Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, năm 2023 thiên tai trên địa bàn diễn biến phức tạp, đã xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.
Toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 22 đợt không khí lạnh; 3 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt; 36 trận lốc, mưa đá, sét, mưa lớn cục bộ. Đặc biết còn có 1 đợt mưa lớn trên diện rộng.
Các loại hình thời tiết cực đoan xuất hiện dồn dập đã tác động nghiêm trọng đến đời sống dân sinh và kinh tế xã hội. Qua thống kê có 3 người chết, nhiều người bị thương; gần 800 nhà dân tốc mái, hư hỏng, nhiều nhà phải di dời khẩn cấp khẩn cấp; nhiều công trình hạ tầng, giao thông hư hỏng nặng; sản xuất nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Năm 2023 tâm điểm bão lũ gọi tên huyện miền núi Quỳ Châu. Cuối tháng 9 trên địa bàn huyện này xảy ra trận lũ lụt lịch sử, mức độ càn quét theo đánh giá lớn nhất trong vòng 50 năm đổ lại. Chỉ qua vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, nước lũ trên thượng nguồn tràn về như thác đổ đã làm ngập băng khắp nơi, phút chốc gây thiệt hại gần 200 tỷ đồng. Tính rộng ra, trong năm 2023 toàn tỉnh Nghệ An mất trắng trên 667 tỷ đồng.
Bão lũ tràn qua để lại nhiều mối lo ngại thường trực về nguy cơ mất an toàn của hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi và những công trình phòng, chống thiên tai khác. Nhiệm vụ duy tu, nâng cấp và xây mới rất cấp bách khi phần đa công trình thủy lợi đã xuống cấp trầm trọng, tuy nhiên đặt trong bối cảnh nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, thành thử việc hỗ trợ PCTT-TKCN gặp muôn vàn khó khăn.
Tính ra tỉnh chỉ bố trí được hơn 140 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách năm 2023 cho nội dung trên. Thiếu tiền nên việc phân bổ rất nhỏ gọt, cơ bản không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Cụ thể, mới bố trí 2 tỷ đồng đầu tư theo lệnh khẩn cấp xây dựng cầu Khe Chui và đường 2 đầu cầu tại xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ; 17 tỷ đồng duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều thuộc hệ thống đê điều do địa phương quản lý; 30,5 tỷ hỗ trợ sửa chữa các công trình ách yếu; 25 tỷ bảo dưỡng các công trình bão lụt; 2 tỷ xây dựng điểm canh đê và làm kho vật tư dự trữ phòng chống lụt bão tại thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương (giai đoạn 1); gần 4 tỷ dùng sửa chữa, nâng cấp Bara Nghi Quang thuộc hệ thống thuỷ lợi Nam…
Dư âm của 2023 chưa dứt, nay Nghệ An đã phải gấp rút xây dựng kế hoạch ứng phó cho năm 2024 vốn được dự báo không mấy êm ả.
Chi tiết hơn, từ tháng 3 đến tháng 5/2024, mực nước trên các sông ở Nghệ An biến đổi chậm, trung lưu dao động theo điều tiết hồ chứa, hạ lưu ảnh hưởng của thủy triều. Lượng dòng chảy trên các sông từ tháng 3 đến tháng 5/2024 có khả năng thấp hơn so với TBNN từ 10 - 40% cùng thời kỳ. Đặc biệt, trong tháng 5 cần đề phòng thiếu nước cục bộ và xâm nhập mặn xảy ra tại các huyện đồng bằng, ven biển.
Từ tháng 6 đến tháng 9, trên các sông ở Nghệ An có khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ. Giai đoạn này cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng đồi núi và ngập úng cục bộ ở những vùng thấp trũng…
Các chuyên gia nhận định, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu khiến đường đi của thiên tai ngày một phức tạp, khó lường, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, điều này đặt ra thách thức lớn cho toàn tỉnh Nghệ An. Vì lẽ đó, địa phương này xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị.