Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng sinh ngày 1/10/1926 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng là con trai của nhà văn Trần Tiêu (1900 - 1954) và là thân phụ của diễn viên Trần Lực.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng sau khi thi đỗ Tú Tài và tham gia đội tuyên truyền kháng chiến tại quê nhà. Theo đoàn văn công lên chiến khu Việt Bắc, Trần Bảng được cặp vợ chồng Thế Lữ - Song Kim khuyến khích tiếp cận nghệ thuật chèo.
Năm 1953, tác phẩm đầu tay của Trần Bảng là vở chèo “Chị Trầm” do ông viết kịch bản và đạo diễn, đã được công diễn tại ATK. Từ năm 1957 đến năm 1960, Trần Bảng được giao phụ trách Ban nghiên cứu phát triển nghệ thuật chèo của Bộ Văn hóa.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng gắn bó trọn đời với chèo. Ông đã sáng tác và đạo diễn những vở chèo nổi tiếng như “Cô gái và đô vật”, “Tình rừng”, “Đường đi đôi ngả”, “Máu chúng ta đã chảy”...
Ngoài ra, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng cũng có nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật chèo, tiêu biểu phải kể đến “Khái luận về chèo”, “Kỹ thuật biểu diễn chèo”, “Chèo – Một hiện tượng sân khấu dân tộc”... Vì vậy, bên cạnh danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, ông còn có học hàm Giáo sư.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng bộc bạch: “Những tác phẩm của tôi đều ghi dấu những kỷ niệm, những sự kiện có thật trong đời mình. Những tác phẩm này đồng thời cũng là những thực nghiệm về văn học kịch bản hát dân tộc với đề tài hiện đại. Do đó, tôi vừa là tác giả vừa là đạo diễn sân khấu cho những vở của mình.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng có thời gian làm Vụ trưởng Vụ Sân khấu. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017.