| Hotline: 0983.970.780

Ngô cho lợn lao dốc, ngô cho trâu bò có lên ngôi?

Thứ Năm 16/04/2020 , 15:04 (GMT+7)

Giữa cánh đồng ngô tại Viện Nghiên cứu Ngô có mấy luống tốt vượt lên, lá, thân tua tủa che khuất dáng nhỏ bé của kỹ sư Nguyễn Ngọc Diệp đang cặm cụi ghi chép.

Kỹ sư Diệp đang ghi chép thông số kỹ thuật của ngô sinh khối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kỹ sư Diệp đang ghi chép thông số kỹ thuật của ngô sinh khối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lối mở giữa thuở gian khó

Đó là những ruộng ngô sinh khối với đặc điểm nổi trội thân, lá và bắp đều rất to. Nhóm của Diệp phụ trách đang thử nghiệm vài chục giống như vậy, ngoài ra còn có những nhóm nghiên cứu khác của các bộ môn cũng đang nhập cuộc.  

Gần 30 năm về trước, khi nhà nhà vẫn còn phổ biến tivi đen trắng, không mấy ai không thuộc cảnh nghệ sĩ Trịnh Thịnh đèo cái tivi màu trên chiếc xe máy Babetta phóng thẳng vào sân, dựng chân chống lên, mặt mày hớn hở như người trúng xổ số.

Đứa con gái ngạc nhiên chạy ra hỏi tiền đâu mà bố mua tivi, ông vểnh cái mũi to rất đặc trưng của mình rồi nói một câu slogan đã trở thành câu khẩu hiệu hồi ấy rằng: “Tất cả là nhờ ngô Bioseed mà ra”. Kể từ đó, ngô lai ở Việt Nam đồng nghĩa với Bioseed cũng như thức ăn chăn nuôi công nghiệp đồng nghĩa với cám Cò, xe máy đồng nghĩa với Honda vậy…

Đã có thời diện tích ngô tăng lên hơn 1 triệu ha, những quả núi, quả đồi dốc đứng cũng bị “cạo trọc” để trồng ngô. Đã có thời nông dân sắm xe máy mới, sửa chữa cửa nhà hay cho con cái ăn học, còn đại lý giống thì sắm nhà Hà Nội, ô tô bạc tỉ, đi du lịch nước ngoài mua hàng hiệu không tiếc tiền nhờ ngô lai. Đã có thời, cán bộ ngành nông nghiệp nào mà “móc ngoặc” được một xe tải ngô từ Viện Nghiên cứu Ngô thì năm đó coi như cứ rung đùi mà hưởng lộc.

Kiểm tra phấn ngô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kiểm tra phấn ngô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thế mà dăm năm trở lại đây, tình thế hoàn toàn đảo ngược. Diện tích ngô giảm không phanh, nông dân nhiều người mắc nợ, còn đại lý giống nhiều kẻ ngậm ngùi bán nhà, bán xe hơi bởi ngô hạt nhập về đến cảng giá còn rẻ hơn 300-500 đồng/kg so với ngô nội mà chất lượng lại đều hơn, số lượng thì bao nhiêu cũng có.

Viện Nghiên cứu Ngô- ngày nào còn là một Viện mạnh nhất trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đến nỗi được dân thị trấn Phùng (Đan Phượng) kính nể, giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Tôi đem chuyện vừa gặp cô kỹ sư Diệp, chuyện Việt Nam đang có khoảng 2,5 triệu con trâu, 5,5 triệu con bò nên nhu cầu về ngô sinh khối cũng như các loại cây thức ăn xanh khác rất lớn ra nói với ông Bùi Mạnh Cường - Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô.

Ông Bùi Mạnh Cường - Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Bùi Mạnh Cường - Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông gật gù: “Bởi khó khăn nên Viện phải đa dạng hóa nghiên cứu, trong đó ngô sinh khối trở thành một lối mở mới. Sau 5 năm phát triển, ngô sinh khối giờ mới ở bước khởi đầu, chiếm khoảng 5% diện tích ngô của cả nước nhưng cơ hội của nó theo tôi phải tương đương với ngô thực phẩm nghĩa là cỡ 15-20 % diện tích.

 Muốn phát triển ngô sinh khối phải có hai điều kiện. Một là phải có các doanh nghiệp đầu tư mạnh về chăn nuôi đại gia súc, đứng ra từ tổ chức sản xuất đến lưu thông, phân phối thịt theo chuỗi chứ còn để cho dân làm kiểu manh mún thì không giải quyết được cái gì cả.

Thứ hai là phải cơ giới hóa được, đưa máy móc vào để giảm chi phí xuống thì mới có lãi, phải có công nghiệp chế biến chứ không chỉ cắt tươi rồi cho vào ăn. Ủ chua vừa để nâng cao dinh dưỡng cho ngô sinh khối vừa để bảo quản chúng được lâu".

Đàn bò ngoại đang được bổ sung thêm thức ăn xanh, chế biến từ ngô sinh khối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đàn bò ngoại đang được bổ sung thêm thức ăn xanh, chế biến từ ngô sinh khối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo ông Cường, hiện gần như trên thị trường giống ngô sinh khối thuần túy (không tận dụng các loại giống ngô lấy hạt để làm sinh khối) chỉ có Viện Nghiên cứu Ngô và Syngenta, ước tính sản lượng bán ra tương đương nhau, mỗi năm chừng trên dưới 100 tấn mỗi đơn vị.  

Viện Nghiên cứu Ngô đã có hai giống sản xuất thử, một giống được công nhận chính thức là VN 5885. Nếu VN 5885 thuộc vào dạng "nồi đồng cối đá" có tính thích ứng rộng, chống chịu tốt trong điều kiện bất thuận nhưng năng suất tối đa chỉ 50-60 tấn/ha thì LVN 146 năng suất có thể đạt 70-75 tấn/ha, thuộc vào loại top nhất bây giờ, đang phát triển mạnh ở Bình Định nhưng lại là giống “con nhà giàu”, khả năng thích ứng không rộng, ưa thâm canh.

Thác ghềnh cản lối

Trung tâm Ngô sông Bôi trực thuộc Viện giờ đổi hướng, không sản xuất ngô hạt nữa mà chuyển sang ngô sinh khối, mỗi năm sản xuất mấy ngàn tấn thân xanh mà không có để mà bán vì trại nuôi bò nào cũng cần, cung cấp từ Thái Bình, Thanh Hoá đến Hoà Bình. Hiệu quả tính ra gấp rưỡi so với sản xuất ngô hạt.

Tuy nhiên, do quy mô của sản xuất thức ăn sinh khối lẫn chăn nuôi đại gia súc bây giờ vẫn còn quá khiêm tốn nên có nhiều hạn chế. Giống như sản xuất ngô lấy hạt đang “chết” vì sự manh mún, không cơ giới hóa để giảm giá thành được thì ngô sinh khối cũng tương tự.

Nếu đưa cơ giới hoá vào mỗi ngày có thể gieo vài chục ha, đến ngày thứ 70-75 sẽ thu hoạch được mấy chục ha đó, nhưng bây giờ nếu để cho nông dân làm thủ công thì vài chục ha gieo mất nửa tháng. Hôm nay người này gieo, ngày mai người kia gieo cho nên cây không đồng đều về thời gian sinh trưởng, chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trọng của đàn bò. 

Những trại bò lớn hầu hết phải nhập cỏ khô đã được chế biến còn sản xuất của nông dân chỉ mua thêm phối trộn bổ sung để sản xuất theo đúng kế hoạch. Cũng như một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất mỗi ngày cỡ cả ngàn, vài ngàn tấn mà đi mua gom ngô hạt của Việt Nam thì lấy đâu ra đủ đành phải nhập.

Đã thế hàng nhập vừa bảo đảm đúng số lượng, chủng loại, chất lượng vừa có giá cả cạnh tranh nên giờ con lợn từ thức ăn đến con giống chiếm thị phần lớn, chi phối là C.P chứ không phải các nông hộ, gia trại nhỏ.

