| Hotline: 0983.970.780

10 ngày ở Venezuela:

Nghèo đến mức khách sạn không giấy vệ sinh, không nước... nhưng rất hào phóng

Thứ Hai 05/11/2018 , 13:27 (GMT+7)

Trước đây, mỗi khi nghĩ về Venezuela, trong đầu của tôi luôn vẩn vơ bài “Thiên đường là đây” của nhạc sĩ Lê Xuân Trường với những ca từ da diết: “Thiên đường là đây, là ngày chẳng biết nỗi đau buồn chi. Thiên đường là đây, là nụ cười mãi thắm trên bờ môi...”.

Ấn tượng khó phai

Venezuela từng là quốc gia thiên đường của Nam Mỹ với phúc lợi xã hội ngập tràn. Chính phủ xây nhà cho dân nghèo ở. Xăng dầu, điện nước, giáo dục, y tế gần như miễn phí, xứ sở của các lò luyện hoa hậu thế giới, nơi người dân thường xuyên nhảy múa hát ca với nụ cười không bao giờ tắt trên môi...giờ đang phải vật lộn với siêu lạm phát, đói nghèo và an ninh bất ổn. "Nguy hiểm, đừng đi trên phố một mình với nhẫn hay máy ảnh hoặc điện thoại trên tay đề phòng bị cướp giật!". Một vài anh đã từng nhiều lần đi về dặn tôi như thế. Cướp ở đây được trang bị súng ống vũ trang rất đầy đủ.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh cùng Tổng thống Venezuela ông Maduro

Tôi là nhà báo Việt Nam đầu tiên đặt chân tới đây trong khoảng 2 năm nay, kể từ khi cơn khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ với mong muốn có một góc nhìn khác từ sâu bên trong.

Chúng tôi bay từ Hà Nội đi Paris rồi đi Caracas - thủ đô của Venezuela, tổng cộng hơn 22 tiếng. Sân bay quốc tế Simon Bolivar của Caracas cửa nhập cảnh rất vắng vẻ nhưng ở cửa xuất cảnh lại rồng rắn người chờ đợi ra đi. Chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng có khoảng 2-3 triệu trong tổng dân số chừng 30 triệu người của Venezuela đã di cư. Trước đây, xã hội Venezuela chia thành 3 tầng lớp: giàu, nghèo và trung lưu trong đó số trung lưu (thu nhập khoảng 1.000 USD/tháng) chiếm lượng đông đảo.

Cách điều hành hệ thống khác hoàn toàn cộng với giá dầu mỏ xuống dốc, khủng hoảng kinh tế nặng nề, cấm vận ngặt nghèo của Mỹ khiến cho nước này giờ đây gần như chỉ còn có hai tầng lớp: giàu và nghèo. Người giàu vẫn giàu nhờ một số đặc quyền đặc lợi, nhờ sống bằng nguồn kiều hối đổ về, người nghèo thì không thể nghèo thêm, sống nhờ trợ cấp xã hội. Thu nhập trung bình trước đây hồi kinh tế còn thịnh vượng đã khoảng 1.000 USD/tháng nhưng hiện nay lương cơ bản tụt xuống còn 15 USD/tháng.

Tiền mất giá quá nên từ 20/8, Venezuela đã phát hành đồng Bolivares mới (gọi tắt là Bô mới hay Bô chủ quyền) với 5 số không bị cắt phía sau. Ngay lập tức đồng tiền cũ càng mất giá vì gần như không còn giá trị gì dù trên danh nghĩa nó vẫn được chấp nhận. Lúc chúng tôi sang, trung tuần tháng 10/2018 tỷ giá là 1 USD đổi được 12 triệu tiền Bô cũ hay 120 Bô mới nên trả công phục vụ bốc mấy cái vali của đoàn là 100 triệu, trả mỗi bữa ăn là 1 tỉ, trả tiền thuê 3 phòng trong 2 ngày là 3,8 tỉ Bô cũ.

