Giá thu mua giảm mạnh
Niên vụ mía năm nay toàn huyện Anh Sơn (Nghệ An) trồng được 1.647 ha, năng suất ước đạt bình quân 55 tấn/ha, sản lượng 90.667 tấn. Các xã trồng nhiều mía nhất là: Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Hùng Sơn… mỗi xã từ 50 - 120 ha. Tại thời điểm này, nông dân thu hoạch mía với tâm trạng buồn chán do giá thu mua mía từ 850.000 đ/tấn vụ mía năm ngoái, năm nay giảm còn 750.000 đ/tấn. Trong khi đó giá thuê nhân công thu hoạch mất 300.000 đ/ngày, rồi chi phí tiền giống, phân bón, công chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh… toan đi, tính lại người trồng mía lãi không đáng kể, thậm chí chỉ hòa vốn.
Các vùng mía nguyên liệu ở Nghệ An đồng loạt trổ cờ. Ảnh: Quang An |
Ông Nguyễn Văn Tân ở xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, một trong những hộ dân thâm canh mía khá nhất xã trồng 5 sào mía, vụ mía năm ngoái gia đình thu được 30 tấn mía bán cho nhà máy đường Sông Lam, trừ các khoản chi phí còn thu lãi được 25 triệu đồng.
Vụ mía năm nay, nhà máy thu mua mía với giá thấp 750.000 đ/tấn, trong khi đó giá thuê công thu hoạch, chăm sóc… cao hơn năm ngoái 50.000 đ/công. Vì vậy tiền lãi cho trồng mía chỉ bằng một nửa năm ngoái.
Theo ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Công ty CP mía đường Sông Lam: Nhà máy không còn cách nào khác ngoài việc cố gắng hạ thấp các chi phí đầu vào trong đó có việc hạ giá thu mua mía nguyên liệu do giá đường ngoài thị trường chỉ có 10.200 đ/kg. Dù hạ giá mua mía nhà máy vẫn không có lãi nhưng phải mua cho nông dân để giữ vùng nguyên liệu.
Còn ở Phủ Quỳ, vùng có diện tích mía lên đến hơn 14.000 ha, nhiều nhất tỉnh, người trồng mía ở đây cũng ngao ngán và thất vọng trước việc giá thu mua mía của Công ty TNHH mía đường Nghệ An từ 880.000 đồng/tấn vụ mía năm ngoái, nay công ty chỉ thu mua với giá 750.000 đồng/tấn, giảm 130.000 đồng/tấn. Ông Hồ Văn Tuấn - cán bộ nông nghiệp xã Nghĩa Đức cho biết: Vụ mía năm nay toàn xã trồng được trên 750 ha, chủ yếu trồng các giống mía LK92, KK3, năng suất mía vụ này dự kiến đạt 60 - 62 tấn/ha. Nếu bán được với giá cũ thì bà con còn có lãi khoảng gần 30 triệu đồng/ha, còn bán với giá như hiện nay chỉ lãi được trên 20 triệu đồng/ha. So với nhiều cây trồng khác thì mía là cây đem lại giá trị thu nhập thấp nhất. Nếu kéo dài tình trạng này khó mà động viên bà con nông dân giữ lại được vùng mía nguyên liệu cho nhà máy đường hoạt động.
Mía đồng loạt trổ cờ
Vụ mía năm nay, trời ít mưa, nắng nhiều, nhiệt độ không khí cao, nên có rất nhiều ruộng mía, đồng mía đồng loạt trổ cờ sớm hơn các vụ mía trước đây.
Ảnh: Quang An |
Ngược lên huyện miền núi Quế Phong, đi qua những cánh đồng mía ở các xã Quế Sơn, Tiền Phong, Châu Kim, Mường Nọc… mía trổ cờ trắng xóa như những đồi lau lách. Ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Quế Sơn, là người có diện tích mía xấp xỉ 1 ha, nhiều nhất xã. Mía trổ cờ trắng xóa cả ruộng, ông buồn bã nói: Ngày nào tôi cũng ra thăm đồng, rất nóng ruột, mía càng trổ cờ nhiều năng suất càng giảm và giá thu mua cũng giảm theo. Thấy mía trổ cờ, chúng tôi kêu lên huyện, kêu lên nhà máy đường nhiều lần rồi vẫn chưa thấy có lệnh thu hoạch của nhà máy, thiệt thòi này chỉ có người nông dân phải chịu thôi.
Ông Nguyễn Hồng Châu - Chủ tịch UBND xã Quốc Sơn cho biết: Toàn xã hiện có gần 200 ha mía, đa số diện tích mía bây giờ đã trổ cờ. Như các năm trước, vào thời điểm này phần lớn diện tích mía đã thu hoạch xong. Nhưng năm nay lý do gì chúng tôi không biết, chỉ biết rằng toàn xã mới có 6 lệnh thu mua mía của nhà máy với diện tích 1,5 ha. Mía trổ cờ bà con nông dân kêu lên UBND xã, đề nghị xã liên hệ gấp nhà máy về thu mua mía cho dân. Nhưng, xã kêu nhiều rồi, vẫn chưa thấy nhà máy về thu mua tiếp cho bà con.
Theo báo cáo của UBND huyện Quế Phong, toàn huyện hiện chỉ có 340 ha mía, trồng tập trung chủ yếu ở các xã: Quế Sơn, Tiền Phong, Châu Kim, Mường Nọc… và hầu hết được trồng bằng giống mía ROC 10. Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quế Phong cho biết: "Tại thời điểm này có rất nhiều diện tích mía đã trổ cờ, lãnh đạo các xã đã báo cáo về huyện và đề nghị UBND huyện có ý kiến với nhà máy về thu mua mía gấp. Nhưng, phía nhà máy đường vẫn ì ạch và kéo dài thu mua. Tình trạng này sẽ gây thất thiệt lớn cho người trồng mía và khả năng vụ mía tới diện tích mía sẽ giảm mạnh để chuyển sang cây trồng khác".