Nhằm nghiên cứu và hoàn thiện quy trình thâm canh chuối tiêu hồng, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” tại huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Đây là đề tài KH-CN cấp cơ sở được Sở KH-CN tỉnh Quảng Trị phê duyệt.
Mô hình thí nghiệm được triển khai tại hộ ông Hồ Văn Tia ở thôn A Ngo, xã A Ngo (huyện Đakrông) trên diện tích 1ha với 2.000 cây. Đây là giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô theo tiêu chuẩn. Quá trình thực hiện, chuối được bón phân đợt 1 vào tháng 1/2022, bón đợt 2 và tỉa chồi vào tháng 5 và 6/2022. Đến nay, sau trồng 6 tháng trồng, cây chuối sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Ông Hồ Văn Tia, chủ hộ thực hiện mô hình phấn khởi khoe: "Trước đây, gia đình tôi chỉ làm các công việc trên nương rẫy, nay nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn cho kỹ thuật trồng chuối tiêu hồng, ban đầu cây nhỏ và ngắn lắm, ngắn như chiếc đũa. Cán bộ hướng dẫn cho tôi cách trồng, chăm sóc, bón phân, bây giờ cây chuối to cao quá đầu rồi. Tôi thích lắm, ai đến xem cũng khen, cũng thích".
Ông Hồ Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, để phối hợp triển khai mô hình, UBND xã A Ngo đã thành lập ban chỉ đạo, trong quá trình triển khai các thành viên trong Ban chỉ đạo đã rất tích cực, tạo điều kiện cho hộ dân để thực hiện mô hình có hiệu quả, trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn.
Mô hình triển khai trên cơ sở tác động đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, trong đó yếu tố quan trọng là phân bón, mật độ trồng, từ đó từng bước xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu chuối hàng hóa trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Qua kiểm tra, hội đồng đánh giá tiến độ thực hiện đề tài đạt đúng tiến độ, bước đầu nhận thấy chuối tiêu hồng tương đối phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng miền núi phía tây Quảng Trị.
Ông Tạ Sáu, Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN tỉnh Quảng Trị) cho biết: "Qua đánh giá của đoàn kiểm tra giữa kỳ, nhận thấy cây chuối tiêu hồng phát triển tốt, khá đồng đều. Đây là mô hình có triển vọng. Về kỹ thuật, thời gian đến chúng tôi sẽ đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển, đặc biệt là bón phân, chăm sóc, làm cỏ, tỉa cây để ổn định cây con, đảm bảo cho cây mẹ cùng với 2 - 3 cây con là tốt nhất. Đây là mô hình chúng tôi sẽ đánh giá trong 2 vụ, nếu hiệu quả kinh tế cao, sẽ nhân rộng trên địa bàn các xã miền núi của huyện Đakrông".
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, ông Trần Cẩn đánh giá: Đến nay sau 6 tháng thực hiện, chuối sinh trưởng phát triển tốt. Các chỉ tiêu theo dõi về mật độ và phân bón đều đạt yêu cầu đề ra. Thời gian đến, Trung tâm sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu phát triển, chú ý khâu phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, tuyển chọn công thức mật độ và phân bón tối ưu nhất để có hướng phát triển cho bà con. Việc xây dựng mô hình sẽ mở ra hướng thâm canh mới trong việc chọn cây trồng phù hợp với đất đai và điều kiện canh tác của từng vùng, từng hộ gia đình.
"Nhằm giúp đồng bào miền núi tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị mong muốn thời gian đến, Sở KH-CN Quảng Trị tiếp tục tạo điều kiện, bố trí kinh phí để Trung tâm tiếp tục thực hiện một số nội dung khoa học khác như khảo nghiệm trồng cây sầu riêng trên vùng miền núi; phục tráng giống gà bản địa Cu Roang; nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp than cho bà con Pa Cô để làm cơ sở để phát triển giống và xây dựng thương hiệu OCOP cho địa phương", ông Trần Cẩn đề nghị.