triển đồng loạt mà chỉ bị rải rác khắp cả vùng, khi cây dưa phát triển từ 70cm-1m thì xuất hiện ở đầu ngọn bị héo lá dần tới gốc. Khi mới phát hiện chúng tôi cũng đã tới Trạm BVTV để xin mua thuốc, nhưng không có thuốc đặc trị. Cũng bởi vậy mà vụ dưa năm nay năng suất ở toàn vùng may ra chỉ đạt trên 10 tấn/ha. Đã thế giá cả lại quá rẻ (tại vườn, dưa chuẩn chưa đến 2.000đ/kg) nên người dân chỉ mong hoà được vốn.  

Người dân trồng dưa hấu ở huyện Nghĩa Đàn đi rao với giá 2.000đ/kg nhưng vẫn chẳng thấy ai mua

Tới xã Nghĩa Sơn, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: Nhà tôi có 3 người con năm nay trồng 3 ha dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, năm ngoái thì cho thu hoạch khá, nhưng năm nay thời tiết khắc nghiệt, khi cây phát triển non tơ thì bị mưa vùi dập, tới khi dưa chuẩn bị cho thu hoạch thì nắng hạn kéo dài không có nước tưới. Đã vậy, năm nay vùng dưa này lại có thêm 2 loại bệnh tấn công, đó là bệnh chết xanh và quăn lá, dựng ngọn làm cho các vườn dưa bị thiệt hại từ 30-50%.

Tới trụ sở UBND xã Nghĩa Sơn, khi hỏi về khí thế của cây dưa hấu ở vùng trọng điểm này ra sao thì thấy Chủ tịch Nguyễn Cảnh Tứ khoát tay một cái rồi than thở: Kể từ năm ngoái trở về trước, khi mùa dưa hấu ở đây chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch thì chúng tôi vẫn mời anh về đây viết bài đăng trên trang khuyến nông của Báo NNVN để thu hút khách hàng. Kết quả sau khi báo đăng, đã có từng đoàn xe từ khắp nơi ngày đêm đến đây để đăng ký chờ thu mua dưa hấu đỏ của Nghĩa Sơn. Nghĩa Sơn đã có truyền thống trồng dưa hấu trên 10 năm, và người dân cũng đã giàu lên nhờ dưa hấu.

Vậy nhưng năm nay thì khác hẳn. Bởi đất sản xuất nông nghiệp của xã hiện đã phải bàn giao 100% cho Dự án nuôi bò sữa. Tiếc vì cây dưa hấu cho thu hoạch nhanh lại có lãi cao, nên năm nay dân xã Nghĩa Sơn đã đi về các xã khác, kể cả ra ngoài tỉnh Thanh Hoá để thuê 400 ha đất trồng dưa. Vậy nhưng đây lại là một vụ dưa thất bát chưa từng thấy.

Ông Tứ bảo theo thống kê của dân thì vụ dưa xuân năm nay gặp phải thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Khi cây dưa bước vào kỳ chớm nụ ra hoa thì trời đổ mưa dồn dập, thế là dưa bị hỏng. Đến kỳ dưa đậu quả thì hạn hán kéo dài, nắng nóng như đổ lửa, vậy là quả bị héo queo. Ông Tứ bảo ít nhất vụ dưa này nông dân Nghĩa Sơn đã bị thời tiết xoá sổ mất 50% diện tích. Số còn lại năng suất cũng chẳng đáng bao nhiêu, quả không đẹp, giá bán quá rẻ nên cầu mong cho họ thu hồi được vốn đã đầu tư!

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Ninh Thuận xây dựng 2 phương án sản xuất vụ hè thu

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với khô hạn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.