| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 14/05/2020 , 05:30 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 05:30 - 14/05/2020

Nghĩa cử đẹp bị thông tin xấu bủa vây

Cả huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa có đến 2.400 người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do Covid-19.

Riêng xã Xuân Lập có 577 trường hợp. Thông tin ấy được lan truyền rất nhanh và tạo ra những hiệu ứng khác nhau trong cộng đồng.

Trước hết, cần khẳng định đó là một nghĩa cử tốt đẹp. Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ được triển khai nhằm giúp những đối tượng yếu thế trong xã hội ứng phó hệ lụy đại dịch toàn cầu.

Người dân không nhận khoản hỗ trợ có thể xuất phát từ động cơ cao thượng là muốn san sẻ khó khăn với Chính phủ và nhường khoản tài chính quý báu kia cho những mảnh đời túng bấn hơn.

Thế nhưng, lại rộ lên câu chuyện nghi ngờ chính quyền cơ sở đã vận động hoặc ép buộc người dân phải từ chối nhận hỗ trợ.

Giữa nghĩa cử đẹp và thông tin xấu, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đã có công văn yêu cầu làm rõ thực hư.

Bởi lẽ, thống kê có đến 20 triệu người gồm gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng cuộc sống từ Covid-19 là mối bận tâm của toàn xã hội. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, dù khoản hỗ trợ không lớn, nhưng cần được thực hiện công khai, minh bạch, đúng thời điểm, đúng đối tượng.

Quan điểm của ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ là phải làm sao để những đồng tiền chắt chiu không giống “đàn gà đi lạc” như những chính sách dự án trước đây. 

Không khuyến khích người dân “nhường cơm sẻ áo” kiểu này, nhưng nếu người dân được hưởng mà cảm thấy gia đình mình, bản thân mình có thể khắc phục được và họ tự nguyện không nhận để nhường cho người khác khó khăn hơn thì rất hoan nghênh.

2.400 người dân ở huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa tự nguyện không nhận hỗ trợ với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng, chắc chắn sẽ được trả lại ngân sách.

Tuy nhiên, sự hoài nghi có hay không câu chuyện địa phương ép buộc hay vận động người dân không nhận hỗ trợ, cũng là điều đáng băn khoăn.

Thử hỏi, khi lập danh sách những đối tượng cần được hỗ trợ vì đại dịch Covid-19, địa phương đã thăm dò và khảo sát chuẩn xác mức độ nào, mà giờ đây nhiều người trong số đó lại tự tin họ không đến mức chật vật để nhận giúp đỡ bằng hiện kim?

Đáng chú ý hơn, nhiều xã có cả mẫu “Đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ do đại dịch Covid-19” được in sẵn và phát ra khá thoải mái. Có thể giải thích bằng thiện chí nhằm tạo thuận tiện cho người dân.

Thế nhưng, cái thuận tiện được mặc định lại hoàn toàn phản tác dụng. Bởi lẽ, lòng tốt trong thiên hạ luôn muôn hình vạn trạng. Những dòng chữ có thể run rẩy, có thể nghệch ngoạc, có thể lủng củng… của từng người dân khi viết đơn tự nguyện, sẽ phát ra một thứ ánh sáng lung linh hơn, thuyết phục hơn những mẫu đơn in sẵn khô cứng và công thức.

Bởi lẽ, những đơn tự nguyện có nét chữ của những số phận lam lũ, không chỉ đánh thức những nghĩa cử đẹp của người Việt Nam, mà còn khiến những quan chức tham nhũng cảm thấy xấu hổ.     

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm