| Hotline: 0983.970.780

Những con tàu 67 vươn khơi hiệu quả

Thứ Tư 27/11/2019 , 07:01 (GMT+7)

Nhiều tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 của ngư dân Bình Định đánh bắt tốt suốt 3 năm qua, tàu nào cũng kiếm lãi lớn sau mỗi chuyến biển.

12-42-06_1
Chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99169 TS Nguyễn Ngọc Châu với sản phẩm mực xà đánh bắt được sau chuyến biển.

Những tháng cuối năm 2019 này giá hải sản tăng cao trở lại, những tàu vỏ thép 67 càng hồ hởi vươn khơi, nhiều tàu được sửa chữa để chuẩn bị cho chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
 

Chim đầu đàn

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, tính đến nay đã có 61 ngư dân trên địa bàn ký hợp đồng tín dụng đóng mới tàu cá theo NĐ 67, trong đó có 48 tàu vỏ thép, 8 tàu vỏ composite và 5 tàu vỏ gỗ.

Ngoài 19 chiếc tàu vỏ thép sau khi đóng bị hư hỏng phải mất thời gian dài sửa chữa lại mới hoạt động được, số còn lại từ khi tàu xuất xưởng đến nay liên tục vươn khơi bám biển, ăn nên làm ra.

“Trong số 54 tàu cá đóng theo NĐ 67 đang hoạt động khai thác, có 36 tàu làm ăn hiệu quả, 12 tàu thường xuyên huề vốn hơn là có lãi và 6 tàu hoạt động thua lỗ. Riêng các tàu hành nghề mành chụp làm ăn hiệu quả nhất, 82% tàu hoạt động có lãi; tiếp đến là nghề lưới rê, 80% tàu có lãi, và nghề lưới vây có 43% tàu làm ăn có lãi.

Hoạt động kém hiệu quả nhất là tàu dịch vụ hậu cần. Về vật liệu đóng tàu thì tàu vỏ composite hoạt động hiệu quả cao nhất, 100% số tàu có lãi; tàu vỏ thép 62% tàu có lãi; riêng tàu vỏ gỗ hoạt động kém hiệu quả nhất, hầu như không tàu nào hoạt động có lãi”, ông Trần Văn Phúc đánh giá.

Dẫn đầu trong những tàu vỏ thép 67 hoạt động hiệu quả ở Bình Định có thể kể đến tàu BĐ 99478 TS (829CV) của ngư dân Nông Thanh Điền (46 tuổi) ở thôn Chánh Hóa, xã Cát Thành (huyện Phù Cát).

Trong 2 năm 2017 và 2018, năm nào tàu của anh Điền cũng vươn khơi 10 chuyến biển, chuyến nào cũng trúng đậm, bình quân mỗi chuyến sau khi trừ tổn và chia tiền cho bạn thuyền, anh Điền còn kiếm được vài ba trăm triệu đồng.

Cá biệt mấy chuyến biển đầu năm 2017, tàu của anh Điền đánh bắt được nhiều cá và mực xà, lúc ấy giá hải sản đang cao, mỗi chuyến bán sản phẩm được từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.

12-42-06_2
Tàu cá vỏ thép của Ngư dân Nông Thanh Điền đang neo đậu chờ chuyến biển mới.
Những tháng đầu năm 2019, các loại hải sản đều tuột giá, biển lại vắng cá nên chuyến biển nào hên lắm là đủ tổn, lỗ tiền bạn, nhưng tàu của anh Điền không bỏ chuyến biển nào. Theo tâm sự của anh Điền, biết đi sẽ bị lỗ nhưng tàu của anh vẫn bám biển, trước là để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, sau là để nuôi hàng chục bạn thuyền. Nếu tàu anh Điền bỏ biển thì thuyền viên sẽ bỏ tàu, đến khi biển no, tàu vươn khơi sẽ không có bạn để đi.

“Ba chuyến biển gần đây giá mực xà từ 8.000 đồng/kg tăng lên 15.000 - 16.000 đồng, mỗi chuyến biển đánh bắt được vài ba chục tấn hải sản, sau khi trừ tổn và tiền bạn, tàu của tôi còn lãi được hơn 100 triệu đồng. Thuyền viên mỗi người kiếm được 10 triệu đồng/người/chuyến biển.

Riêng chuyến biển cuối tháng 7 âm lịch vừa qua, tàu của tôi gặp mẻ cá lớn, có đến vài ba chục tấn. Vừa bủa lưới thì gió to ập đến, không thể kéo lưới được, lưới bị trôi mất, mất cả đàn cá”, anh Điền kể trong tiếc nuối.

Trong tổ đội đoàn kết trên biển của ngư dân Nông Thanh Điền, tàu cá vỏ thép BĐ 99979 TS của ngư dân Đặng Văn Khoa, tàu BĐ 99468 TS của ngư dân Phạm Toàn, tàu BĐ 99252 TS của ngư dân Võ Thế Dư cùng ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát) đều đánh bắt đạt hiệu quả tương tự.

Ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) thì có tàu BĐ 99169 TS của ngư dân Nguyễn Ngọc Châu và tàu BĐ 99369 TS của ngư dân Nguyễn Hữu Thủy làm ăn hiệu quả chẳng kém cạnh.
 

Yêu tàu như yêu con

Có của ăn của để nhờ con tàu, do vậy hầu hết các chủ tàu vỏ thép 67 ở Bình Định đều yêu quý tàu như yêu con của mình. Ví như ngư dân Nông Thanh Điền, sau khi bị trôi mất lưới trong chuyến biển cuối tháng 7 âm lịch vừa qua do gặp mẻ cá lớn, lẽ ra anh làm thủ tục để được bảo hiểm.

Thế nhưng anh nghĩ, để hoàn tất thủ tục bảo hiểm phải mất mấy tháng, đồng nghĩa mất đứt mấy chuyến biển. Vợ chồng anh Điền bàn nhau bỏ tiền túi sắm ngay giàn lưới mới để tranh thủ đi đánh bắt, chấp nhận mất gần 200 triệu đồng tiền mua lưới.

Hoặc như ngư dân Đặng Văn Khoa, vào đầu năm 2019, mới đi được chuyến biển đầu năm đến chuyến thứ 2 thì chiếc tàu BĐ 99979 TS của anh bị bể nhông hộp số. Tàu của anh đang sử dụng hộp số đồng bộ do Nhật Bản sản xuất, mua nhông lẻ của Nhật thì thị trường Việt Nam không có, mua nguyên hộp số thì quá đắt, cả tỷ đồng.

Anh Khoa đặt hàng bên Nhật thì nhà sản xuất hẹn 2 - 3 tháng sau mới có. Vì tranh thủ cho tàu bám biển nên anh Khoa mua nhông Trung Quốc chạy tạm đợi hàng bên Nhật về.

“Nhờ kịp thời khắc phục nên những chuyến biển gần đây, mỗi chuyến tàu của tôi kiếm được hơn 600 triệu đồng, trừ tổn một nửa, nửa còn lại sau khi chia cho bạn còn lại là khoản lãi của mình”, anh Khoa cho hay.

Những chuyến biển gần đây tàu BĐ BĐ 99252 TS của ngư dân Võ Thế Dư đánh bắt đạt hiệu quả nên anh gỡ gạc được những khoản lỗ của những chuyến biển trước.

Mỗi tháng tàu của anh Dư đi đến 2 chuyến biển, mỗi chuyến đánh bắt được 30 - 40 tấn hải sản. Sau khi trừ tổn và tiền bạn, mỗi chuyến biển anh Dư còn kiếm được hơn 100 triệu đồng.

“Hiện biển đang động, tôi cho tàu lên đà sơn sửa lại. Đến 20 tháng Chạp tới là tôi sẽ cho tàu mở cửa biển đi đánh bắt chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Cầu mong cho chuyến biển này bội thu để có mở màn tốt đẹp cho năm mới”, anh Dư bộc bạch.

12-42-06_3
Tàu cá của ngư dân Võ Thế Dư đang được sửa chữa, tu bổ ngư lưới cụ chuẩn bị cho chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Ăn nên làm ra, các chủ tàu vỏ thép 67 ở Bình Định đều có trách nhiệm với khoản nợ vay ngân hàng để đóng tàu. Ngư dân Nông Thanh Điền cho hay, vợ chồng anh vay của Ngân hàng NN-PTNT hơn 15 tỷ đồng, cộng với vốn đối ứng của gia đình, anh đóng được chiếc tàu vỏ thép tổng vốn đầu tư 16,1 tỷ đồng. Nhờ làm ăn thuận lợi nên trong năm 2017 vợ chồng anh trả nợ vay cho ngân hàng được 1,1 tỷ đồng, năm 2018 tiếp tục trả hơn 1 tỷ nữa.

Sang năm 2019, do những tháng đầu năm chuyến biển nào cũng thua lỗ nên không trả được nợ cho ngân hàng. 3 chuyến biển gần đây có lãi nên vợ chồng anh vừa thanh toán cho ngân hàng hơn 700 triệu đồng.

Ngư dân Đặng Văn Khoa cũng vay cùng khoản tiền như anh Nông Thanh Điền để đóng chiếc tàu vỏ thép BĐ 99979 TS. Trong 2 năm 2017 và 2018, năm nào đánh bắt cũng có lãi khá nên năm nào anh Khoa cũng trả cả nợ gốc lẫn tiền lãi hơn 1,2 tỷ đồng. Năm nay, từ thu nhập của 3 chuyến biển gần đây, anh Khoa đã dành dụm trả được 500 triệu đồng.

“Trừ thời điểm tàu gặp sự cố hoặc giá sản phẩm xuống thấp đánh bắt không hiệu quả, những lúc làm ăn được, không đợi đến kỳ hạn, sau mỗi chuyến biển là vợ chồng tôi lên ngân hàng trả nợ để gánh nợ nhẹ dần”, anh Khoa nói.

“Về 3 chiếc tàu vỏ thép 67 dịch vụ hậu cần đang nằm bờ vì hoạt động không hiệu quả, ngành chức năng đã đề nghị ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài làm việc trực tiếp với 3 chủ tàu để xem xét, xử lý, để những chiếc tàu nói trên thoát khỏi tình trạng không hoạt động được mà chủ tàu vẫn phải chịu lãi vay và nợ quá hạn như trong thời gian qua”, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.