| Hotline: 0983.970.780

Vườn chuối tiêu hồng thu tiền tỷ trên vùng đất lửa Đăk Tô

Thứ Năm 18/06/2020 , 09:26 (GMT+7)

Vườn chuối tiêu hồng trên huyện Đăk Tô (Kon Tum) của ông Vũ Ngọc Hà chủ yếu được xuất khẩu đi nước ngoài với doanh thu 4-5 tỷ đồng mỗi năm.

Vườn chuối tiêu hồng tiền tỷ của ông Hà

Vườn chuối tiêu hồng tiền tỷ của ông Hà

Ông Vũ Ngọc Hà (trú xã Đăk Hring, Đăk Hà, Kon Tum) bắt đầu bén duyên với cây chuối tiêu hồng từ năm 2018. Thời điểm bấy giờ, ông Hà vô tình được người quen ở Tây Ninh giới thiệu về mô hình chuối tiêu hồng cho năng suất cao, cùng thị trường xuất khẩu ổn định.

Sau khi nghiên cứu, ông Hà nhận thấy, cây chuối tiêu hồng rất phù hợp với thổ nhưỡng ở vùng đất lửa Đăk Tô. Hơn nữa, chuối tiêu hồng có chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hoạch nhanh.

“Tôi đã đi nhiều tỉnh thành, tìm hiểu và thử nghiệm nhiều mô hình cây ăn quả. Tuy nhiên, hiệu quả về kinh tế của các loại cây trồng này không cao, trong khi chi phí đầu tư quá lớn, thời gian thu hoạch lại lâu” – ông Hà nói và cho biết về việc lựa chọn trồng chuối tiêu hồng của mình.

Chuối tiêu hồng được trồng theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo sạch, an toàn.

Chuối tiêu hồng được trồng theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo sạch, an toàn.

Quyết tâm thực hiện, ông Hà cùng với 2 người bạn góp vốn và vay thêm ngân hàng để thuê 10 ha đất tại thôn 8, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô. Sau đó, ông ra Hà Nội tìm mua 25.000 cây chuối giống chất lượng được nuôi cấy từ mô.

Theo ông Hà, chi phí mua cây giống, cùng công đầu tư chăm sóc ban đầu hết khoảng 2 tỷ đồng. Trong khi đó, trung bình 10 ha chuối của ông cho thu hoạch mỗi năm khoảng 500-600 tấn. Với giá xuất khẩu hiện nay khoảng 7.000 đồng, vườn chuối tiêu hồng của ông Hà cho doanh thu mỗi năm khoảng 4-5 tỷ đồng, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng.

Vườn chuối tiêu hồng của ông Hà chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, còn lại số ít được tiêu thụ trong nước.

“Giá tiêu thụ thị trường trong nước thời điểm hiện tại chỉ khoảng 4.500 đồng/kg, nên chúng tôi sẽ ưu tiên nhiều hơn cho thị trường xuất khẩu” – ông Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Hà, để xuất khẩu vào được thị trường khó tính, sản phẩm chuối phải đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Chính vì vậy, ngày từ khi bắt đầu, ông Hà đã định hướng vướn chuối trồng theo đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn, đảm bảo sạch, an toàn.

Trong đó, toàn bộ vườn chuối 10 ha được bón bằng phân bò, không dùng phân hóa học. Ngoài ra, vườn chuối được đầu tư hệ thống tưới được đầu tư bằng công nghệ tưới tự động toàn bộ.

Không chỉ xuất bán chuối quả, ông Hà còn tách cây non để bán giống. Mỗi cây con hiện có giá 10.000 đồng. Hiện ông Hà thu về hơn 200 triệu đồng từ việc bán 20.000 gốc chuối giống.

Vườn chuối tiêu hồng được nhiều du khách tham quan đánh giá cao.

Vườn chuối tiêu hồng được nhiều du khách tham quan đánh giá cao.

Trong thời gian tới, trang trại của ông Hà sẽ liên kết với người dân mở rộng diện tích trồng chuối lên 40 ha. “Chúng tôi vừa thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm. Thông qua HTX, tôi muốn hình thành các chuỗi liên kết giữa người dân với doanh nghiệp để trồng và tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững” – ông Hà chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Diên Bình, huyện Đăk Tô cho biết, mô hình chuối tiêu hồng của ông Hà bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện tại giá chuối đang ở mức cao, trong khi đó vườn của ông Hà không phải lo đầu ra vì liên kết với các công ty xuất khẩu chuối đi nước ngoài. Ngoài việc phát triển kinh tế, vườn chuối của ông Hà còn giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.