Kết nối doanh nghiệp và đại điền hình thành chuỗi giá trị ngành hàng. Sóc Trăng hình thành vành đai rừng ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn 8.000 khách hàng xúc tiến xuất khẩu xanh. Giá trà Thái Nguyên duy trì ở mức cao.
KẾT NỐI DOANH NGHIỆP VÀ ĐẠI ĐIỀN HÌNH THÀNH CHUỖI GIÁ TRỊ NGÀNH HÀNG
Sáng 25/5 tại Thái Bình, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn ThaiBinh Seed và “Câu lạc bộ Đại Điền” đồng chủ trì Hội nghị Kết nối Doanh nghiệp và Đại Điền. Theo ông Trần Mạnh Báo - chủ tịch HĐQT công ty cổ phần tập đoàn Thái Bình Seed, Thái Bình là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp đặc biệt là ngành hàng lúa gạo. Để ngành nông nghiệp Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung thực hiện chủ trương phát triển bền vững theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Địa phương cần tập trung quy hoạch các vùng sản xuất và tổ chức sản xuất theo phương thức liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp… Tại hội nghị, các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân đã kết nối cũng như trao đổi nhiều kinh nhiệm quý báu về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống cây trồng đặc biệt là giống lúa và cây lương thực, hỗ trợ đào tạo tập huấn nhẳm nâng cao kiến thức kỹ năng sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhân dịp này đã diễn ra ký kết hợp tác giữa Doanh nghiệp và các thành viên của CLB Đại Điền.
SÓC TRĂNG HÌNH THÀNH VÀNH ĐAI RỪNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Nhằm giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, tỉnh Sóc Trăng đang triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, trong đó giải pháp trồng rừng mới để tạo vành đai rừng vững chắc được xem là nhiệm vụ trọng tâm cửa tỉnh hiện nay. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã trồng mới hơn 1.530 ha rừng ngập mặn tạo thành tường mềm giảm sóng biển với chiều dài khoảng 34km; tổ chức phục hồi 850 ha rừng kém chất lượng; đồng thời, trồng hơn 766.000 cây phân tán. Theo bà Phan Thị Trúc Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, hàng năm, trong chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh luôn có nguồn kinh phí cho các tổ bảo vệ rừng tham gia tích cực trong công tác bảo vệ rừng, phát triển trồng rừng non mới , đảm bảo đai rừng phòng hộ phát triển một cách vững chắc, hạn chế sạt lở, góp phần vào việc chắn sóng, bảo vệ đê biển và điều hòa khí hậu.
HƠN 8.000 KHÁCH HÀNG XÚC TIẾN XUẤT KHẨU XANH
Sáng 25/5, Diễn đàn & Hội chợ Xuất khẩu Việt Nam 2023 với chủ đề “liên kết mạnh - xuất khẩu xanh” lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn. Hội chợ thu hút 250 gian hàng thuộc các ngành xuất khẩu chủ lực như nông thủy sản; dệt may, da giày, túi xách; đồ gỗ & mỹ nghệ; thực phẩm & đồ uống; cao su - nhựa, điện tử, cơ khí… mang đến một bức tranh tổng thể về độ đa dạng sản phẩm Việt đang được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Với tầm nhìn trở thành hội chợ xuất khẩu đa ngành, tập hợp các sản phẩm made-in Vietnam quy mô nhất cả nước, Hội chợ hứa hẹn tạo “lực đẩy” cho doanh nghiệp xuất khẩu bứt phá, tìm cơ hội kết nối trực tiếp với hơn 8.000 khách mua hàng, bao gồm cả các quốc gia nhập khẩu trọng điểm như Châu Âu, Mỹ, Hàn, Nhật, Ấn Độ...
GIÁ CHÈ THÁI NGUYÊN DUY TRÌ Ở MỨC CAO
Theo khảo sát phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại 2 chợ chè là Phúc Xuân và Phúc Trìu, thuộc vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, giá các sản phẩm trà duy trì ở mức cao. Trong đó, giá trà thường dao động từ 80.000 – 180.000đ/kg tuy theo chất lượng; trà móc câu từ khoảng 170.000 – 250.000đ/kg; trà tôm nõn từ 350.000 – 600.000đ/kg… Trong khi đó, giá trà Thái Nguyên được niêm yết tại các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp giữ ổn định và duy trì ở mức cao hơn thị trường tự do từ 150 – 250%. Ngoài việc trồng mới, trồng thay thế diện tích chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến trà xanh cao cấp, đặc sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã đẩy mạnh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn VietGAP, là tiền đề quan trọng để mở rộng thị trường.