| Hotline: 0983.970.780

"Nghề báo với tôi là định mệnh"

Thứ Sáu 22/06/2012 , 09:06 (GMT+7)

Báo chí là nghề vất vả, hiểm nguy. Thế nhưng đó lại là “mảnh đất lành” của nhiều người đẹp lừng danh.

Báo chí là nghề vất vả, hiểm nguy. Thế nhưng đó lại là “mảnh đất lành” của nhiều người đẹp lừng danh. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực báo chí là hoa hậu, hoa khôi, người mẫu, diễn viên, ca sĩ… Nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, NNVN xin giới thiệu một số bông hoa tươi đẹp ấy.

NGƯỜI MẪU DƯƠNG YẾN NGỌC: NGHỀ BÁO VỚI TÔI LÀ ĐỊNH MỆNH

Dương Yến Ngọc là một trong những cái tên có tiếng trong làng mẫu Việt. Người mẫu ảnh, đại diện thương hiệu, người mẫu catwalk…, ở bất kì vị trí nào, Dương Yến Ngọc đều để lại dấu ấn và đường nét riêng biệt.

Nhưng có một điều bí mật, ít ai biết rằng Dương Yến Ngọc đã bắt đầu sự nghiệp báo chí được 10 năm. Từ phóng viên, biên tập, rồi quản lý cả một trang báo.

Dương Yến Ngọc chia sẻ rất thật: “Báo chí đối với tôi không chỉ là niềm đam mê mà còn là định mệnh, nó khiến tôi không thể thôi day dứt và dồn hết tâm sức cho nghiệp này”.

Thời điểm này, có phải tập trung vào công việc với Cty truyền thông và sự nghiệp báo chí chuyên nghiệp mà chị xuất hiện ít hơn trên các sàn diễn thời trang và sự kiện không?

Những sự kiện gần đây tôi xuất hiện đa phần đều đến từ lời mời của một số người bạn, chứ không phải tôi xuất hiện với vai trò người mẫu đi dự tiệc. Gần đây nhất tôi có tham gia một chương trình là “Lung linh sắc Việt”, nhưng đó cũng đơn thuần chỉ là một cuộc dạo chơi thôi. Tôi không có ý định kéo dài nghề người mẫu. Việc chuyên tâm vào công việc với truyền thông và báo chí bây giờ là niềm vui và sở thích của tôi.

Tại sao Dương Yến Ngọc lại lựa chọn báo chí, truyền thông làm nghiệp gắn bó lâu dài của mình?

Tôi yêu nghề báo từ ngày xưa và có điều kiện tìm hiểu nó một cách bài bản, nên nhận ra những nét hấp dẫn từ nó. Lúc đó tôi đã tự nhủ, đây là một công việc mình sẽ theo đuổi và làm tốt. Lúc tôi có nói với mọi người tôi đang làm báo mảng văn hoá đấy, là tôi đã làm được một thời gian rồi, từ lúc tôi vẫn tham gia hoạt động với nghề người mẫu. Gần 10 năm, hầu như tôi luôn gắn bó với nghề báo theo một cách nào đó, trong quá trình làm phóng viên cho Thế giới phụ nữ, Tiếp thị gia đình, Thế giới văn hoá, Tạp chí Người mẫu… tôi tự nhiên thấy yêu nghề báo một cách rất đỗi tự nhiên lúc nào không hay.

Là một người tìm hiểu ngành báo chí, truyền thông một cách bài bản, lại có điều kiện tiếp xúc nhiều với ngành nghề này ở đa dạng nhiều phía, nhiều khu vực, chị nghĩ sao về báo chí văn hoá hiện tại, trong khi xã hội đang cho rằng, báo chí đang quá đà trong việc đưa những scandal, hiện tượng câu khách mà quên mất nhiệm vụ định hướng tuyên truyền?

Tôi thấy buồn vì hiện tượng này và thấy rằng bản thân báo chí không định hướng được cho độc giả đã là một sai lầm xuất phát điểm. Nhiều tờ báo mạng đang vì lượt xem, cạnh tranh nhau về độc giả mà sẵn sàng làm ảnh hưởng đến danh dự của nghệ sĩ mà không hề nghĩ đến hậu quả lâu dài. Một, hai bài, hay thậm chí phóng sự chuyên đề của các bạn có thể được xem nhiều, được việc cá nhân, nhưng lại vô tình đưa những thông tin không đúng. Nghệ sĩ cũng là một nghề chân chính, cần khoảng thời gian làm việc lâu dài. Bị dính vào một scandal “không có thật” nào đó vô tình đã là một cú vấp. Mà không phải cú vấp nào cũng nhẹ nhàng, nhiều khi không đứng dậy được.

Đồng ý là độc giả cần định hướng, nhưng độc giả cũng thích đọc những thông tin sốc, tin “hot”, mà không có lượng người đọc thì một trang báo cũng khó hoạt động?

Đúng là độc giả thích đọc những tin chú ý, đang gây sốt, nhưng quan trọng nhất là nó phải đúng sự thật. Vì đây trên hết là vấn đề đạo đức của người làm báo, đúng không?

Từ hồi tôi còn tham gia lĩnh vực người mẫu, tôi đã thấy nhiều phóng viên tự nghĩ ra scandal để viết bài, vô hình chung đó là “bán rẻ” danh dự của nghệ sĩ. Trước đây, độc giả hoàn toàn tin tưởng vào báo chí, nhưng một thời gian, mỗi báo đưa tin theo những “trường phái” khác nhau. Độc giả không còn biết tin vào ai nữa, báo chí cũng không, nghệ sĩ cũng không, thành ra họ đọc báo nhiều lúc để giải trí chứ không phải thu nạp thông tin, điều này là cực kì nguy hiểm. Những bài viết như vậy, bản thân tôi chưa nghĩ ra nên gọi là gì nhưng không phản ánh đúng sự thật thì không còn xứng đáng gọi là báo chí nữa rồi.

Là người mẫu trước đây, nhìn về nghiệp viết của mình, chị có thấy được những tác động tích cực không?

Thực ra đây là 2 lĩnh vực độc lập và không liên quan nhiều đến nhau, khi là người cầm bút, tôi lại càng không nghĩ nhiều đến điều đó mà viết theo cảm xúc và những trải nghiệm cá nhân. Có người nghĩ, tôi trong nghề lâu rồi, biết được hết mặt nọ mặt kia của showbiz rồi thì dễ viết và dồi dào nguyên liệu. Nhưng ngược lại, chính vì tôi hiểu nó quá nên lại càng khó để viết.

Vậy chị khai thác gì vào thời điểm này?

Tôi khai thác 2 thứ, những điều tốt đẹp và những điều trung thực, đúng sự thật. Điều gì cần nói, đúng với tiếng nói của xã hội thì tôi sẽ đại diện, với cây bút của mình để diễn đạt. Làm 2 nghề cho tôi những trải nghiệm quý giá, dù nó độc lập, tôi hiểu là xây dựng những điều tốt đẹp, chân thành mới khó, mới mang lại giá trị làm cá nhân mình thấy hạnh phúc và không hối tiếc.

Làm báo, viết lách là một ngành nghề cần nhiều tư chất và sự phẳng lặng nhất định, nó đối lập với cuộc sống ồn ào bận rộn của chị?

Tôi bận rộn thì có bận rộn, nhưng là sự bận rộn có sắp xếp. Thời điểm nào dành cho công việc, tôi hết sức, hết mình, còn đâu là những khoảng thời gian dành cho viết lách, tôi cũng tập trung cho khoảng lặng đó. Tôi chủ yếu là người định hướng chủ đề, không viết nhiều, nhưng đặt bút xuống viết thì tôi không xao nhãng.

Gần đây bùng nổ một cuộc tranh cãi giữa báo chí chính thống và dòng báo chí đưa tin xã hội (vốn bị cho là chỉ thích đưa tin nóng, scandal…), theo chị, kết quả và hậu quả những cuộc tranh cãi này là gì?

Tôi nghĩ 2 chiến tuyến đó phải tìm cách cân bằng được mình và nhìn lại vấn đề bản chất ở đây là gì, liệu đưa ra những tranh cãi nặng lời và dùng báo chí làm vũ khí có giải quyết được gì không hay chỉ gây xao động đối với định hướng cho độc giả. Thực ra tôi có quan sát và nhận thấy điều này từ trước đây, và đôi lúc nghĩ, cuộc tranh cãi này rồi cũng có ngày nổ ra chính thức. Nếu nói về lí lẽ, bên nào cũng có lí lẽ, có đối tượng phục vụ riêng. Nếu đã không tìm được tiếng nói chung về một vấn đề thì tranh cãi vốn đã trở thành lan man và như con dao 2 lưỡi, ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo đó. Đưa tin trung thực thì không phải lo, nên xây dựng niềm tin trong độc giả thì tốt hơn.

Quay trở lại một chút với vấn đề cá nhân chị, làm báo, độc lập, tài năng, xinh đẹp, chị muốn chau chuốt sự hoàn hảo của mình đến mức nào? Một hoa hậu còn nói rằng: “bản thân nhan sắc đã là một thứ tài năng”. Chị quan niệm sao về tài năng đối với người đẹp bây giờ?

Tài năng đối với người đẹp hay bất kì đối tượng nào khác là điều cần thiết, tài năng còn từ quá trình rèn luyện chứ không phải tư chất con người xinh ra đã thế, chính vì vậy tài năng càng trở nên quý giá hơn. Đối với riêng những người đẹp, tài năng có giá trị hay không còn tuỳ thuộc ở bản thân họ. Chính vì vậy, tôi rất khó bình luận về câu hỏi kia vì nó là một ý kiến cá nhân. Mỗi người đưa ra một quan điểm và họ tự chịu trách nhiệm với cá nhân họ, cuộc đời họ.

Người ta cũng cho rằng chị độc lập và tự tin quá?

Cái gì quá cũng không tốt và trở nên phản cảm, đương tiên tự tin và độc lập đối với phụ nữ là những thứ nên có, bây giờ là xã hội hiện đại, phụ nữ đã qua thời điểm sống phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông. Họ có những tư tưởng độc lập và sáng tạo riêng. Rồi những người đàn ông sẽ tìm ra hay ho ở đó, vì cuộc sống phải như vậy mới thú vị. Nhưng người phụ nữ không nên quá đề cao tính độc lập và tự tin của mình. Tôi thích sự cân bằng trong cuộc sống đối với cả cá nhân và tập thể. Ai cũng vậy, sống có trước có sau mới là quan trọng.

Câu hỏi cuối cùng, ngày 21/6, chị có thông điệp gì muốn nhắn gửi tới nhà báo viết về mảng văn hoá nói riêng và các nhà báo thuộc nhiều khu vực nói chung không?

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cũng là một người làm báo, tôi chúc các nhà báo sức khoẻ, và luôn đặt cái tâm, cái khách quan trong ngòi bút của mình, để phản ánh hiện thực xã hội cũng như định hướng tốt độc giả. Nếu nhà báo giữ được sự cương định như vậy, tờ báo mới có một sức khoẻ tốt, phẩm chất tốt, xứng đáng với danh hiệu báo chí.

Cảm ơn chị với cuộc phỏng vấn này!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm