Cá ngừ đại dương được đưa lên bờ tiêu thụ |
Sau khi cá ngừ đại dương Bình Định được cấp quyền sở hữu công nghiệp và chính thức đưa vào sử dụng, tỉnh đang tính đến những hướng đi xa hơn cho sản phẩm.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, trữ lượng cá ngừ các loại ở vùng biển khơi Bình Định vào khoảng 662.000 - 670.000 tấn, khả năng khai thác bền vững khoảng 233.000 tấn. Trong đó, cá ngừ vằn có trữ lượng 618.000 tấn, khả năng khai thác bền vững 216.000 tấn; CNĐD có trữ lượng khoảng 44.800 - 52.000 tấn, khả năng khai thác bền vững 17.000 tấn.
Hiện Bình Định có 6.245 tàu cá với tổng công suất 1.786.631CV, trong đó 3.649 tàu có công suất từ 90CV trở lên chủ yếu khai thác ở vùng lộng và vùng khơi. Riêng tàu chuyên khai thác cá ngừ có 914 chiếc, trong đó nghề câu 508 chiếc, nghề vây 269 chiếc, nghề rê khơi 137 chiếc.
Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trong năm 2017, tổng sản lượng khai thác thủy sản của Bình Định đạt 223.000 tấn; trong đó cá ngừ sọc dưa, cá ngừ bò và cá ngừ chù là 47.000 tấn, CNĐD 9.700 tấn.
Riêng nghề khai thác CNĐD, ngư dân đã tiếp cận được kỹ thuật và ngư cụ khai thác, bảo quản hiện đại của Nhật Bản; 100% tàu dự án sử dụng máy TSS làm ngất cá và áp dụng quy trình xử lý, bảo quản cá trên tàu theo phương pháp mới để nâng cao chất lượng; cán bộ kỹ thuật của Cty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) và cán bộ Chi cục Thủy sản được đào tạo, nâng cao trình độ về kỹ thuật kiểm tra đánh giá chất lượng cá ngừ, kỹ thuật vận hành, bảo trì các thiết bị khai thác hiện đại.
Bình Định đã hình thành mối liên kết giữa ngư dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước trong mô hình thí điểm SX khai thác và thu mua xuất khẩu CNĐD với sự tham gia của 25 tàu cá chuyên khai thác cá ngừ.
“Mô hình SX CNĐD theo chuỗi đã vận hành ổn định từ tháng 12/2015 đến nay, chất lượng cá ngừ được chuyên gia Nhật Bản đánh giá có cải thiện sau từng chuyến biển. Tỷ lệ CNĐD đạt tiêu chuẩn xuất tươi nguyên con sang Nhật Bản tăng dần từ 2,9% năm 2016 lên 3,3% năm 2017. Trong khi trước đây, CNĐD câu tay của Bình Định hầu như không có con nào đạt tiêu chuẩn này”, ông Vinh cho hay.
Ngư dân Bình Định câu cá ngừ đại dương |
Khi tiếp cận với thị trường tiêu thụ tại Sakai (Nhật Bản), sản phẩm CNĐD của Bình Định bước đầu đã tạo được uy tín. Hiện Sở NN-PTNT Bình Định, liên danh KATO - JMADA và BIDIFISCO tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, thử nghiệm xuất khẩu một số mẫu hàng cá ngừ tươi ở dạng Loin và đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận, mở ra hướng đi mới cho cá ngừ Bình Định. Tháng 6/2018, nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định” đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp và chính thức đưa vào sử dụng.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết thêm: Hiện chuỗi liên kết sản xuất giữa ngư dân và doanh nghiệp chế biến trong khai thác hải sản đã được hình thành và nhận rộng đối với các tàu ngoài dự án. Điển hình như Cty TNHH Hưng Thịnh đã ký hợp đồng thu mua CNĐD của khoảng 130 ngư dân hành nghề cây tay kết hơp ánh sáng ở huyện Hoài Nhơn.
“Bình Định sẽ mở rộng hợp tác đầu tư xây dựng Trung tâm mua bán đấu giá CNĐD theo tiêu chuẩn quốc tế tại TP Quy Nhơn; đầu tư cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá như: Kho cấp đông bảo quản sản phẩm, cơ sở SX cung ứng nước đá sạch tại các cảng cá; đồng thời đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, đông lạnh, đóng hộp cá ngừ và thủy sản khác. Việc xây dựng nhà máy đóng hộp thủy sản là rất khả thi, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, đồng thời tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cá ngừ”, ông Phan Trọng Hổ. |