Nhưng chỉ sau 10 ngày lúc chúng tôi về tỷ giá 1 USD đã lên thành 18 triệu tiền Bô cũ hay 180 Bô mới. Tính ra 1 ngày công lao động ở đây mua được 2 kg gạo nhưng 4 ngày công mới mua nổi 1 kg dưa chuột-món ăn ưa thích của người bản địa. Khi những chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đầu tiên đặt chân sang Venezuela khảo sát cho dự án trồng lúa năm 2015, 1 USD chỉ đổi được 27 Bô cũ.

Sân bay quốc tế Simón Bolívar-một trong những sân bay có chi phí xây đắt đỏ nhất nhì thế giới, bởi nằm sát bờ biển trong khi nối vào thủ đô Caracas bằng những tuyến đường chạy ven đồi phải đóng hàng vạn cọc làm móng bên dưới, bằng những đường hầm dài dằng dặc xuyên thẳng qua đá. Khu nhà xây kiên cố như một pháo đài, để mộc không sơn. Các quầy hàng miễn thuế vắng vẻ, lèo tèo vài ba chai nước hoa ngoại cùng vài chục chai rượu nội.

Các quầy bán hàng miễn thuế ở sân bay quốc tế Simón Bolívar không mấy người mua

Tất cả đều không đề giá vì tỷ giá biến động từng ngày. Nhà vệ sinh ở đây không có nước cũng không có luôn cả giấy. Trong những ngày chúng tôi ở lại, đi nhiều nhà hàng, khách sạn cũng chung một cảnh không có giấy, không có nước như vậy. Thậm chí có nơi vào nhà vệ sinh bỗng giật thót mình khi thấy một ông bảo vệ to như tượng đứng lù lù niềm nở tươi cười, nhẫn nại đợi khách “đi” xong rồi lấy một cốc nước nhỏ cỡ lon coca dội tráng qua.

Mất nước trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người đến nỗi Công Anh-cậu phiên dịch của đoàn đang nửa đêm ngủ ở khách sạn chợt nghe thấy tiếng kêu ọc ọc, biết là nước trong ống đã về liền vội vàng bật dậy, mắt nhắm mắt mở, đánh răng, súc miệng, rửa mặt xong lại…đi ngủ tiếp. Giấy phải nhập khẩu, tốn ngoại tệ để mua nên thiếu đã đành nhưng còn nước, tại sao lại vẫn thiếu? Có người giải thích với tôi rằng hệ thống cung cấp nước của bạn nhiều nơi máy bơm, đường ống bị hỏng mà không có vật tư để thay thế vì bị Mỹ cấm vận nên mới như thế...
 

Nghèo nhưng vô cùng hào phóng

Ông Đào Thành Chung-đại sứ Việt Nam tại Venezuela ở Venezuela cho chúng tôi hay cộng đồng người Việt ở đây cực ít, có 2 Việt kiều thì 1 đã ra đi, 1 ở lại làm nghề nail (làm móng) nhưng cũng đang nhấp nhổm định ra đi. Ngoài Việt kiều cộng đồng người Việt còn có 3 cán bộ dầu khí, 15 cán bộ nông nghiệp và một ít cán bộ, nhân viên và người thân của họ ở các bộ phận của sứ quán.

Chuyên gia Việt Nam trao đổi kỹ thuật trồng lúa với cán bộ nước bạn
Các chuyên gia Việt Nam hướng dẫn sử dụng công cụ gieo sạ "madein Vietnam"
Chuyên gia Việt Nam "Hội thảo đầu bờ" với cán bộ nước bạn

Venezuela có nhiều điều thú vị. Dù nghèo nhưng chính phủ vẫn bỏ nhiều tiền ra để xây nhà ở xã hội cho người nghèo, nhiều căn trong số đó bỏ không ai ở hoặc đang xây dở thì hết kinh phí. Dù siêu lạm phát hàng triệu phần trăm nhưng tiền mặt ở đây lại cực kỳ hiếm. Thiếu ăn nhưng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao vẫn còn rất thịnh. Vật lộn với khó khăn ở trong nước nhưng mỗi đợt thế giới hứng chịu thiên tai nặng nề Venezuela đều có đóng góp hỗ trợ vài ba triệu USD là bình thường khiến cho chính các quốc gia nhận được cũng phải ngỡ ngàng khi nghe thông báo, vội vàng kiểm tra tài khoản.

