Gỡ bỏ áp lực
Ngày 9/11/2015, Bộ NN-PTNT ban hành Văn bản số 4638/QĐ-BNN-HTQT Quyết định “Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) do Ngân hàng Thế giới tài trợ”.
Thời gian thực hiện từ 2016 – 2022, mục tiêu tổng quan hướng đến là hỗ trợ thực hiện chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước thông qua công tác sửa chữa, nâng cấp các đập ưu tiên, tăng cường năng lực quản lý, vận hành an toàn đập nhằm bảo vệ cho dân cư và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng hạ du. Bám vào các tiêu chí kể trên và kết quả thực tiễn thu về, rõ ràng tỉnh Nghệ An được hưởng lợi lớn.
Khẳng định như vậy là có nguyên do, sâu xa nhất bắt nguồn từ yếu tố “nhiều” mà không “tinh”. Quả thật như vậy, với trên 1.000 đập, hồ chứa nước Nghệ An được xem là tỉnh có số lượng công trình thủy lợi dày đặc bậc nhất, có điều chỉ khoảng trên dưới 100 hồ thuộc quản lý của 7 Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi (Thuỷ lợi Bắc, Nam, Thanh Chương, Tây Bắc, Tây Nam, Tân Kỳ, Phủ Quỳ) cơ bản đảm bảo vận hành, khai thác và bảo vệ. Trong khi phần đa còn lại (do UBND cấp xã, các Hợp tác xã, tổ đội thuỷ nông phụ trách) nhìn chung năng lực chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu.
Việc duy tu, bảo dưỡng mang tính cấp thiết, tuy nhiên do nguồn thu từ giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi chỉ đủ trang trải cho công tác quản lý, vận hành phục vụ tưới tiêu nên không cân đối được, chưa kể nhiều đơn vị phải trông chờ vào nguồn "cấp bù" mới có thể duy trì hoạt động qua từng năm. Điều này gây nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quan trắc, kiểm tra và đánh giá an toàn đập, đồng nghĩa nguy cơ luôn rình rập. không thể dựa vào sức mạnh nội lực, dẫu muốn hay không Nghệ An đành phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương, của Bộ NN-PTNT, nhất là trong bối cảnh diễn biến thiên tai ngày càng khó đoán.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập từ nguồn vốn WB8 được ví như “cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn”, giúp địa phương này xua tan hàng tấn áp lực vốn dĩ đè nén bấy lâu. Trong Hợp phần 1 (Khôi phục an toàn hồ đập), Nghệ An cùng lúc có tên trong danh sách thực hiện dự án từ năm thứ nhất lẫn các tiểu dự án năm tiếp theo. Theo số liệu thống kê từ Sở NN-PTNT (chủ đầu tư), trên địa bàn có 4 tiểu dự án với tổng cộng 33 hồ chứa.
Qua ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, Dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn đập tỉnh Nghệ An có tổng vốn phân bổ là 517,24 tỷ đồng (tương đương 22,99 triệu USD), trong đó phần vốn WB là 21,79 triệu USD, nguồn đối ứng là 1,20 triệu USD, tất cả dùng để sửa chữa, nâng cấp 4 TDA.
TDA 1 – hồ Khe Giang, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu có giá trị hợp đồng xây lắp sử dụng vốn WB là 27,7 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 24,7 tỷ, đạt 90%; TDA 2 – hồ Khe Sân, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu có giá trị hợp đồng xây lắp vốn WB là 201,8 tỷ, hiện công tác giải ngân đạt 94%; TD3 gồm 13 hồ chứa, đã hoàn thành, bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng, đang hoàn thiện hồ sơ để trình quyết toán; TDA gồm 18 hồ chứa, đã ký hợp đồng các gói thầu xây lắp vào tháng 12/2020, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2022.
Đối tượng được ưu tiên là các đập đối diện nguy cơ sự cố cao, những công trình này sẽ được sửa chữa, nâng cấp nhằm khôi phục các nhiệm vụ theo thiết kế, từng bước tăng cường tính ổn định, đảm bảo thoát lũ và giảm thiểu rủi ro.
Đối với hệ thống đập đất sẽ thực hiện gia cố đỉnh đập, sửa chữa mái thượng hạ lưu, làm lại hệ thống thoát nước mái, xử lý chống thấm bằng tường nghiêng chân khay, hoặc bằng khoan phụt vữa xi măng sét, xi măng bentonite, tường hào bentonite. Kết cấu chủ yếu sử dụng vật liệu tại chính địa phương (đất, đá cấp phối, đá xây lát, bê tông cốt thép…
Lợi ích kép
Mặc dầu đối diện với nhiều yếu tố bất thuận, bao gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, rõ nhất là động thái kiến nghị Bộ NN-PTNT điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư theo hướng tăng trần mức vốn đối ứng của địa phương nhằm phù hợp với diễn biến thực tế của dự án. Khó khăn là vậy nhưng với sự linh hoạt cần thiết của Chủ đầu tư, Ban QLDA WB8 tỉnh Nghệ An và các nhà thầu, khối lượng tiến độ chung vẫn được duy trì ổn định, hiện các bên đang tập trung rà soát bổ sung các hợp đồng xây lắp đối với TDA 4.
“Đi sau nhưng về trước”, dù trải qua bước khởi đầu khá chậm rãi nhưng chỉ trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây tiến độ thi công trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang duy trì nhịp tiến vũ bão, qua đó đã đưa địa phương này vươn lên tốp đầu trong nhiệm vụ triển khai các dự án có sử dụng nguồn vốn WB8. Phải thừa nhận chất lượng công trình rất đáng “đồng tiền bát gạo”, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ lại sừng sững trụ vững trước thiên tai.
Ông Nguyễn Hào, Trưởng Ban QLDA ngành NN-PTNT khẳng định: "Dự án WB8 nâng cao an toàn đập của tỉnh Nghệ An gồm 4 Tiểu dự án với 33 hồ chứa, hệ thống công trình đã tích nước và phát huy hiệu quả giá trị cốt lõi, đặc biệt là đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão".
Sau khi khoác lên mình “chiếc áo mới”, các công trình hồ đập mang thương hiệu WB8 không chỉ phát huy nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt dân sinh mà còn trực tiếp cải tạo cảnh quan môi trường, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng hưởng lợi thông qua những dự án du lịch sinh thái quy mô.
Tận dụng mặt nước mệnh mông của hồ chứa Hòn Mát, thuộc địa bàn xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Khu Du lịch sinh thái Hòn Mát với quy mô diện tích 42 ha sớm hình thành, tức thì tạo nên một quần thể sinh thái sơn thủy hữu tình, được ví von như một Đà Lạt thu nhỏ giữa lòng xứ Nghệ. Hòa theo xu thế mới, Chủ đầu tư định hướng theo hình thức farm (nông trại) vừa kết hợp nghỉ dưỡng, tham quan và trải nghiệm.
Từ những điều mắt thấy tai nghe, không quá khi nhận định rằng "chiếc áp giáp WB8" đã góp phần nâng tầm rõ rệt hệ thống công trình thủy lợi Nghệ An.
Để tạo đà chuẩn bị thời hậu Covid-19, đơn vị đã đầu tư liên hoàn các hạng mục dưới dạng liên kết, từ hệ thống trang trại cây ăn trái đủ các loại (bưởi, cam, bơ) đến nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính (dưa chuột, dưa lới, cà chua), trải nghiệm câu cá, cắm trại, nghỉ dưỡng homestay, thưởng thức các món ăn truyền thống tại nhà hàng nổi trên sông. Mặc dù hình thành trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây nhưng nhờ biết “đi tắt đón đầu”, đón đầu xu thế nên tình hình kinh doanh bước đầu rất ấn tương, lượng khách đổ về Khu Du lịch sinh thái Hòn Mát ngày càng tăng. Khi được hỏi, Giám đốc Đặng Trọng Tấn tự tin: Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ đón từ 30.000 - 40.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.