| Hotline: 0983.970.780

Hàng ngàn hecta lúa ở Bắc Kạn chờ được WB8 bảo vệ

Thứ Năm 18/11/2021 , 17:54 (GMT+7)

Nhiều công trình hồ thủy lợi ở tỉnh Bắc Kạn được xây dựng trên 30 năm, thậm chí là hơn 60 năm đã xuống cấp, mất an toàn và cần được sửa chữa, nâng cấp.

Thiếu công trình thủy lợi

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có trên 80% người dân sinh sông bằng nghề sản xuất nông – lâm nghiệp với tổng diện tích là gần 486.000ha, riêng đất để sản xuất nông nghiệp là hơn 44.000ha (tức chỉ chiếm khoảng 9% diện tích). Nhưng diện tích đất được cung cấp nước tưới từ các công trình thủy lợi chỉ chưa tới 50%, phần còn lại người dân canh tác phụ thuộc vào nguồn nước mưa hoặc các loại cây công nghiệp khác thay cho việc trồng lúa.

Có thể kể tên các vùng tại Bắc Kạn chưa có, hoặc rất hạn chế về nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, như các xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn của huyện Bạch Thông; Hiệp Lực, Thượng Quan, Đức Vân, Bằng Vân, Cốc Đán của huyện Ngân Sơn; cùng một số xã của khác của các huyện Ba Bể, Pác Nặm và Na Rì.

Có nhiều lý do cho việc chưa đầu tư được hệ thống các công trình thủy lợi ở các địa phương nói trên, như việc hạn chế về nguồn nước, hay diện tích đất nông nghiệp bị phân tán do địa hình. Nhưng vấn đề quan trọng nhất, là việc tỉnh Bắc Kạn hạn chế về nguồn lực ngân sách, phải trông chờ vào các nguồn lực đầu tư của Trung ương và các tổ chức tài trợ.

Chỉ khoảng 20.000ha đất nông nghiệp, tức chưa được 50% diện tích đất nông nghiệp trên toàn tỉnh Bắc Kạn có hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chỉ khoảng 20.000ha đất nông nghiệp, tức chưa được 50% diện tích đất nông nghiệp trên toàn tỉnh Bắc Kạn có hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bắc Kạn được tái lập tỉnh năm 1997, là một tỉnh nghèo, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư. Trong đó, hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất chủ yếu là các hồ chứa nước nhỏ, đập dâng, các công trình phai tạm, kênh mương đồng đất, … không đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Kết hợp với địa hình chủ yếu là đồi núi, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất do phụ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên.

Nhìn nhận vấn đề hạn chế đó, ngay từ những ngày đầu mới tái lập tỉnh, Bắc Kạn đã xác định công tác thuỷ lợi đóng vai trò quan trọng để mở rộng diện tích gieo trồng và nâng cao năng xuất cây trồng. Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn kiên cố hoá kênh mương của Chính phủ, vốn Chương trình 135, 30a, 3PAD, vốn vay từ ngân hàng ADB… để quy hoạch và xây dựng các công trình thuỷ lợi cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư xây dựng được một số công trình thủy lợi, năng lực tưới tiêu đạt vài trăm héc-ta trở lên như: công trình hồ Đèo Bụt, hồ Thôm Trào (Chợ Mới), hồ Bản Chang (Ngân Sơn), đập Vằng Giang, cụm công trình thuỷ lợi Đông Nam, công trình thuỷ lợi Nam Cường (Chợ Đồn), công trình thuỷ lợi Cạm Báng, hồ Khuổi Khe (Na Rì), hồ Nặm Cắt (TP Bắc Kạn)… Kết hợp là hàng ngàn công trình kênh mương nội đồng đã được xây dựng.

Hồ Bản Chang, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hồ Bản Chang, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhiều công trình hồ thủy lợi mất an toàn

Ông Nguyễn Trọng Uyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện nay các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn đang hoạt động, cơ bản đáp ứng đúng theo thiết kế cung cấp nguồn nước cho cây trồng. Tuy nhiên cơ bản các công trình đã được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước nên đã có dấu hiệu hư hỏng và xuống cấp theo thời gian. Nhất là trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường nên các công trình thủy lợi nói trên có nguy cơ cao mất an toàn đập, đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân. Ngoài 5 công trình đang được sửa chữa, thì còn một số hồ thủy lợi đang xuống cấp và chưa có nguồn sửa chữa do thiếu nguồn vốn.

Có thể kể đến, hồ Nà Đon thuộc xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn được xây dựng từ năm 1986, đảm bảo cấp nước tưới chủ động cho 35,55ha đất canh tác nông nghiệp. Hồ được xây dựng là đập đất cao 11m, dài 47m, mái hạ lưu trồng cỏ bảo vệ, nhưng trải qua gần 40 năm xây dựng, khai thác sử dụng nên đến nay tuyến đập chính đã bộc lộ những hư hỏng, xuống cấp.

Tràn xả lũ có kết cấu tường cánh là đá xây, hiện nay phần tường bị nứt, phần tiếp giáp giữa tường tràn và thân đập đất đã xuất hiện sự tách khe tiếp giáp, xuất hiện thấm luồn qua các khe này khi mực nước hồ lên cao dễ gây mất an toàn chân đập; Mặt đập xuất hiện nhiều vị trí sụt lún, cần phải hoàn thiện lại mặt đập để đảm bảo thuận lợi cho công tác vận hành quản lý hồ; Mái thượng lưu được gia cố bằng đá lát khan dầy 30cm đã bị xê dịch một số chỗ; Mái hạ lưu đập được trồng cỏ, tuy nhiên là cỏ mọc tự do và thưa, cây cỏ nhỏ yếu, mái hạ lưu không có các rãnh tiêu thoát nước mặt, không có đống đá tiêu nước thấm thân đập.

Thân đập hồ Na Đon, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới bị sụt lún. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thân đập hồ Na Đon, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới bị sụt lún. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cũng tại xã Thanh Vận, một hồ thủy lợi khác là hồ Tân Minh đang tưới tiêu cho diện tích là gần 46ha. Sau nhiều năm khai thác, công trình cũng đã xuống cấp. Mái thượng lưu được gia cố bằng đá lát khan dầy 30cm đã bị xê dịch một số chỗ; mặt đập xuất hiện nhiều vị trí sụt lún, cần phải hoàn thiện lại mặt đập để đảm bảo thuận lợi cho công tác vận hành quản lý hồ; mái hạ lưu không có các rãnh tiêu thoát nước mặt, không có đống đá tiêu nước thấm thân đập.

Một hồ thủy lợi khác tại huyện Chợ Mới là hồ Khuôn Sao thuộc xã Như Cố, được xây dựng năm 1990 và đã được sửa chữa một lần vào năm 2015. Mặt đập rộng 3,5m đã được gia cố nhưng nay đã xuống cấp, cần phải hoàn thiện lại mặt đập để đảm bảo thuận lợi cho công tác vận hành quản lý hồ; mái hạ lưu không có các rãnh tiêu thoát nước mặt, không có đống đá tiêu nước thấm thân đập; thân đập bị rò rỉ nước nhiều tạo thành dòng phía hạ lưu đập, nước rò rỉ giữa tiếp giáp đập và tràn xả lũ, giữa chân đập và đồi đất tự nhiên; phần mặt ngưỡng tràn đã bị bong tróc vữa, khi mực nước hồ lên cao thì xuất hiện dòng thấm từ trong thân ngưỡng tràn, uy hiếp trực tiếp đến sự ổn định công trình.

Thân đập hồ Khuôn Sao, xã Như Cố, huyện Chợ Mới. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thân đập hồ Khuôn Sao, xã Như Cố, huyện Chợ Mới. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nguồn vốn WB8 giúp tỉnh Bắc Kạn bảo vệ hàng ngàn hecta đất nông nghiệp

Theo ông Uyên, nhiều công trình hồ thủy lợi ở Bắc Kạn cấp thiết cần được sửa chữa, nâng cấp, nhưng tỉnh khó khăn nên không bố trí được nguồn vốn từ ngân sách của địa phương. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất hồ trợ bằng nguồn vốn vay sửa chữa an toàn hồ đập WB8 (thuộc Ngân hàng Thế giới World Bank).

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 34 hồ thủy lợi và khoảng 2.400 công trình đập, hệ thống kênh mương, trạm bơm nhỏ để phục vụ tưới tiêu cho khoảng 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian từ giữa năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành kiểm tra chi tiết từng công trình hồ thủy lợi trên địa bàn.

Qua kiểm tra, cơ bản các công trình hồ thủy lợi lớn và vừa đang hoạt động tốt, không bị thấm nước qua thân đập, đảm bảo lượng nước tưới tiêu phục vụ bà con sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong số công trình thủy lợi nhỏ được xây dựng trên 30 năm, thậm chí là được xây cách đây đã 60 năm, xuất hiện tình trạng mất an toàn. Trong đó có 9 công trình hư hỏng, 4 hồ bị sạt lở mái đập, trượt mái thượng lưu và hạ lưu; 3 hồ xuất hiện thân đập bị thấm nước gây mất an toàn cao.

Tỉnh Bắc Kạn đang tiến hành xây dựng sửa chữa, nâng cấp 5 hồ thủy lợi là hồ Mạy Đẩy, Khuổi Sung, Khuổi Dâng, Cốc Thông và Khuổi Dày với tổng kinh phí xây dựng là hơn 57 tỷ đồng, bằng nguồn vốn vay WB8.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...