Tại TP Chí Linh (Hải Dương), Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) vừa tổ chức đánh giá kết quả thực hiện mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phòng, chống tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây ổi và na theo hướng an toàn tại Hải Dương” với diện tích 10.000m2, có 2 hộ tham gia.
Mô hình nhằm xác định được thành phần, quy luật phát sinh, mức độ và diễn biến phát triển của sâu bệnh hại chính trên cây na; xây dựng quy trình và mô hình trình diễn phòng chống tổng hợp sâu, bệnh chính trên cây na trong thời kỳ kinh doanh theo hướng an toàn.
Qua khảo sát, đơn vị nghiên cứu phát hiện 6 loài sâu hại chính trên na và 3 bệnh hại chính. Sâu hại gồm bọ phấn, rệp sáp, nhện đỏ, sâu đục thân, ruồi đục quả, bọ vòi voi; bệnh hại gồm vàng lá thối rễ, thán thư và đen quả.
Kết quả nghiên cứu thử nghiệm các biện pháp phòng chống sâu bệnh hại chính cho thấy, áp dụng biện pháp tỉa cành tạo tán; bao quả 30 ngày sau thụ phấn; sử dụng chế phẩm Keomium, Tricob HDCT hay SH-BVI; sử dụng thuốc BVTV giảm 30% nồng độ kết hợp với dầu khoáng; giảm 40% nồng độ các loại thuốc trừ nhện đỏ… cho hiệu quả cao. Sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật trên cho thấy so với mô hình đối chứng, mật độ nhện đỏ giảm; ngăn ruồi đẻ trứng vào quả…
Mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật đã giảm 4 lần sử dụng thuốc BVTV, công chăm sóc giảm gần 20 triệu đồng/ha, năng suất tăng 5 tạ/ha, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 200 triệu đồng/ha, tăng gần 40 triệu đồng, tương đương 17,26%.
Hải Dương hiện có 21.000ha trồng cây ăn quả, trong đó diện tích na gần 1.000ha với sản lượng trên 13.200 tấn/năm; diện tích trồng na đứng thứ 3 miền Bắc sau các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.