| Hotline: 0983.970.780

Phá hủy khu phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy làm bãi nuôi ngao

Thứ Sáu 25/08/2023 , 06:28 (GMT+7)

Hơn 4.000 m2 cây phi lao, 4.200m2 đất bãi bồi bị chặt phá, cải tạo để nuôi trồng thủy sản, thuộc cồn Lu (Phân khu phục hồi sinh thái) của Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Xâm hại Vườn quốc gia Xuân Thủy để làm bãi nuôi trồng thủy sản

Tại Phân khu phục hồi sinh thái VQG Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), một số hộ dân địa phương đã tự ý chặt phá cây trồng ngập mặn để hút cát, tạo bãi làm khu vực nuôi trồng thủy sản.

Loại cây bị chặt phá được xác định là cây ngập mặn (gồm phi lao, mắm, trang…) thuộc Phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Đây là khu vực thuộc quyền quản lý của Vườn quốc gia Xuân Thủy theo Quyết định số 01 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003.

Hàng ngàn m2 đất bãi bồi bị xâm hại để làm bãi nuôi trồng thủy sản tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Anh Dũng.

Hàng ngàn m2 đất bãi bồi bị xâm hại để làm bãi nuôi trồng thủy sản tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Anh Dũng.

Tổng diện tích cây rừng bị chặt phá xác định ban đầu là khoảng 460m2 cây rừng ngập mặn tái sinh và khoảng 4.000 m2 cây phi lao; trên 4.200m2 đất bãi bồi đã bị tự ý cải tạo để nuôi trồng thủy sản, thuộc cồn Lu, Phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Đoàn công tác liên ngành gồm Vườn quốc gia Xuân Thủy, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải, Đồn Biên phòng Ba Lạt đã tổ chức tuần tra, kiểm tra khu vực bị xâm hại, phát hiện vụ việc hút cát cải tạo bãi và chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn tại khu vực.

Người vi phạm là ông Nguyễn Văn Phê (SN 1973, trú tại khu Đông Nhất, thị trấn Ngô Đồng) và ông Trần Văn Hạp (sinh năm 1957, trú tại xóm 8, xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy).

Một chòi canh có diện tích khoảng 36m2 được dựng tại vị trí vi phạm. Ảnh: Anh Dũng.

Một chòi canh có diện tích khoảng 36m2 được dựng tại vị trí vi phạm. Ảnh: Anh Dũng.

Ông Phê khai nhận đã chỉ đạo thuê người chặt một số cây phi lao để cắm vây; diện tích cây ngập mặn ở khu vực rừng tái sinh là do hai vợ chồng ông Huỳnh, bà Dung tự ý chặt. Đoàn công tác yêu cầu ông Phê phối hợp với ông Hiếu và bà Dung (chủ phương tiện, người làm thuê cho ông Phê) giữ nguyên hiện trạng không di chuyển máy móc, phương tiện ra khỏi hiện trường khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng.

Tiếp đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy, đại diện Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải cung cấp chi tiết hồ sơ vụ việc vi phạm, đồng thời cung cấp các văn bản pháp lý, bản đồ hiện trạng và bản đồ quy hoạch có liên quan tại khu vực vi phạm cho Công an huyện Giao Thủy điều tra, xác minh quyết vụ việc.

Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy, việc ông Nguyễn Văn Phê tự ý cải tạo bãi bồi, bơm hút cát đã làm thay đổi cảnh quan môi trường, lập địa tự nhiên bãi bồi của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Vườn đã báo cáo Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của Sở phối hợp với UBND huyện Giao Thủy tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đề nghị các cơ quan chuyên môn của Sở hướng dẫn Vườn quốc gia Xuân Thủy hoàn thiện hồ sơ 37,5 ha diện tích cây ngập mặn tái sinh tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy để cập nhật vào diện tích theo dõi diễn biến rừng hàng năm của tỉnh nhằm phục vụ cho công tác quản lý bảo tồn và phát triển rừng tại khu vực.

Chuyển cơ quan công an điều tra vụ việc

Đây không phải là lần đầu tiên có các hoạt động xâm phạm, chặt phá cây ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy để làm bãi nuôi trồng thủy sản.

Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu (thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy) có 37,5 ha rừng ngập mặn tái sinh được. Loài cây tái sinh là cây mắm, cây trang, mật độ tái sinh từ 1.500 - 2.000 cây/ha.

Diện tích cây ngập mặn bị chặt phá để tự ý chuyển đổi làm bãi nuôi ngao. Ảnh: Anh Dũng.

Diện tích cây ngập mặn bị chặt phá để tự ý chuyển đổi làm bãi nuôi ngao. Ảnh: Anh Dũng.

Năm 2022, Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp với Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải, Đồn Biên phòng Ba Lạt và UBND xã Giao Xuân tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp cho các hộ nuôi trồng và khai thác thủy sản trên địa bàn xã, yêu cầu các hộ có hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản tại khu vực ký cam kết không được lấn chiếm, chặt phá diện tích cây ngập mặn và cây phi lao tái sinh tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Ðịnh cho biết, từ tháng 11/2011 đến tháng 8/2012 đã phát hiện, xử lý 13 vụ phá rừng; khai thác trái phép cảnh quan, môi trường và các dịch vụ lâm nghiệp, phạt tiền 110 triệu đồng. Tổng diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng bị xóa sổ lên đến gần một ha.

Nghiêm trọng hơn, tại vùng lõi của Vườn quốc gia cũng bị xâm hại, chặt phá cây ngập mặn để làm diện tích nuôi trồng thủy sản. UBND huyện Giao Thủy đã có văn bản ngăn chặn chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại bãi bồi ven biển và ngăn chặn chặt phá rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, tuy nhiên đến nay, tình trạng nêu trên vẫn chưa chấm dứt.

Đoàn liên ngành kiểm tra hiện trường bị xâm hại ngày 22/8.

Đoàn liên ngành kiểm tra hiện trường bị xâm hại ngày 22/8.

Vườn quốc gia Xuân Thủy là một bãi bồi rộng lớn, có tổng diện tích tự nhiên 7.100 ha. Đây là khu đất ngập nước với nhiều loài động, thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm, nhiều loài chim nước nằm trong sách đỏ quốc tế, điển hình là cò mỏ thìa, vịt đầu đen, bồ nông chân xám, cò trắng Trung Quốc...

Việc các hộ dân nuôi tôm trong vùng rừng đệm và vùng lõi của Vườn quốc gia tự ý chuyển đổi sang nuôi ngao đã làm thay đổi cảnh quan sinh thái, điều kiện tự nhiên môi trường làm chết cây rừng. Người dân các xã lân cận thường lén lút cải tạo đầm vào ban đêm để tránh sự giám sát, phát hiện của cơ quan chức năng, tự ý chặt phá cây rừng, ngoài ra chất thải trong đầm nuôi tôm thoát ra khu vực rừng liền kề phá vỡ môi trường sinh thái bền vững làm cây sú, cây vẹt chết hàng loạt.

Ngày 22/8, đoàn liên ngành kiểm tra thực trạng khu vực bị xâm hại tại Cồn Lu tiếp tục phát hiện và lập biên bản trường hợp ông Nguyễn Văn Phê vẫn tự ý dùng máy móc hút cát cải tạo bãi và chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn dù trước đó đã được lập biên bản. Tại vị trí vi phạm phát hiện thêm diện tích 240m2 trồng cây mắm bị chặt phá; phát hiện 3 máy hút cát, 4 máy lai tại hiện trường; một chòi canh được dựng bằng 9 cột bê-tông cao khoảng 4 - 5m, có diện tích khoảng trên 36m2.

Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam: “Đây là trường hợp hộ dân tiếp tục vi phạm phá rừng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy dù đã bị lập biên bản. UBND tỉnh yêu cầu chuyển huyện chuyển cơ quan công an để điều tra vụ việc. Quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm theo đúng quy định".

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Ðịnh, trước đây các xã thuộc huyện Giao Thủy khi ký hợp đồng cho hộ dân thuê đầm sản xuất không ghi rõ trong đầm có bao nhiêu diện tích rừng, cho nên khi cơ quan chức năng kiểm tra rất khó xác định chính xác có bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ đã bị mất.

Căn cứ điều 5 Nghị định 23/NÐ-CP của Chính phủ, điều 4 Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát triển Vườn quốc gia Xuân Thủy được UBND tỉnh Nam Ðịnh ban hành ngày 11/8/2006, việc giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến rừng ở Vườn quốc gia Xuân Thủy thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND huyện Giao Thủy.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.