Tác giả (bên trái) cạnh cán bộ của Venezuela

Dọc theo bờ biển của Venezuela từng có hàng trăm km dàn khoan dầu phủ kín, ban đêm đèn đóm sáng trưng như những thành phố nổi. Tiếng là nhiều dầu mỏ nhưng dầu của Venezuela là loại dầu nặng, khai thác xong lại phải trộn với dầu nhẹ của Mỹ được khai thác từ đá phiến mới thành dầu tiêu chuẩn để xuất khẩu. Trong bối cảnh cấm vận gay gắt, máy móc hỏng không có linh kiện thay thế, thị trường bó hẹp, năng suất cũng như sản lượng dầu của Venezuela đều giảm mạnh...

Đường phố tại thủ đô Caracas

Giữa bối cảnh u ám đó, đốm sáng duy nhất lấp ló giữa đôi bên chính là dự án hợp tác nông nghiệp dù nó chỉ có giá trị không bằng con số lẻ của dầu khí, vài triệu USD. Diện tích của Venezuela gần gấp ba Việt Nam, với 916.445 km2 nhưng dân số lại chưa bằng 1/3, đất đai vô cùng màu mỡ mà quỹ đất riêng dành cho nông nghiệp đã cỡ 30 triệu ha.

Trên núi, rừng nguyên sinh hầu như còn nguyên vẹn. Mỗi sáng từng dàn vẹt Nam Mỹ đông như những đám mây, đuôi dài sặc sỡ vừa bay ngang qua những tòa nhà giữa thủ đô Caracas vừa kêu chí chóe. Hải sản phong phú nhưng lại không có mấy tàu đánh bắt vì dân chúng hầu như không quen tiêu thụ các loại động vật biết bơi mà chỉ toàn ăn thịt bò, thịt lợn, thịt gà. Khách ngoại quốc muốn xơi tôm hùm phải đặt trước vài ngày, số lượng ít nhất 50-70 kg thì mới bõ điều tàu ra bắt, giá bán rất rẻ chỉ 17 USD/kg. Sâu dưới lòng đất là vô vàn tài nguyên khoáng sản quý như vàng, bạc, kim cương…trữ lượng cũng tầm cỡ của thế giới mà gần như chưa được đụng tới…

Thiên đường năm xưa giờ đây tuy đã tiều tụy nhưng vẫn còn nhiều dấu tích như 1 kg thịt bò chỉ khoảng 50.000đ tiền Việt, như giáo dục, y tế được miễn phí, như xăng dầu 1 USD quy đổi đổ được vài triệu lít cầm can đổ vào ô tô chẳng may rớt ra ngoài cũng điềm nhiên như không. Gas, điện rẻ đến mức những ngọn đèn không bao giờ lụi tắt đêm ngày…Tuy nhiên sự thiếu lương thực, thực phẩm lại đang giơ nanh, giương vuốt ở xứ thiên đường này.

Sân bay quốc tế ở Caracas rất vắng vẻ
Mỹ và Venezuela trong quá khứ từng thân thiết như vợ chồng, nhiều thứ phụ thuộc nhau như dầu nặng dầu nhẹ, nhiều thứ giống nhau như từ giao thông, điện nguồn đến các đảng phái, tổ chức quốc hội, tổ chức chính phủ… giờ cả hai tuy đã ly thân mà không ly dị nổi. Không có dầu nhẹ, trang thiết bị của Mỹ thì Venezuela lao đao mà không có dầu nặng của Venezuela thì Mỹ cũng thiệt hại không nhỏ vì nhiều nhà máy lọc dầu của họ vốn được thiết kế để chế biến dầu tiêu chuẩn.

 

Xem thêm
Đại tướng Nguyễn Quyết qua đời ở tuổi 102

Đại tướng Nguyễn Quyết từ trần vào hồi 21 giờ 09 phút ngày 23/12 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

6 người thương vong do tự chế pháo

Ngày 24/12, Công an tỉnh Tây Ninh đã thông tin chính thức về vụ nổ khiến 6 người thương vong xảy ra tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên.