| Hotline: 0983.970.780

Nghị định mới cần quan tâm đến đối tượng lao động yếu thế

Thứ Hai 26/10/2020 , 10:14 (GMT+7)

Làm thế nào để tất cả người lao động từ người yếu thế nhất của xã hội đều tham gia được vào thị trường lao động, đều được thúc đẩy giao dịch trên thị trường.

TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH). Ảnh: Nguyễn Thủy.

TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại hội thảo lấy ý kiến Dự thảo “Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Việc làm về tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm” do Cục Việc làm tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, nhiều đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm tại khu vực phía Nam mong muốn Nghị định mới sẽ sớm được thông qua có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Qua đó, đổi mới sắp xếp Trung tâm dịch vụ việc làm để thực sự trở thành công cụ hiệu quả trong xây dựng, quản trị thị trường lao động hiện đại, hỗ trợ tích cực cho người lao động, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Theo TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc các Sở LĐ-TB&XH là các đơn vị dịch vụ công, thực hiện nhiệm vụ về chính sách công, là đơn vị giúp nhà nước điều phối thị trường lao động. Chính vì vậy, Nghị định này ra đời phải làm thế nào để nhà nước có cơ chế chính sách dùng thị trường để kéo/đẩy cho toàn bộ xã hội biết doanh nghiệp/trung tâm dịch vụ việc làm nào quản trị chất lượng tốt hay không tốt.

Đồng thời, Nghị định mới ra đời phải làm thế nào để phụ nữ tham gia vào thị trường bình đẳng hơn, những yếu tố nữ được quan tâm hơn trong quá trình giao dịch việc làm.

“Làm thế nào để tất cả người lao động từ người yếu thế nhất của xã hội đều tham gia được vào thị trường lao động, đều được thúc đẩy giao dịch trên thị trường. Đó mới là thành công của Nghị định. Nếu chỉ quan tâm đến những đối tượng có quan hệ lao động mà bỏ quên mấy chục triệu người lao động thì Nghị định này không phổ quát được”, TS Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.

Cũng theo TS Vũ Trọng Bình, hiện nay, chính những đối tượng lao động yếu thế nhất, lao động phi chính thức có kiến thức trình độ lao động thấp nhất lại là những người bị lừa đảo nhiều nhất, ít được quan tâm nhất.

“Đây là đối tượng lao động đang bị bỏ quên. Làm thế nào Nghị định của Chính phủ giúp các doanh nghiệp/trung tâm hỗ trợ dịch vụ việc làm tiếp cận, hỗ trợ đối tượng này. Đây không phải là nhiệm vụ chính trị mà là đảm bảo tính nhân văn của thị trường. Đây là tính định hướng đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước”, TS Vũ Trọng Bình nói.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh Dương Quang Ngọc cho rằng, trong dự thảo Nghị định mới, tại khoản đ, Điều 3 có quy định: “Có ít nhất 15 người làm việc có trình độ từ cao đẳng trở lên và người lãnh đạo điều hành trung tâm dịch vụ việc làm phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động việc làm”.

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, quy định này hơi cứng nhắc và gây lãng phí nguồn đào tạo người lao động và cần sửa lại là: “Có ít nhất 15 vị trí việc làm, trong đó có ít nhất 50% có trình độ từ cao đẳng trở lên”.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh Dương Quang Ngọc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh Dương Quang Ngọc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Ngọc cũng cho rằng, điều quan trọng nhất của các trung tâm dịch vụ việc làm công lập là kinh phí hoạt động. Do đó, tại khoản 1-e điều 3 ông Ngọc đề nghị thêm: “Cơ quan có thẩm quyền thành lập phải đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, tại khoản 7 - điều 7 ông Ngọc đề nghị tách ra làm hai khoản riêng biệt: “Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm cho người lao động”. Và “Tổ chức đào tạo nghề, liên kết đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp khi được cơ quan thẩm quyền cho phép”.

Còn tại khoản 2-a điều 8, ông Ngọc đề nghị không khống chế số phòng, mà khống chế có ít nhất 3 phòng (phòng tư vấn giới thiệu việc làm; phòng thông tin thị trường lao động; phòng nghiệp vụ bảo hiểm thất nghiệp).

Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng cho biết, nên đưa thêm vào Nghị định nói về việc quản lý trên không gian mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, theo ông Ngọc các trang mạng xã hội lại đem lại nhiều cơ hội quảng bá dịch vụ việc làm tốt hơn rất nhiều các trang web truyền thống.

“Từ khi chúng tôi tận dụng trang facebook, zalo thì thông tin việc làm đi rất nhanh, nhiều người biết”, ông Ngọc chia sẻ.

Ông Hoàng Anh, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh cà Mau. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Hoàng Anh, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh cà Mau. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Hoàng Anh, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cũng đồng tình với quan điểm có ít nhất 50% có trình độ từ cao đẳng trở lên, còn lại sẽ tùy theo đặc thù của từng đơn vị, từng địa phương sẽ phù hợp hơn.

Ông Hoàng Anh cho biết, về bảo hiểm thất nghiệp đối với nhóm thực hiện nhiệm vụ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay rất thiệt thòi, không được hưởng các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, không được quy hoạch, không được đào tạo…

Ông đề nghị bổ sung vào Điều 32 về thẩm quyền của các bộ ngành: “Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn việc tuyển dụng quy hoạch bổ nhiệm đối với hợp đồng thực hiện nhiệm vụ”.

Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM Nguyễn Văn Tứ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM Nguyễn Văn Tứ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM Nguyễn Văn Tứ, cho biết, TP.HCM có đặc thù riêng, ngoài Trung tâm giới thiệu việc làm còn có Trung tâm dự báo nhu cầu và nguồn nhân lực của Thành phố.

Vậy phải chăng, với khoản 3 - Điều 12 thì Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM chỉ làm chức năng cung cấp và dự báo thông tin thị trường mang tính ngắn hạn. Còn tính dài hạn thì đã có Trung tâm Dự báo nhu cầu và nguồn nhân lực của Thành phố.

Ông Nguyễn Văn Tứ cũng đề xuất, nên xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ việc làm, để từ đó xây dựng được đội ngũ nhân sự, cơ sở trang thiết bị vật chất… đi kèm để thành một hệ thống đánh giá được hoạt động của dịch vụ việc làm có chất lượng.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...