Hồi năm 2015, cán bộ kiểm lâm Nick Manlisis và một đồng nghiệp đã phát hiện một nhóm người đang khai thác gỗ trái phép trong khu rừng được bảo tồn cách thủ đô Manila của Philippines 75km về phía nam. Khi rời khỏi rừng với những chiếc cưa máy tịch thu được từ nhóm lâm tặc, anh Manlisis và đồng nghiệp đã bị một nhóm người bao vây. "Một vài người thậm chí còn chặn xe của chúng tôi, ngăn chúng tôi rời khỏi khu vực", Manlisis nói.
2 cán bộ kiểm lâm đã thuyết phục nhóm người này bình tĩnh, và khẳng định họ chỉ đơn giản là đang làm công việc của mình. May mắn là cuối cùng 2 cán bộ kiểm lâm cũng có thể rời đi an toàn.
"Tình hình trở nên rất nhạy cảm. Bất kỳ sai lầm nào từ phía chúng tôi đều có thể dẫn đến một cuộc đụng độ, gây nguy hiểm tính mạng của chúng tôi", anh Manlisis nhớ lại.
Anh Manlisis cho rằng những tình huống đe dọa và tấn công lực lượng kiểm lâm làm nhiệm vụ là điều mà anh và các cán bộ kiểm lâm khác ở Philippines thường xuyên phải đối mặt.
Năm 2021, Philippines được xếp hạng là quốc gia nguy hiểm thứ 5 trên thế giới về bảo vệ môi trường và đứng đầu danh sách này ở châu Á, theo phân tích của tổ chức phi chính phủ Global Witness. Theo một báo cáo khác của Global Witness, trong số 19 nhân viên chính phủ bị sát hại trên toàn thế giới khi bảo vệ môi trường trong năm 2019, có 8 cán bộ kiểm lâm Philippines.
Những nguy hiểm thường trực, sự quan tâm giảm đối với ngành lâm nghiệp và mức lương thấp là nguyên nhân khiến số lượng cán bộ kiểm lâm ngày một giảm ở Philippines. Giới chuyên gia cho rằng điều này đang khiến tài nguyên rừng quý giá của quốc gia trong tình trạng không được bảo vệ.
Một nghề khó đang dần mất chỗ đứng
"Không có nhiều người muốn theo muốn theo ngành lâm nghiệp", Rogelio Andrada II, phó giám đốc Trung tâm Hệ sinh thái Núi Makiling tại Đại học Philippines Los Banos (UPLB), cho biết.
Mặc dù có khoảng 70 trường đại học và cao đẳng đào tạo về lâm nghiệp ở Philippines, đây là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối ít người quan tâm, Andrada nói.
Để trở thành một người làm lâm nghiệp ở Philippines, người lao động cần phải có bằng đại học hoặc cao đẳng về lâm nghiệp mới có thể làm công việc này. Những người làm lâm nghiệp cần có kiến thức rộng về hệ sinh thái rừng, cũng như hiểu biết quản trị, kỹ thuật và chính sách về lâm nghiệp, đồng thời phải am hiểu về quản lý tài nguyên rừng. Nghề này bao gồm kỹ sư lâm nghiệp, những người nghiên cứu trên thực địa và thu thập dữ liệu, và cán bộ kiểm lâm, những người chủ yếu tập trung vào bảo vệ rừng.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Kiểm lâm Philippines (SPF), tính đến năm 2021, nước này chỉ có khoảng 14.000 cán bộ kiểm lâm cho khoảng 7,2 triệu ha diện tích rừng. Điều này đồng nghĩa một cán bộ kiểm lâm phải quản lý 514ha rừng.
Chỉ có 10 kỹ sư lâm nghiệp làm việc trong Khu bảo tồn rừng Núi Makiling rộng 4.244ha, nằm cách Manila 65km về phía nam và được UPLB quản lý để phục vụ đào tạo sinh viên lâm nghiệp, Willie Abasolo, chủ tịch Mạng lưới Giáo dục Lâm nghiệp Philippines thuộc Hiệp hội Lâm nghiệp Philippines, cho biết. "Tôi nghĩ rằng sự khan hiếm người làm lâm nghiệp ở đây cũng tương tự như những nơi khác trên cả nước", ông nói thêm.
Sự khan hiếm này đang có nguy cơ trở nên trở nên nghiêm trọng hơn nữa. Trong năm năm qua, một số trường lâm nghiệp ở Philippines đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong tuyển sinh đầu vào. Trường Cao đẳng Lâm nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (CFNR) của UPLB, một trong những trường hàng đầu của đất nước về ngành này, đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng sinh viên, từ 219 vào năm 2018 xuống mức thấp nhất trong 5 năm là 171 vào năm 2022, dữ liệu do Văn phòng Đại học CFNR cung cấp.
"Đó là một kịch bản ảm đạm. Chúng ta sẽ không có đủ người chăm sóc, bảo tồn và sử dụng rừng", ông Andrada nói.
“Việc nặng, lương thấp”
Bên cạnh sự thiếu hụt nhân sự và những lo ngại về an ninh, ngành lâm nghiệp ở Philippines cũng đang phải vật lộn với mức lương thấp. Theo ông Andrada, những người làm lâm nghiệp tham gia vào công việc nghiên cứu, với đầy đủ bằng cấp, chỉ nhận mức lương trung bình hàng tháng từ 22.000 - 24.000 peso (395 - 431 USD).
"Nếu đặt lên bàn cân giữa trách nhiệm và nghĩa vụ của một chuyên gia lâm nghiệp với khoản tiền họ đang nhận được, điều đó thực sự là không tương xức, đặc biệt là đối với các cán bộ kiểm lâm. Mức lương của họ là tương đối thấp dù nhiệm vụ của họ rất khó khăn", ông Andrada nói.
Mặc dù cán bộ kiểm lâm không nhất thiết phải có bằng về lâm nghiệp, nhưng họ thường xuyên phải tham gia vào các công việc trên thực địa tốn nhiều công sức và đầy nguy hiểm, chẳng hạn như giám sát, ngăn chặn cháy rừng và đối đầu với lâm tặc.
Trong khi đó, Andrada quan sát thấy rằng những người làm lâm nghiệp từ Philippines ra nước ngoài du học có xu hướng không về nước nếu tìm thấy cơ hội tốt hơn ở nơi khác, cụ thể là những công việc về lâm nghiệp có lương cao hơn và ở những khu vực ít nguy hiểm hơn.
Mối hiểm nguy với người kiểm lâm và những cánh rừng
Việc thiếu cán bộ kiểm lâm mang đến rủi ro lớn cho các khu rừng ở Philippines, nơi sinh sống của hàng nghìn cá thể chỉ có ở nước này. Nếu không có sự giám sát và quản lý, các đối tượng khai thác rừng trái phép, làm ảnh hưởng đa dạng sinh học, có thể tự do hoạt động mà không bị phát hiện.
Điều này đã trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây bởi các đạo luật “mở đường” cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn ở Philippines. Vào cuối năm 2021, Tổng thống khi đó là Rodrigo Duterte đã bãi bỏ lệnh cấm khai thác các mỏ lộ thiên và thông qua các thỏa thuận khai thác mới. Sự thay đổi trong chính sách này đã dẫn đến một số đơn xin giấy phép khai thác ở các khu vực rừng phòng hộ. Mặc dù chính quyền Tổng thống Bongbong Marcos liên tục nhấn mạnh rằng "tỉ lệ che phủ rừng của chúng ta là điều vô cùng quan trọng và bằng mọi giá phải duy trì", song tân tổng thống vẫn chưa có những biện pháp điều chỉnh chính sách khai thác của chính phủ tiền nhiệm.
Những đạo luật này khiến những người làm lâm nghiệp ở Philippines bối rối, khi phải đối đầu thêm nhiều thách thức từ chính phủ. "Hầu hết các chủ doanh nghiệp lớn và những người khai thác tài nguyên rừng như nước và gỗ đều thuộc sở hữu của các chính trị gia và các công ty tư nhân", ông nói.
Sự việc xảy ra với cán bộ kiểm lâm Manlisis đã cho thấy nghề kiểm lâm thường phải đối mặt với nhiều hiểm nguy trong công việc thường ngày. Tuy nhiên, ông Andrada cho rằng công việc của người kiểm lâm không phải là trừng phạt người sử dụng tài nguyên rừng, mà chỉ đơn giản là đảm bảo những người này khai thác một cách công bằng và bền vững. "Vì rừng không có hàng rào, các khu bảo tồn nên được bảo vệ thường xuyên để giám sát những người sử dụng tài nguyên thiên nhiên như thế nào", ông nói.
Điều này xảy ra thường xuyên với việc khai thác tài nguyên quy mô nhỏ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, chẳng hạn như kiếm củi để nấu bếp, điều hầu hết người dân bản địa ở vùng cao Philippines vẫn làm. "Chúng tôi không cấm mọi người sử dụng tài nguyên rừng, nhưng khi họ làm điều này, họ nên khai thác tài nguyên một cách công bằng và không phá hoại môi trường”, ông Andrada nói.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email rằng "việc khuyến khích cán bộ kiểm lâm tiếp tục bảo vệ rừng và đất rừng của chúng ta trước các cuộc tấn công và các mối đe dọa cần một cách tiếp cận đa diện nhằm đảm bảo sự an toàn cho các cán bộ kiểm lâm, đồng thời cung cấp các hệ thống hỗ trợ và nâng cao ý thức về mục đích và cam kết đối với công việc này".
Bộ cũng cho biết thêm rằng các chiến lược để đối phó với vấn đề này gồm tăng cường bảo vệ pháp lý cho cán bộ kiểm lâm trước các mối đe dọa và vụ tấn công; nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của lâm nghiệp; cung cấp bảo hiểm miễn phí cho cán bộ kiểm lâm; tiến hành đánh giá rủi ro; và phát triển các kế hoạch dự phòng nhằm giảm thiểu các mối đe dọa tiềm ẩn.