| Hotline: 0983.970.780

Nghề trồng rừng đổi đời dân vùng cao

Thứ Năm 29/06/2023 , 11:17 (GMT+7)

BẮC KẠN Những cánh rừng bạt ngàn giờ đây không chỉ là 'lá phổi' xanh của cả nước mà đã trở thành 'rừng vàng', ở đó nhiều hộ dân đã vươn lên khá giả nhờ trồng rừng.

Trồng rừng gỗ lớn, hiệu quả nhân đôi

Phương Viên là xã thuần nông của huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), khoảng 10 năm trước đời sống người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thời điểm đó, dịch vụ chưa phát triển người dân trong xã chủ yếu độc canh cây lúa, trồng rừng chưa thực sự được chú trọng.

Tại xã Phương Viên, nghề trồng rừng giúp nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên khá giả. Ảnh: Nguyễn Toán . 

Tại xã Phương Viên, nghề trồng rừng giúp nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên khá giả. Ảnh: Nguyễn Toán 

Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ thay đổi tư duy làm kinh tế rừng thực sự như cuộc cách mạng thổi làn gió mới vào nhận thức người dân. Giờ đây, tại xã Phương Viên nhà nhà trồng rừng, người người trồng rừng. Đến Phương Viên bây giờ không còn đồi trọc, không có mảnh rừng nào bị bỏ không, tất cả đã phủ bạt ngàn màu xanh.

Ông Ma Ngọc Tuyền, Chủ tịch UBND xã Phương Viên cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn hơn 3%, phần lớn nhà cửa người dân đã xây kiên cố, đường bê tông đến tất cả các thôn, bản, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên từng ngày. Có được kết quả đó có sự đóng góp rất lớn từ phát triển kinh tế rừng.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng của bà Triệu Thị Đanh (xã Phương Viên) khi gia đình vừa khai thác xong rừng cây mỡ. Tiếp chúng tôi với tâm trạng rất phấn khởi, bà Đanh cho biết, rừng mỡ vừa khai thác được trồng hơn 10 năm trước, với hơn 3,5ha, gia đình đã thu về gần 800.000.000 đồng.

“Hiện gia đình có 5ha cây mỡ đã trồng được trên 10 năm, vừa rồi khai thác 3,5ha, diện tích còn lại cũng đã có thương lái đến hỏi mua nhưng gia đình chưa bán. Dù thời gian trồng, chăm sóc lâu nhưng nếu so với trồng lúa, trồng ngô thì trồng rừng cho thu nhập cao hơn hẳn. Trong thôn cũng có nhiều hộ bán rừng được vài trăm triệu, đa số các hộ đã làm được nhà cửa khang trang”, bà Đanh chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của bà Đanh, trước đây nhiều hộ trồng rừng gỗ nhỏ như cây keo, dù thời gian ngắn chỉ từ 6 đến 7 năm đã cho thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Kể từ khi chuyển sang trồng cây gỗ lớn như cây mỡ thì hiệu quả cao gấp đôi. Một ha cây mỡ nếu chăm sóc tốt, sau hơn 10 năm có thể thu về khoảng 200 triệu đồng.

Sở dĩ những năm gần đây người dân tập trung trồng cây mỡ vì loại cây này có đặc điểm sau khi khai thác, chồi mọc lên từ gốc cây đã chặt phát triển rất nhanh. Nếu chăm sóc tốt, chỉ sau 7 đến 8 năm là lại tiếp tục khai thác được.

Bà Đanh chăm sóc vườn cây của gia đình. Ảnh: Ngọc Tú.

Bà Đanh chăm sóc vườn cây của gia đình. Ảnh: Ngọc Tú.

“Với đặc điểm này, người trồng cây mỡ không phải mất chi phí, công sức để trồng lại nên lợi nhuận sẽ cao hơn. Quan trọng là người trồng rừng phải tỉa bớt chồi mọc lại, chỉ giữ lại một mầm chồi khoẻ nhất để chăm sóc như vậy sau này cây sẽ phát triển nhanh, thẳng, đều”, bà Đanh cho biết thêm.

Ở các tỉnh miền núi, dân cư thưa, diện tích rừng lớn nên hộ ít cũng có 1 đến 2ha, hộ nhiều có thể vài chục ha rừng. Các hộ tự bỏ công để trồng, chăm sóc, sau 10 năm, thu nhập từ rừng đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Không chỉ riêng gia đình bà Đanh, tại tỉnh Bắc Kạn, hiện nay trồng rừng gỗ lớn đã trở thành phong trào. Địa phương này cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chuyển đổi khoảng 7.000 ha rừng trồng các loại cây nhỏ, hiệu quả thấp sang trồng các giống cây mỡ chất lượng cao.

Trồng rừng trên quê hương cách mạng

Bình Trung là xã an toàn khu (ATK) trước đây là căn cứ địa cách mạng, là nơi ở và làm việc của Trung ương Đảng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiện nay, Bình Trung được biết tới là "thủ phủ" trồng rừng của huyện Chợ Đồn, lợi ích từ trồng rừng như là câu chuyện cổ tích với người dân nơi đây.

Rừng trồng ở xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn. Ảnh: Nguyễn Toán.

Rừng trồng ở xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn. Ảnh: Nguyễn Toán.

Cách đây hơn chục năm, chúng tôi đã từng đến Bản Ca, thời điểm đó 100% các hộ trong thôn đều là hộ nghèo, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Trở lại Bản Ca hôm nay, đời sống người dân đã khá hơn rất nhiều, nhiều nhà cao tầng mọc lên, đường sá đi lại cũng thuận tiện.

