Thống kê 10 tháng đầu năm 2022 diện tích nuôi trồng thủy sản của Nghệ An ước đạt 21.453 ha, bằng 99 % KH năm và bằng 100 % so cùng kỳ năm 2021. Trong đó nuôi ngọt 19.017 ha, nuôi mặn lợ 2.436 ha (tôm 2.200 ha). Sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đạt 3.179 triệu con, riêng tôm giống đạt 2.558 triệu con.
Tính ra tổng sản lượng thủy sản trong 10 tháng đầu năm ước đạt 232,3/KH 250 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 173 nghìn tấn, bằng 92% KH; sản lượng nuôi trồng đạt 59 nghìn tấn, bằng 93% KH (sản lượng tôm 8.563 tấn). Kết quả toàn ngành thủy sản Nghệ An sẽ ấn tượng hơn nhiều nếu không gặp những sự cố bất thường từ dịch bệnh, thiên tai gây ra, đặc biệt là hậu quả nặng nề từ “trận cuồng phong” mới nhất.
Trên thực tế, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã gây ngập úng trên diện rộng, đáng chú ý có đến 19 huyện, thành thị có diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại với tổng quy mô 10.165 ha, bao gồm hơn 9.122 ha bị thiệt hại trên 70%.
Ở khía cạnh khác, theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay bệnh trên tôm nuôi xảy ra tại 163 hộ/292 đầm với tổng diện tích 98 ha (đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính…), chủ yếu tập trung tại thị xã Hoàng Mai 82 ha (80%), huyện Quỳnh Lưu 14ha Diễn Châu 1,71ha, Nghi Lộc 0,4ha. Ngoài ra, còn ghi nhận bệnh Tilapia lake(TiLV) trên 60 ha nuôi cá rô phi tại xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc.
Đưa ra để thấy, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và người nuôi trồng thủy sản còn rất nhiều việc phải làm trước và sau mưa bão. Nếu chủ quan, lơ là mất mát sẽ khó đong đếm.
Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định: “Để kịp thời khắc phục và hạn chế các tác động của biến đổi môi trường nuôi, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã ban hành Công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp ứng phó”.
Đối với ao, đầm nuôi trồng thủy sản phải chủ động xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa. Trường hợp mưa lớn kéo dài, nước trong ao nuôi bị đục, độ pH bị giảm đột ngột cần rải vôi xung quanh bờ ao, tỷ lệ khoảng 10kg/ 100m2.
Khi ngừng mưa, nhiệt độ trong nước tăng lên, các chất hữu cơ phân hủy nhanh sẽ tạo ra các khí độc như H2S, NH3 khiến tôm, cá… dễ bị ngộ độc, do đó cần sử dụng các sản phẩm hữu hiệu như Yucca, Zeolite để giải phóng. Ngoài ra, luôn phải chủ động bố trí thiết bị, hóa chất để tăng cường oxy hòa tan và đề phòng thiếu oxy cục bộ…
Đối với lồng, bè nuôi trồng thủy sản cần kịp thời đánh giá hiện trạng, sửa chữa để tránh thất thoát. Chủ hộ cần kiểm tra kỹ lưỡng các yếu tố môi trường vùng nuôi, phải đảm bảo các chỉ tiêu trong ngưỡng cho phép. Phải chủ động phương án di chuyển trước khi thiên tai tràn về, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy.
Nghệ An kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai Dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại thị xã Hoàng Mai với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Mục tiêu xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi thuỷ sản tập trung quy mô 192 ha tại phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai), qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phòng trừ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành thuỷ sản.