| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Khô hạn, vỡ kế hoạch 10.000 ha lúa

Thứ Năm 17/06/2010 , 10:55 (GMT+7)

Do nắng nóng, khô hạn kế hoạch gieo cấy 55.000 ha lúa HT của Nghệ An bị đổ vỡ, cố gắng cũng chỉ gieo cấy được 50.000 ha. Như vậy vụ này Nghệ An hụt 10.000ha lúa so với vụ HT trước.

Nguồn nước Sông Lam bị cạn kiệt
Nghệ An dự tính sẽ gieo cấy 55.000 ha lúa HT (giảm 10.000 ha so với năm 2009) và chuyển một số diện tích gieo cấy lúa HT thiếu nước sang gieo cấy vụ mùa để lợi dụng nước trời (gần 4.700 ha). Thế nhưng do nắng nóng, khô hạn kế hoạch này bị đổ vỡ, cố gắng cũng chỉ gieo cấy được 50.000 ha. Như vậy vụ này Nghệ An hụt 10.000ha lúa so với vụ HT trước. 

Đứng trước tình hình đó, Sở NN- PTNT Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương trong tỉnh buộc phải chuyển số diện tích không gieo cấy được vụ HT sang vụ lúa mùa và trồng các loại cây chịu hạn khác. Tuy nhiên hàng chục ngày qua, nắng nóng đều duy trì ở mức trên dưới 40 độ C, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng nên việc duy trì cho số mạ đã cấy xuống ruộng sống được đã là một vấn đề hết sức nan giải (hiện có 17.655 ha đang thiếu nước nghiêm trọng). Tận dụng đợt mưa 2 ngày 1- 2/6 một số huyện đã chỉ đạo bà con gieo thẳng hàng nghìn ha nhưng sau đó khô hạn đã khiến lúa không mọc được. Một số diện tích gieo thẳng có nước đã nảy mầm được nhưng cũng đang có nguy cơ chết nắng trên ruộng.

Chúng tôi về huyện Hưng Nguyên bắt gặp ông Phan Văn Trường, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Hưng Nguyên đang cùng mấy cán bộ huyện đi kiểm tra gieo cấy lúa HT. Ông Trường cho biết: “Kênh Hoàng Cầm, 10 năm nay chưa được nạo vét nên lòng kênh cạn kiệt khiến nước không về được. Điện lưới ở địa bàn Hưng Nguyên lại khá phập phù nên không thể bơm được nước cứu lúa. Trong số 5.700 ha gieo cấy lúa HT, toàn huyện mới gieo cấy được trên 2.000 ha. Thế nhưng lúa HT trên ruộng đã và đang bị vàng úa do ruộng nứt nẻ vì nắng nóng và thiếu nước”.

Cùng xuống địa bàn các xã Hưng Lợi, Hưng Thịnh, Hưng Châu, ông Trường cho biết thêm: Mấy xã này nằm buộc phải gieo cấy sớm, chậm nhất là trước 10/6 thế mà anh xem những cánh đồng mênh mông lẽ ra sẽ gieo cấy lúa HT đều đang trơ gốc rạ vì thiếu nước. Thời gian qua, Cty Thuỷ lợi Nam Nghệ An đã phải dùng “chiêu” phối hợp với ngành điện cắt điện toàn bộ các trạm bơm địa phương để tập trung nước về cuối nguồn cứu lúa HT. Mặc dù UBND huyện đã có chỉ thị sẽ “kỷ luật” những xã nào không thực hiện chỉ đạo trên của huyện. Thế nhưng, một số hộ gia đình nóng ruột không chịu để lúa chết chờ đến đêm khuya thì đưa máy nổ cá nhân ra đồng bơm kiểu “du kích” để lấy trộm nước từ dưới kênh lên cứu lúa.

Chúng tôi đến Trạm bơm Hưng Châu, một trạm bơm có tới 8 máy bơm (8.000 m3/giờ/cái) với tổng công suất 64.000 m3/giờ lấy nước từ ba ra Nam Đàn về phục vụ tưới cho 700 ha lúa của mấy xã cuối kênh nhưng hiện nguồn nước này không có. Để có nước cứu lúa, UBND huyện Hưng Nguyên đã dùng giải pháp tạo nguồn từ kênh Hoàng Cầm về nhưng chưa đủ nước cho một máy hoạt động, thỉnh thoảng lại phải nghỉ vì hết nước.

Ông Nguyễn Hữu Văn, Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An cho biết: Nguồn nước tưới cho lúa HT đã gieo cấy tại Nghệ An đến thời điểm này là rất khó khăn. Hiện chỉ còn 13/50 hồ đập đang có từ 50 đến 70% dung tích nước, 15 hồ đập bị cạn hoàn toàn, còn lại tất cả các hồ các DN và địa phương quản lý đều thấp hơn mức nước chết. Các trạm bơm lớn hút nước từ sông Lam, sông Cấm, sông Mai Giang...đều không thể hoạt động được vì nước sông bị nhiễm mặn rất cao. Nếu bơm nước sông lên chống hạn nước nhiễm mặn có thể làm chết lúa của bà con thì phải bồi thường nên các trạm thuỷ nông đành bất lực ngồi chờ lúa chết dần từng ngày...

Sáng 16/6, chúng tôi ra Nghi Lộc để tìm hiểu hạn hán tại địa phương này, ông Trần Quốc Hiển, PCT UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Hạn hán và thiếu điện đang căng lắm. Hạn hán lịch sử kèm theo gió Lào kéo dài đã khiến 100% hồ đập trên địa bàn huyện bị khô cạn. Kênh nhà Lê và sông Cấm mặc dù đã có cống ngăn mặn Nghi Quang nhưng nước mặn vẫn xâm nhập sâu vào nhiều xã (Nghi Quang, Nghi Tiến, Nghi Thiết...) khiến nguồn nước tưới cho lúa HT đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đất đai của huyện Nghi Lộc là đất pha cát nên hạn hán càng trở nên khốc liệt. Bởi thế, UBND huyện đang khuyến cáo các địa phương: Nếu nóng nóng và hạn hán vẫn duy trì thêm khoảng một vài tuần nữa thì diện tích lúa hè thu và lúa mùa trên địa bàn huyện có thể gần như bị mất trắng. Phải chuẩn bị sớm các phương án nhằm đẩy mạnh SX vụ đông để bù vào.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.