| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 08/04/2024 , 15:57 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 15:57 - 08/04/2024

Nghị quyết niềm tin

Quảng Ninh sẽ có Nghị quyết về phát triển thủy sản trên biển. Có thể gọi đó là Nghị quyết của niềm tin, bởi nó giúp đường ra biển của tỉnh này thêm rộng cửa…

Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 10/8/2021 có nội dung tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh. Từ Chỉ thị này, Quảng Ninh cụ thể hóa các nội dung trong 3 năm qua: quy hoạch, sắp xếp lại không gian nuôi biển; điều chỉnh cơ cấu nuôi, cơ cấu vùng trồng tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường.

Vận động người dân chuyển đổi nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp; quy hoạch lại diện tích bãi triều, mặt nước nuôi các loài nhuyễn thể; hình thành các vùng nuôi tập trung: vùng nuôi tôm, nuôi nhuyễn, vùng nuôi cá song; vùng nuôi ghẹ; vùng nuôi đa canh tôm kết hợp cá… riêng rẽ.

“Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh” vừa diễn ra là dịp để địa phương này nhìn nhận lại những gì đã làm, những điểm nào nghẽn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ.

Bộ NN-PTNT, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện 27 địa phương có biển, các nhà đầu tư, xã viên HTX cùng tham dự, đồng hành với Quảng Ninh.

Hội nghị đã tiếp thêm cho địa phương này niềm tin, sự quyết tâm vào đường hướng đã chọn: nuôi biển bền vững là trụ cột của lĩnh vực thủy sản. Ngay sau Hội nghị, Quảng Ninh chủ trường xây dựng Đề án tổng thể phát triển bền vững thủy sản (tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến 2045), nâng cấp Chỉ thị thành Nghị quyết.

Điều này cho thấy sự thông suốt, đồng lòng từ trên xuống dưới trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, từ tư tưởng đến hành động... của Quảng Ninh. Nó củng cố thêm niềm tin cho người đi nuôi biển, bởi Nghị quyết sẽ hoạch định chiến lược dài hạn, vạch đường hướng, mà là đường lớn, đường cái quan chứ không phải đường nhánh, đường nhỏ.

Để có những bước đi này, Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Bắt đầu bằng quyết tâm thay thế hơn 10 triệu phao xốp - vật liệu canh tác trên biển truyền thồng của rất nhiều thế hệ nuôi biển; nhiều địa phương có biển trên cả nước hiện vẫn đang sử dụng.

Thay thế phao xốp có khó khăn không? Rất khó. Bởi, ngoài thói quen, nó còn là kinh tế. Thay thế 10 triệu quả, đó là con số ngàn tỷ đồng. Người nông dân vốn chắt chiu, tính toán, và tiết kiệm. Thay phao xốp đồng nghĩa với việc bỏ công sức, tiền của…, và thêm một lần đầu tư.

Vân Đồn là huyện có diện tích nuôi biển lớn nhất Quảng Ninh, có số phao xốp nhiều nhất tỉnh, gần 90%, tương đương 9 triệu phao xốp. 971/1.300 cơ sở, cá nhân nuôi trồng thủy sản sử dụng phao xốp trải trên 4.000ha diện tích mặt biển.

Trong năm 2022, huyện này thực hiện rà soát, kiểm tra, đôn đốc các xã, tuyên truyền, vận động chủ trương mới. Sang năm 2023, huyện dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung thực hiện việc dọn biển. Lãnh đạo cũng xuống biển, dẹp phao. Toàn bộ nhân lực cấp xã, thôn thành chia thành các “tổ công tác tháo dỡ, cắt bỏ và thu gom phao xốp”. Công việc bộn bề. Chắc chắn sẽ có nhiều ngổn ngang, nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Nhưng cuối cùng, biển Quảng Ninh đã được dọn sạch!

Bước chuẩn bị thứ hai, đó là thành lập các hợp tác xã nuôi biển. Người nuôi biển ở Quảng Ninh không còn đơn độc, một mình một vùng mặt nước, tựa lưng, bấu víu vào núi để neo giữ các lồng bè. Giờ, họ là các xã viên, nằm trong tổ chức. Họ sẽ bắt tay đi cùng nhau. Đi cùng nhau, họ sẽ đi được xa hơn, nghĩ được những cái lớn hơn. 

Trước Hội nghị nuôi biển diễn ra, Giám đốc một HTX nuôi biển chia sẻ anh vừa mừng, vừa lo, vì nhiều điều mới còn đang bỡ ngỡ, vừa học vừa làm, vừa làm vừa tìm hiểu. Có cả nỗi lo tiền thuê mặt nước: 7 triệu đồng/ha/năm; 100ha, sẽ là 700 triệu đồng/năm, trong khi con cá nằm dưới nước, giông bão đến từ ngoài khơi…

Thói quen sử dụng mặt biển nuôi thả tự phát, không quản lý, không mất phí đã ăn sâu trong suy nghĩ bao nhiêu thế hệ.

Nhưng, anh cũng cho biết: mừng nhiều hơn. Đó là vùng nuôi ổn định, lâu dài, có quy hoạch, không lo tình trạng nay làm, mai kéo lồng bè sang chỗ khác vì có dự án chiếm chỗ. Không gian dưới nước ổn định. Không gian pháp lý “trên bờ” ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. Pháp nhân nuôi biển phải cam kết bảo vệ môi trường biển, có giải pháp xử lý chất thải từ nuôi biển mới được giao mặt nước, không còn cảnh “mạnh ai nấy lo”, “cha chung không ai khóc”…

Tại Hội nghị sáng 1/4, sự xác nhận của Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh giúp những nông dân ra biển có thêm niềm tin: địa phương đang hoàn thiện các hạ tầng, dịch vụ trên bờ phục vụ nghề cá; phủ sóng điện thoại, viễn thông; phương án nguồn điện sinh hoạt... cho người nuôi biển. Có nghĩa là, sẽ có “đường ra biển”.

Và bây giờ, “Nghị quyết nuôi biển” phát triển thêm một bước so với Chỉ thị 13 ban hành ba năm trước. Nó là tầm nhìn, chiến lược chứ không phải là nhiệm vụ ngắn hạn của tư duy nhiệm kỳ.

Quảng Ninh đã lựa chọn và đi trước. Quảng Ninh sẽ là điểm hồng tâm trong “vòng tròn thủy sản” - logo biểu tượng của Hội nghị nuôi biển vừa qua, để đẩy các vòng tròn lớn hơn lan tỏa sang 27 tỉnh thành có biển còn lại.

Quảng Ninh đang mơ một giấc mơ lớn, tham vọng một tham vọng lớn. Sẽ có nhiều địa phương “nhìn từ Quảng Ninh”, nhìn vào Quảng Ninh để nuôi biển, ứng xử với biển.