Một đàn bò Úc nuôi vỗ béo ở Hải Phòng như thế này, dùng hàng tấn thức ăn thô xanh mỗi ngày. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một đàn bò Úc nuôi vỗ béo ở Hải Phòng như thế này, dùng hàng tấn thức ăn thô xanh mỗi ngày. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xu thế ngô sinh khối trên thế giới với các nước nhiệt đới không nói làm gì vì không quá quan trọng nhưng với các nước vùng Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc kể cả Trung Quốc thì rất cần. Trung Quốc muốn thay thế một phần lượng thịt bò nhập khẩu và chuyển đổi một phần thịt lợn sang bò thì phải trồng cây sinh khối, phía Bắc chủ yếu trồng lúa mỳ còn phía Nam trồng các giống ngô phát triển thân, lá nhanh.

Đặc biệt Nhật Bản và Hàn Quốc bây giờ đã có nhiều công ty sang Việt Nam đã đầu tư sản xuất ngô sinh khối ủ chua, ép thành bánh xuất ngược về, chủ yếu diễn ra ở trong Nam mà thủ phủ là Đồng Nai. 

Thành thực mà nói, họ chủ yếu dùng giống của Syngenta còn giống của nội chưa tiếp cận được do năng lực bán hàng của cán bộ còn yếu, mối quan hệ còn ít. Ngay cả vùng bò sữa lớn nhất phía Bắc là Sơn La tình trạng cũng tương tự với sự áp đảo thuộc về đối thủ ngoại.

Những điều lưu ý

Với những người muốn sản xuất ngô sinh khối ông Cường lưu ý ba điều: Một là không phải giống chuyển gen vì khi xuất khẩu tất cả giống chuyển gen kiểm nghiệm thấy đều loại hết; Thứ hai là không phun thuốc trừ sâu từ đầu đến cuối bởi nếu không, những con bò ăn vào sẽ có dư lượng trong sữa, trong thịt. Người Nhật Bản, Hàn Quốc phải chọn khoanh từng vùng trồng ngô sinh khối, ký hợp đồng với từng hộ để đảm bảo cho điều này. 

Cuối cùng là giống ngô đó phải đủ hàm lượng dinh dưỡng ở giai đoạn chín sữa hoặc chín sáp (70 đến 75 ngày).  

Bổ sung thức ăn cho bò Úc tại một trại ở Ninh Bình bằng ngô sinh khối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bổ sung thức ăn cho bò Úc tại một trại ở Ninh Bình bằng ngô sinh khối. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Bây giờ trong siêu thị, nhà hàng toàn thịt bò đông lạnh nhập khẩu, còn thịt bò tươi của ta chỉ có mấy miếng bán ở ngoài chợ.

Bởi thế, theo tôi phải điều tra năng lực sản xuất của các trại bò cộng với điều tra thị trường xem hai cái đó có gặp nhau không. Nếu giá thành sản xuất của chúng ta mà đắt hơn nhập thì đương nhiên là người ta nhập thôi.

Chính sách cần thúc đẩy lúc này theo tôi là Nhà nước nghiên cứu cho người dân, doanh nghiệp sở hữu, chuyển nhượng ruộng đất đến mức độ nào, bởi đó là tư liệu sản xuất rất quan trọng. Có cho chuyển nhượng, dồn ruộng đất mới tạo điều kiện cho tích tụ lớn.

Khi có tích tụ đủ quy mô mới đầu tư được trang trại lớn, cơ giới hoá, tự động hoá được chứ với cách làm như này, hạ tầng như này thì không bao giờ phát triển được”, ông Cường nhấn mạnh.

Trồng ngô sinh khối thời gian thu hoạch chỉ 70-80 ngày, ngắn hơn so với ngô lấy hạt 20-30 ngày nên 1 năm được 3 vụ, có thể cho lãi từ 1,5-2 lần.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Hà Nội ra quân bắt chó thả rông, phòng ngừa bệnh dại

Trong ngày 20/4, đội xử lý chó thả rông phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) ra quân xử lý vi phạm liên quan đến việc để chó thả rông, không rọ mõm.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm