| Hotline: 0983.970.780

Nghề 'mua của người chán, bán cho người cần'

Chủ Nhật 27/06/2021 , 18:12 (GMT+7)

Dịch bệnh Covid-19 khiến không ít nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa, thanh lý đồ đạc. Đồ thanh lý giá rẻ lại là "cứu cánh" cho những nhà hàng, quán ăn khác.

Đảo quanh các quận của Hà Nội, không khó để bắt gặp các chợ, cửa hàng mua bán đồ cũ. Đây là hình thức kinh doanh đã xuất hiện từ lâu và không còn xa lạ với các tín đồ “chuộng hàng tốt giá rẻ”. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hình thức này lại trở nên “hot” khi được nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tìm đến.

Từ khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các nhà hàng, quán ăn tạm thời phải dừng các hoạt động hoặc thay đổi hình thức kinh doanh sang bán mang về. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu.

Trong khi chi phí đầu tư thiết bị, tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên… là những áp lực bủa vây khiến nhiều nhà hàng rơi vào cảnh điêu đứng, thậm chí đóng cửa.

Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn tìm mua lại các thiết bị nhà hàng vẫn sử dụng tốt để tiết kiệm chi phí trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn tìm mua lại các thiết bị nhà hàng vẫn sử dụng tốt để tiết kiệm chi phí trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây. Ảnh: Trung Quân.

Trước bài toán khó khăn đó, khi có chỉ thị của Thành phố Hà Nội về việc nới lỏng các hoạt động cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các chủ nhà hàng, quán ăn đã khẩn trương dọn dẹp, tân trang lại thiết bị để tranh thủ từng ngày với hi vọng gỡ được vốn để duy trì kinh doanh.

Tuy nhiên, các thiết bị nhà hàng như bếp nấu công nghiệp, chậu rửa bát, giá bát đĩa, bàn ghế, tủ bảo quản thức ăn… thường có giá khá cao khi mua mới. Vì vậy, các nhà hàng, quán ăn tìm đến đồ cũ như một giải pháp hữu hiệu, vừa tìm được sản phẩm ưng ý, vừa giảm được áp lực tài chính đang đè nặng.

Chúng tôi tìm đến cửa hàng mua bán đồ cũ Thưởng Thưởng tại Yên Sở, Hoàng Mai (Hà Nội), chị Thân Thị Phương, chủ cửa hàng cho biết: Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của đời sống, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong những năm gần đây mọc lên ngày càng nhiều với đa dạng các hình thức.

Việc thay đổi phong cách, không gian, nội thất để hút khách được các nhà hàng tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó, những cửa hàng kinh doanh không thành công phải sang nhượng gỡ vốn hoặc trao trả mặt bằng trong thời gian ngắn cũng rất nhiều, dẫn tới lượng thiết bị nhà hàng cần thanh lý là rất lớn.

Nắm bắt điều này, gia đình chị đã đứng ra thu mua toàn bộ, sau đó bán lại cho những người có nhu cầu với giá chỉ bằng 50-60% so với giá ban đầu của sản phẩm.

Anh Đoàn Trung Kiên, chủ nhà hàng tại quận Hoàng Mai chia sẻ: Được bạn bè giới thiệu về hình thức đồ cũ, lúc đầu cũng không để tâm, nhưng khi qua xem thực tế, so sánh các sản phẩm cùng dòng với nhau anh thấy lợi ích kinh tế rất rõ rệt.

Anh Kiên tính toán, nếu đầu tư mua mới thiết bị đầy đủ cho nhà hàng của mình thì chi phí lên tới 300 triệu đồng. Trong bối cảnh giá sắt, inox đang tăng cao như hiện nay, số tiền có thể còn cao hơn. Vì thế anh tìm đến mua đồ cũ vẫn đảm bảo chất lượng như mong muốn vừa giảm được 1/2 chi phí đầu tư.

“Mình tìm được nhiều đồ cho nhà hàng với giá phải chăng nên rất vui. Cửa hàng đồ cũ cũng áp dụng chế độ bảo hành cho một số mặt hàng như các sản phẩm mua mới nên mình cũng rất an tâm”, anh Kiên nói.

Đồ cũ là những sản phẩm vẫn có chất lượng tốt, thậm chí gần như mới, được bán với giá chỉ bằng 50-60% hoặc có thể thấp hơn giá ban đầu tùy vào tình trạng cụ thể. Ảnh: Trung Quân.

Đồ cũ là những sản phẩm vẫn có chất lượng tốt, thậm chí gần như mới, được bán với giá chỉ bằng 50-60% hoặc có thể thấp hơn giá ban đầu tùy vào tình trạng cụ thể. Ảnh: Trung Quân.

Cũng tìm đến mua đồ cũ với mong tiết kiệm được chi phí đầu tư, chị Đào Thị Tuyết, chủ quán cơm tấm tại Thanh Xuân cho biết: Chị đã kinh doanh nhà hàng nhiều năm nhưng chưa thời điểm nào việc buôn bán lại gian nan như thời điểm này. Các làn sóng Covid-19 nối tiếp nhau làm chị phải xoay trở đủ cách mới có thể duy trì hoạt động.

Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, cửa hàng được phép đón khách trở lại nên chị quyết định thay bếp công nghiệp cũ 2 họng đun, bằng bếp công nghiệp 3 họng đun. Theo chị Tuyết, bếp 3 họng mới đang có giá bán từ 7-8 triệu/bếp, nhưng khi mua đồ cũ giá chỉ từ 3-4 triệu tùy độ mới của bếp. Nhờ thế chị tiết kiệm được một khoản để sắm thêm đồ khác.

 “Mình thấy việc tìm mua đồ cũ trong thời buổi vật giá leo thang với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thì lợi ích lớn nhất là tiết kiệm được ngân sách, giảm bớt áp lực tài chính, có thêm động lực vững vàng hơn vượt qua những khó khăn trước mắt”- chị Tuyết bộc bạch.

Hình thức mua, bán đồ cũ này có thể hiểu đơn giản là "mua của người chán, bán cho người cần”.

Sản phẩm thanh lý là những mặt hàng vẫn sử dụng tốt, thậm chí có những sản phẩm gần như mới. Việc này vừa giúp người mua có được những mặt hàng chất lượng với giá rẻ, vừa giảm thiểu rác thải cứng ra môi trường.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.