Ông Hoàng Văn Hỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của thôn chỉ còn hơn 21%, nguồn thu nhập từ trồng rừng đã giúp nhiều hộ vươn lên khá giả. Đây là một bước tiến lớn đối với thôn vùng cao như Bản Ca.

Rời Bản Ca, chúng tôi đến thôn Nà Quân (xã Bình Trung), trưởng thôn Hoàng Văn Bút dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng bạt ngàn. Vừa đi ông vừa giới thiệu, trong thôn hộ ít cũng có 3ha, hộ nhiều vài chục ha rừng, riêng hộ ông Liêu Văn Vàng có hơn 30ha. Thôn Nà Quân có 53 hộ thì 17 hộ đã xây được nhà kiên cố, khang trang.

Đồi cây mỡ của gia đình ông Bút. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đồi cây mỡ của gia đình ông Bút. Ảnh: Ngọc Tú. 

“Riêng gia đình tôi có hơn 4ha rừng trồng cây mỡ, vừa rồi khai thác một phần cũng được hơn 200 triệu đồng, bây giờ đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích. Trong thôn, nhà nào cũng có thu nhập từ trồng rừng nên đời sống bà con đã hơn xưa rất nhiều”, ông Bút thông tin.

"Đến xã Bình Trung mà xem trồng rừng thì không thể không đến thăm anh Quản Trọng Quỳnh, một tỷ phú từ trồng rừng”, Chủ tịch UBND xã Bình Trung giới thiệu khi trò chuyện với chúng tôi. Cũng không mất quá nhiều thời gian, chúng tôi đã gặp được anh Quỳnh. Quả thật vậy, với hơn 40 ha rừng anh Quản Trọng Quỳnh là một trong những hộ sở hữu nhiều rừng nhất xã Bình Trung.

“Trước đây mình cũng làm nhiều nghề, nhưng đến năm 2009 thì bắt đầu tập trung vào trồng rừng. Lúc đầu mình cũng có vài ha, nhưng sau đó mua dần, đến bây giờ mới có nhiều như vậy”, anh Quỳnh chia sẻ. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Quỳnh thu về khoảng 800 triệu đồng từ khai thác gỗ rừng trồng, riêng năm 2020 thu về hơn 1 tỷ đồng.

Bản thân vốn học ngành lâm nghiệp, có kiến thức về trồng rừng nên anh Quỳnh trồng rừng cũng rất bài bản. Hơn một nửa trong số 40ha rừng anh trồng cây mỡ, cây keo, phần còn lại anh trồng cây quế. Để có tiền lấy ngắn nuôi dài, trong rừng quế anh trồng xen cây mỡ.

Cây mỡ được nhiều người dân ở xã Bình Trung lựa chọn do hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Tú. 

Cây mỡ được nhiều người dân ở xã Bình Trung lựa chọn do hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Tú. 

“Một ha mình trồng xen vài chục cây mỡ, cây mỡ trồng xen lớn rất nhanh, chỉ gần 10 năm mỗi cây bán được khoảng 1 triệu đồng. Riêng tiền bán cây mỡ đủ chi phí trồng, chăm sóc và khai thác cho toàn bộ diện tích”, anh Quỳnh chia sẻ.

Đối với cây quế, dù thời gian trồng đến khi thu hoạch trên 15 năm, nhưng đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế rất cao. Theo anh Quỳnh, nếu chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, một ha cây quế có thể mang lại lợi nhuận trên 300 triệu đồng, thậm chí đạt 500 triệu đồng.

Để chủ động và đảm bảo được nguồn giống cây, giảm chi phí, vừa cung cấp cho người dân, năm 2015 anh Quỳnh đầu tư làm vườn ươm diện tích hơn 7.000 m2. Bình quân mỗi năm cơ sở xuất bán khoảng 60 vạn cây, tạo việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương.

Nói về trồng rừng, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, ông Hoàng Văn Hỷ chia sẻ, những năm 90 của thế kỷ trước, người dân ở nhiều nơi khác chủ yếu trồng rừng theo dự án, lúc đó cứ trồng cây để lấy gạo hỗ trợ là chính, nghiệm thu xong là bỏ đó không chăm sóc cũng không cần biết cây có sống hay không. Nhưng với người dân xã Bình Trung, từ những năm 1996, nhiều hộ đã trồng, chăm sóc rất cẩn thận nên đến khoảng năm 2009 nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu từ trồng rừng. Người này nhìn người kia, thấy hàng xóm thu trăm triệu từ bán cây, nhiều hộ cũng chú trọng đến trồng rừng.

Đến bây giờ, xã Bình Trung có hơn 3.500ha rừng trồng, trong đó có khoảng gần 3.000ha là rừng cây từ 5 năm tuổi trở lên. Thu nhập từ trồng rừng đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống chỉ còn hơn 37%, tuy còn cao nhưng so với chục năm trước đã giảm đi hơn 1 nửa, đây là thành quả lớn đối với một xã miền núi.

Tỷ lệ hộ nghèo xã Bình Trung giảm nhanh nhờ thu nhập từ trồng rừng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tỷ lệ hộ nghèo xã Bình Trung giảm nhanh nhờ thu nhập từ trồng rừng. Ảnh: Ngọc Tú. 

“Ngoài trồng rừng, trên địa bàn xã cũng đã có 3 nhà máy chế biến gỗ và hàng chục xưởng nhỏ khác. Gỗ rừng trồng cũng đã được doanh nghiệp tại địa phương chế biến thành nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản. Công nghiệp chế biến gỗ phát triển là cơ sở để người dân yên tâm trồng rừng trong thời gian tới”, ông Hỷ cho biết thêm.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất