| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu, sản xuất vacxin tả lợn Châu Phi: Không dễ!

Thứ Ba 02/04/2019 , 08:48 (GMT+7)

Gần 60 năm qua, đã có nhiều cơ quan khoa học, các DN hàng đầu thế giới về SX vacxin phòng bệnh cho động vật nghiên cứu, SX vacxin dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

15-31-30_1
Quốc tế đến nay vẫn bất lực trong việc tìm ra một loại vacxin DTLCP có hiệu quả thực sự (ảnh: bopepor.es)

Tuy nhiên đến nay, chưa có bất kỳ vacxin nào được đưa vào lưu hành thương mại. Điều này cho thấy Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức khi bắt tay vào nghiên cứu, SX loại vacxin này.
 

Chưa có vacxin thực sự hiệu quả

- Vacxin DTLCP vô hoạt toàn phần (hay vacxin chết) đã được đưa vào nghiên cứu và thử nghiệm từ những năm 1960 tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Vacxin có khả năng tạo kháng thể, tuy nhiên không có hiệu quả bảo hộ sau khi công cường độc với chủng virus thực địa.

Lợn thí nghiệm được tiêm vacxin DTLCP vô hoạt nhưng không có khả năng chống lại virus DTLCP thực địa, bởi loại vacxin này không giúp cho lợn SX ra dòng tế bào lympho T gây độc (là tế bào rất cần thiết để loại bỏ các tế bào bị nhiễm virus DTLCP). Bên cạnh đó, lợn có thể có kháng thể trung hòa, nhưng loại kháng thể này không thể ức chế hoàn toàn tình trạng nhiễm virus DTLCP vì virus này có khả năng gây nhiễm nội bào và ngoại bào để né tránh miễn dịch.

- Vacxin DTLCP nhược độc toàn phần tự nhiên (vacxin nhược độc được SX từ chủng virus DTLCP nhược độc ngoài tự nhiên), cũng đã được các nhóm nghiên cứu tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm từ những năm 1960.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phân lập được virus DTLCP ở lợn bị bệnh nhưng không gây chết. Những virus này được xác định là có độc lực thấp, sau đó được sử dụng để tiêm cho lợn. Lợn được tiêm vacxin nhược độc này sau đó được cho phơi nhiễm với virus DTLCP bằng nhiều cách khác nhau. Kết quả, lợn có triệu chứng, bệnh tích ở thể nhẹ giống như dạng bị bệnh mãn tính. Tuy nhiên sau đó, vacxin này đã không được đưa vào sử dụng vì có nhiều bằng chứng lo ngại virus nhược độc có trong vacxin có thể biến đổi đột biến gen, chuyển thành dạng độc lực cao gây ra dịch bệnh trầm trọng hơn và không đảm bảo được an toàn sinh học khi sử dụng phạm vi thương mại.

- Đối với vacxin nhược độc nhân tạo (được SX từ chủng virus DTLCP nhược độc, có sự can thiệp của công nghệ cắt ghép gen), bao gồm cả vacxin nhược độc nhân tạo tiểu phần và vacxin tái tổ hợp, đều không cho kết quả đáp ứng được yêu cầu phòng dịch. Cụ thể, với vacxin nhược độc tiểu phần (hay còn gọi là vacxin tiểu đơn vị), được bào chế, chọn lựa từ một phần protein kháng nguyên của virus và ghép với vi sinh vật sống khác không gây độc. Tất cả các thử nghiệm đến nay cho thấy có sự bảo hộ chống lại một số chủng phân lập, nhưng lại không có tác dụng bảo hộ hoàn toàn.

Vacxin tái tổ hợp, là vacxin được SX từ nguồn virus độc lực, được tách bỏ một số gen đặc biệt. Vacxin dạng này được đánh giá là an toàn hơn trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, các nghiên cứu và thử nghiệm cho thấy tác động của việc tách gen có ảnh hưởng đến khả năng nhược độc, do virus được tách một số gen ức chế tính gây độc, vì vậy mức độ bảo hộ đồng chủng và dị chủng là khác nhau.
 

Những hi vọng mới

Mặc dù chưa chính thức có vacxin thực sự hiệu quả trong phòng bệnh DTLCP, tuy nhiên gần đây, một số nghiên cứu cũng đang hé mở những hi vọng tương lai có thể có những loại vacxin DTLCP đáp ứng được yêu cầu. Điển hình như năm 2017, các nhà khoa học của phòng thí nghiệm tham chiếu DTLCP của Châu Âu đặt tại Tây Ban Nha đã phân lập được một chủng virus DTLCP có độc lực thấp từ lợn rừng tại Latvia. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng chủng virus này để tiêm truyền cho 2 lợn nuôi trong phòng thí nghiệm. Kết quả, lợn sau đó có đáp ứng miễn dịch cao, được bảo hộ và chống lại được với virus DTLCP độc lực cao.

Bên cạnh đó, hiện một số Cty và viện nghiên cứu cũng đang nghiên cứu SX vacxin DTLCP để đưa ra thương mại như Cty Zoetis, Boeghringer, CEVA và một số viện như IRSA, USDA-ARS. Trong đó, Cty CEVA đã và đang SX vacxin véc-tơ được cấy đoạn gen của virus DTLCP. Theo đại diện của Cty, khả năng trong vòng 1 năm nữa, sẽ có vacxin để khảo nghiệm ngoài thực địa. Hiện, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y chủ động liên hệ, hợp tác với các đối tác này trong nghiên cứu để tìm ra loại vacxin phù hợp với điều kiện, tình hình và đặc thù của virus DTLCP đang lưu hành tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục Thú y cho biết theo các chuyên gia của FAO sang Việt Nam hỗ trợ phòng chống khẩn cấp DTLCP, ít nhất 4 năm nữa, thế giới có thể sẽ có vacxin DTLCP được phép lưu hành và sử dụng. Hiện chính phủ các nước Châu Âu, điển hình như Anh đã và đang đầu tư hàng trăm triệu bảng; Chính phủ Mỹ có chính sách ưu tiên đặc biệt, sẵn sàng cấp kinh phí và có cơ chế đặc biệt cho phép lưu hành vacxin DTLCP nếu có vacxin được SX thành công. Chính phủ Trung Quốc hiện cũng đã phê duyệt khẩn cấp chương trình nghiên cứu, SX vacxin DTLCP sử dụng chủng virus phân lập tại nước này.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.