“Tàu 67” vươn khơi đánh bắt trúng cá nục |
Vừa có chuyến biển cập cảng Mỹ Tân, xã Thanh Hải cách đây vài ngày trước, ngư dân Nguyễn Văn Vinh, chủ “tàu 67” số hiệu NT 91359 TS, hành nghề lưới vây rút chì phấn khởi nói: “Chuyến biển này tàu đi hơn 10 ngày được 15 tấn cá, chủ yếu cá nục, bán với giá 24.000 – 25.000 đồng/kg, doanh thu gần 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu, các bạn tàu rất phấn khởi”.
Theo ngư dân Vinh, “tàu 67” của gia đình chọn đóng bằng vật liệu vỏ composite tại xưởng của Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (ĐH Nha Trang). Tàu có chiều dài 24m, rộng 6m, tổng trị giá 12,9 tỷ đồng (bao gồm tàu và ngư lưới cụ, thiết bị). Trong đó, vốn đối ứng của gia đình anh bỏ ra khoảng 700 triệu, còn lại là vốn “vay 67” của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Ninh Hải.
Tàu được hạ thủy vào cuối năm 2017 và vươn khơi đánh bắt đầu năm 2018, tuy nhiên đến nay doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng. Nhờ vậy, 18 bạn tàu được chia tiền trung bình mỗi người có 80 triệu đồng.
“Tàu 67” của ngư dân Vinh |
Không kém tàu của ngư dân Vinh, “tàu 67” số hiệu NT 91297 TS của ngư dân Nguyễn Văn Tâm, cùng địa phương từ đầu năm đến nay vươn khơi đánh bắt cũng đạt doanh thu hơn 4 tỷ. Sau khi trừ chi phí còn lãi 2,7 tỷ. Mỗi bạn tàu được chia lợi nhuận, kiếm từ 60 - 70 triệu đồng/người.
Tàu của ngư dân Tâm có chiều dài 24m, rộng 6,5m, công suất trên 800CV, bằng vật liệu vỏ composite, hành nghề lưới vây rút chì, tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng. Qua nhiều chuyến biển đi trên con tàu mọi thứ đều mới toanh, anh thấy việc gia đình bỏ vốn đầu tư “trúng” chủ đích.
“Từ khi tàu hạ thủy tôi cùng 20 bạn tàu liên tục bám biển. Mỗi chuyến biển tàu vươn khơi kéo dài từ 10 – 20 ngày. Việc giao dịch bán cá hầu hết trên biển cho các tàu dịch vụ hậu cần. Vùng biển đánh bắt ngoài khơi các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận và ngư trường Trường Sa. Đây cũng là các ngư trường thời gian qua đội “tàu 67” của ngư dân Thanh Hải đều vươn khơi đánh bắt “trúng” mẻ cá nục”, anh Tâm chia sẻ.
Liên lạc “tàu 67” của các ngư dân Dân, Định... cùng ở Thanh Hải những ngày này đang ở ngư trường cũng xác nhận, từ đầu năm đến nay lợi nhuận đánh bắt có lãi khá.
“Hiện gia đình tôi đã gửi tiền tiết kiệm hơn nửa tỷ đồng nơi “vay 67” để đến kỳ hạn trả nợ vào đầu năm 2019 sẽ trừ qua. Việc tính toán này nhằm giúp gia đình để không bị động và tránh nợ xấu”, anh Vinh chia sẻ.
Các tàu 67 đều đóng bằng vật liệu vỏ composite |
Còn các ngư dân Tâm, Định cũng cho biết, đã gửi tiết kiệm kha khá cho ngân hàng, để sau này trả nợ kỳ hạn vốn 67.
Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Hải, toàn xã có 9 chiếc “tàu 67” vỏ composite, trong có 8 chiếc hoạt động khai thác thủy sản và 1 chiếc làm dịch vụ hậu cần. Lãnh đạo xã Thanh Hải xác nhận, từ khi các “tàu 67” hạ thủy liên tục bám biển và đánh bắt có hiệu quả, góp phần đưa sản lượng khai thác tăng lên.
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, thực hiện Nghị định 67, đến nay tỉnh có 24 tàu vỏ composite; 16 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ đi vào hoạt động. Bước đầu đã làm thay đổi bộ mặt nghề cá, tập quán đánh bắt của ngư dân. Lần đầu tiên tỉnh Ninh Thuận có những tàu cá được đóng compsite, vỏ thép với chiều dài thiết kế trên 20m, trang bị máy chính mới 100%, công suất trên 800CV, cùng trang thiết bị khai thác hiện đại. Các tàu đóng mới góp phần đưa sản lượng khai thác của tỉnh tăng nhanh. Năm 2017 đạt 98.412 tấn và dự kiến năm 2018 đạt 105.000 tấn. |