| Hotline: 0983.970.780

Nghề biển Quảng Nam mạnh lên khi có tàu 67

Thứ Ba 03/12/2019 , 14:02 (GMT+7)

Đến nay, sau 5 năm triển khai Nghị định 67, Quảng Nam đã có một đội tàu lớn tham gia hoạt động đánh bắt dài ngày trên biển.

Lãi hàng trăm triệu mỗi chuyến biển

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Quảng Nam đã tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, hướng dẫn các bộ, ngành và đảm bảo tính kịp thời, nhân dân đồng thuận, tâm lý phấn khởi.

Những còn tàu 67 mang đầy hải sản về bến.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Nam có 63 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (gồm 24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 37 tàu vỏ thép) hoạt động các nghề đánh bắt chủ yếu là câu mực khơi, lưới chụp, lưới vây, lưới rê và dịch vụ hậu cần. Trong quá trình hoạt động thì tỉnh này đã có 6 tàu gặp sự cố cháy, chìm tàu và hỏng máy nằm bờ. 57 con tàu còn lại đến nay vẫn thường xuyên hoạt động và chưa hề xảy ra sự cố gì.

Thực tế hoạt động của “tàu 67” tại Quảng Nam những năm qua cho thấy, những tàu cá hành nghề mang tính truyền thống của địa phương như câu mực khơi, chụp mực, lưới vây hoạt động đều có lãi, hiệu quả sản xuất được nâng lên so với những tàu cá mà ngư dân tự đóng và sử dụng trước đây. Trong đó, đặc biệt nhất là các tàu làm nghề chụp, câu mực khơi.

Anh Huỳnh Văn Tiến (trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết, sau khi có Nghị định 67 hỗ trợ ngư dân đóng tàu, anh quyết định tham gia để đóng con tàu vỏ thép mang số hiệu QNa 91405TS công suất 800CV hành nghề chụp mực. Tàu anh Tiến đã hoạt động được gần 3 năm, một năm trung bình ra khơi từ 8 – 9 chuyến và hầu như chuyến nào cũng có lãi.

“Tàu tôi mỗi lần ra khơi cùng với 15 bạn thuyền khác và đi trong thời gian 20 ngày. Tàu đánh bắt tốt, mỗi chuyến thu về khoảng 7 – 8 tấn mực. Tùy vào giá cả mà số tiền lãi thu được cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung, sau khi trừ tất cả các chi phí thì mỗi lao động thu nhập bình quân từ 8 – 10 triệu. Riêng tôi từ vài chục triệu đến 100 triệu mỗi chuyến”, anh Tiến chia sẻ.

Theo ông Phạm Văn Châu, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang thì riêng xã có đến 21 tàu đóng theo Nghị định 67 trong đó có 14 tàu vỏ thép, công suất từ 800 – 900CV hoạt động với 2 loại nghề chủ yếu là nghề câu mực khơi và nghề chụp mực.

“Các tàu này hoạt động rất hiệu quả đặc biệt là nghề câu mực khơi. So với những tàu cá mà ngư dân thường sử dụng trước đây, “tàu 67” hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều, năng suất tăng trung bình từ 20 – 30%. Sau mỗi chuyến biển, các tàu này đều thu được từ 500 – 600 triệu đồng, có tàu đạt 800 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả các chi phí thì chủ tàu lãi từ 200 – 300 triệu đồng”, ông Châu nói. 

Cần có thêm sự hỗ trợ cho ngư dân

Ngư dân Huỳnh Văn Tạo (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), chủ tàu cá QNa 91944 cho biết, được sự hỗ trợ của Nhà nước, ông đóng con tàu vỏ thép trị giá 15 tỷ đồng hành nghề lưới vây. Ông Tạo cho biết, so với con tàu trước đây ông tự đóng thì tàu này đánh bắt hiệu quả hơn, mỗi chuyến đi trong vòng 20 ngày ông thu lãi vài chục triệu đồng.

Các “tàu 67” hành nghề câu mực khơi và chụp mực ở Quảng Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“So với tàu gỗ truyền thống thì “tàu 67” vỏ thép vững vàng, chắc chắn hơn trước gió bão. Nếu như trước đây khi ra biển đánh bắt hễ có gió là tôi lại cho tàu tìm nơi trú tránh thì tàu vỏ thép có thể hoạt động được dưới mức gió cấp 6 – 7.

Vì tính an toàn cao nên những chuyến biển chúng tôi cũng đi được dài ngày hơn vừa giảm được chi phí vừa tăng hiệu quả đánh bắt. Một ưu điểm nữa là tàu được trang bị hầm bảo quản bằng Composite nên sản phẩm đánh bắt giữ được lâu, giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, từ khi sử dụng con tàu này máy móc hoạt động rất ổn định, chưa hư hỏng gì chỉ có mỗi năm phải sơn sửa lại phần vỏ tàu xuất hiện gỉ sét”, ông Tạo nói thêm.

Bên cạnh những hiệu quả, thì một số “tàu 67” đóng mới tại Quảng Nam có hiệu quả sản xuất kém đặc biệt là các tàu lưới rê. Nguyên nhân chủ yếu là do đây không phải nghề truyền thống của ngư dân Quảng Nam bên cạnh đó ngư trường đánh bắt cho các loại tàu hành nghề này cũng không thuận lợi. Để giải quyết vấn đề này, các ngư dân đã chủ động cải hoán lại tàu chuyển qua hành nghề khác.

Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh có 13 tàu lưới rê đóng mới theo Nghị định 67. Do hiệu quả sản xuất của các tàu này thấp nên tỉnh cũng đã khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề để nâng cao hiệu quả. Hiện nay đã có 5 tàu chuyển qua các nghề chụp mực, lờ lươn. 8 tàu còn lại cũng đã chuyển đổi nhưng chỉ chuyển qua nghề lưới rê khác với chiều dài lưới ngắn hơn.

“Khó khăn trong công tác chuyển đổi nghề vẫn là vấn đề về vốn. Theo báo cáo của ngư dân thì một tàu muốn chuyển qua nghề khác thường tốn kinh phí từ 2 – 4 tỷ đồng. Mà số tiền này ngư dân phải tự bỏ tiền ra. Mặc dù vậy, các tàu chưa chuyển đổi, hiệu quả thấp vẫn hoạt động chứ không nằm bờ. Có được điều này là nhờ vào chính sách hỗ trợ nhiên liệu 100 triệu đồng/chuyến và mỗi năm được tối đa 4 chuyến theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg”, ông Tấn nói. 

Cũng theo ông Tấn, để tăng hiệu quả của “tàu 67” thì trước hết nên ổn định tư tưởng cho ngư dân bằng cách khoanh nợ, giãn nợ. Thứ 2 là tạo điều kiện cho ngư dân trong vấn đề tái cơ cấu ngành nghề để có hiệu quả và kinh phí hoạt động để yên tâm bám biển. Điều này cũng tương đối khó vì dù Nhà nước đã tạo mọi điều kiện nhưng ngân hàng lại không cho vay.

“Đề nghị Tổng cục Thủy sản quan tâm tăng cường công tác điều tra, quan trắc tại các vùng biển xung quanh Quần đảo Hoàng Sa, giữa Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa để kết quả dự báo nguồn lợi, ngư trường tại các vùng biển này được phong phú và chính xác hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao”, ông Ngô Tấn.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển