| Hotline: 0983.970.780

Trồng ngô sinh khối, đón niềm vui mới

Thứ Hai 17/06/2019 , 14:35 (GMT+7)

Những ngày này, nông dân tại các vùng trồng ngô của Nghệ An như Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ... đang bước vào mùa thu hoạch trong niềm vui mới.

Mấy năm gần đây, nông dân tại các huyện này chủ yếu trồng ngô sinh khối, thu hoạch cả cây bán cho các trang trại chăn nuôi bò sữa. Đầu ra ổn định, thu nhập tăng lên nên bà con rất phấn khởi, nhất là khi họ tìm được giống ngô cho hiệu quả cao.
 

Hướng đi mới

Những năm vừa qua, người trồng ngô lấy hạt lao đao do giá ngô xuống thấp, tỷ lệ nghịch với chi phí phân bón, công thu hoạch và bảo quản...

19-19-30_photo_1_-_thu_hoch_ngo_sinh_khoi_ti_nghi_thun_thi_ho_nghe_n
Thu hoạch ngô sinh khối tại xã Nghĩa Thuận, TX Thái Hòa, Nghệ An.

Thời tiết diễn biến bất thường cùng với việc phải cạnh tranh với ngô nhập khẩu ngay trên "sân nhà" khiến ngô thương phẩm có phần "thất thế".

Nhiều hộ đã bỏ vụ hoặc có ý định chuyển hẳn sang loại cây trồng khác. Thật may là trong lúc đang loay hoay tìm giải pháp, họ biết đến giống ngô sinh khối và chuyển sang hướng đi mới này.

Chia sẻ với chúng tôi, nông dân Hồ Ngọc Quang, xã Diễn Trung, Diễn Châu cho biết trước đây ông chỉ trồng ngô lấy hạt nhưng qua tìm hiểu, nhận thấy trồng ngô lấy cây cho thu nhập cao hơn nên từ đó, ông dành phần lớn diện tích để trồng ngô sinh khối.

Ông kể: “Trước đây mỗi khi đến vụ thu hoạch, chúng tôi vất vả lắm. Vừa thu hoạch vừa phóng hạt ra phơi, rồi lại làm đất chuẩn bị vụ sau. Chưa kể giá ngô hạt rất bấp bênh do phải cạnh tranh với ngô nhập khẩu, rồi bị thương lái cứ ép giá. Giờ với ngô sinh khối thì các đội thu mua của các trang trại nuôi bò đến tận ruộng cắt cây mang về, chúng tôi chẳng phải lo bị ép giá hay thiếu nhân công đúng vụ thu hoạch nữa".

Điều khiến người nông dân lựa chọn phương pháp trồng ngô lấy sinh khối là rút ngắn được thời vụ, có thể bố trí tăng 1-2 vụ sản xuất trên năm. Nếu trồng ngô lấy hạt thời gian cho thu hoạch từ 110-125 ngày thì trồng ngô sinh khối chỉ sau 80-90 khi bắp cuối chín sữa và bắt đầu bước vào giai đoạn chín sáp là thu hoạch được.

Ngoài ra, trồng ngô sinh khối đầu ra và giá cả ổn định hơn, trung bình các trang trại cam kết giá thu mua tối thiểu 900đ/kg tươi. Như trồng ngô NK7328 thì năng trung bình từ 40-60 tấn cây/ha, nông dân thu về từ 36-54 triệu đồng, cao hơn so với để lấy hạt từ 10-12 triệu đồng/ha mà thời vụ rút ngắn được 30-45 ngày.

Việc rút ngắn thời vụ, không chỉ giảm nguy cơ rủi ro do điều kiện thời tiết, thiên tai mà còn có thể tăng vụ sản xuất, tăng thêm thu nhập và đặc biệt là giảm đáng kể lượng phân bón, do thời điểm cây ngô từ chín sáp đến chín hoàn toàn là giai đoạn sử dụng rất nhiều dinh dưỡng, làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất. Ngoài ra bán cây còn giảm được công thu hoạch, tách hạt và bảo quản.

Hiện nay, ở Nghệ An và Hà Tĩnh có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk (Hương Sơn, Hà Tĩnh và Nghĩa Đàn, Nghệ An) và 1 trang trại của TH True milk tại Nghĩa Đàn, Nghệ An và một số trang trại chăn nuôi bò thịt khác. Do đó nhu cầu sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn rất lớn.

Không chỉ các địa phương miền Trung là "địa bàn" của ngô sinh khối, mà cao nguyên Mộc Châu ở Sơn La, hay một số vùng của tỉnh Đồng Nai và Tây Nguyên như Đà Lạt cũng thích hợp cho việc trồng giống ngô này.

Cùng với việc phát triển đàn bò sữa, bò thịt chất lượng cao, nhu cầu thức ăn xanh tại Mộc Châu ngày một tăng lên. Nắm bắt được nhu cầu này, bà con nông dân đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô dày lấy thân làm thức ăn cho bò. Cách làm này góp phần gia tăng giá trị kinh tế đối với cây ngô và đảm bảo nguồn lương thực dự trữ quanh năm cho đàn gia súc.

Hiện nay, việc trồng ngô làm thức ăn ủ ướp đang đem lại thu nhập gấp đôi cho người nông dân trong khi những chủ trang trại bò sữa chủ động được nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng với giá thành hợp lý.

"Mỗi ngày, cả đàn bò ăn đến hàng tấn thức ăn thô xanh. Nhờ hố ủ ướp này, chúng tôi chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi, giảm được nhân công lao động lại tiết kiệm được chi phí đầu vào," ông Hoàng Văn Tuyến ở tại nông trường Mộc Châu cho biết.

Gia đình ông Tuyến trồng 3 ha ngô để ủ ướp thức ăn cho bò. Bình thường, nếu trồng ngô lấy hạt, nông dân ở đây chỉ có được một vụ thu hoạch duy nhất trong năm. Khi trồng ngô làm thức ăn ủ ướp, mỗi năm ông trồng được 2 vụ, thời gian trồng ngô làm thức ăn cho bò ngắn hơn, chỉ khoảng trên dưới 90 ngày, mật độ cây trồng dày hơn, chi phí đầu vào thấp nên nguồn lợi thu về từ đồng ruộng cũng tăng lên đáng kể.

“Giá 1 kg thân, lá, bắp ngô tươi luôn ở mức từ 900-1.000 đồng. 1 ha ngô trồng làm thức ăn ủ ướp có thể thu về 55-70 tấn/vụ, đem lại thu nhập 48-70 triệu đồng, cao hơn 15-17 triệu đồng so với trồng ngô lấy hạt”, ông Tuyến nói.

Cây ngô ủ chua dự trữ được trên 6 tháng đã giải quyết được tình trạng khan hiếm thức ăn xanh của trâu, bò trong vụ Đông. Với bò sữa, cây ngô ủ chua đã thay thế được 48% cỏ xanh trong khẩu phần (tính theo vật chất khô) và chiếm 20,6% chất khô của khẩu phần đã làm giảm chi phí thức ăn được 8-10% mà không hề ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng sữa.
 

Nhất cử lưỡng tiện

Vươn lên trở thành hộ khá nhờ trồng ngô sinh khối, ông Vũ Huy Thức, xã Đông Hiếu, Thái Hòa, Nghệ An kể rằng cũng chẳng phải tự nhiên mà ông có được ngày hôm nay. Trong những năm qua ông đã thử nhiều loại giống khác nhau, có vụ đến lúc thu hoạch, lá bắp cằn cỗi, vàng úa, thương lái đến cứ lắc đầu ngao ngán rồi bỏ đi mua nơi khác. Lại có những vụ thu hoạch, cây bắp yếu ớt, cho sinh khối thấp nên lời lãi chẳng được là bao.

Trăn trở mãi, sau nhiều lần thử nghiệm và được sự hướng dẫn tập huấn kỹ thuật của các cán bộ nông nghiệp, ông Thức mới tìm được giống ngô ưng ý. Đó là giống NK7328 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam với khả năng cho sinh khối lớn, khi thu hoạch lá còn xanh tốt, trồng được với mật độ dày nên năng suất cao.

Ông cho biết: "Mỗi vụ tôi trồng tới 2,5 ha ngô NK7328 của Syngenta để lấy sinh khối bán cho Vinamilk. Đến vụ thu hoạch rồi mà lá vẫn còn xanh. Tính trung bình trồng ngô lấy cây lãi hơn trồng bắp lấy hạt khoảng hơn 10 triệu đồng/ha. Một ưu điểm của giống ngô NK7328 là lấy hạt hay lấy cây đều tốt. Cây cao, xanh tốt, bắp to... Bà con vẫn có thể trồng lấy hạt nếu như giá bắp lên cao. Thật sự là nhất cử lưỡng tiện", ông Thức nói.

19-19-30_photo_2_-_voi_giong_nk7328_nong_dn_vn_co_thu_hoch_ngo_ly_ht_neu_gi_ngo_thuong_phm_len_co
Với giống NK7328 bà con vẫn có thể thu hoạch lấy hạt.

Những năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài nên người trồng ngô cũng thêm phần vất vả. Có những ngày nóng đến 40 độ C, bà con mướt mồ hôi ở ngoài đồng. May mắn là bà con được các kỹ sư của Syngenta Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách sử dụng thuốc BVTV đúng thời điểm... nên dù thời tiết “đỏng đảnh” khó lường, ruộng ngô vẫn cho năng suất vẫn tốt, thu nhập cao, bù đắp cho nỗi nhọc nhằn của họ.

Ông Nguyễn Xuân Vân, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt & BVTV Anh Sơn, Nghệ An cho biết: “Anh Sơn là huyện có diện tích trồng ngô lớn nhất tỉnh Nghệ An, mỗi vụ gieo trồng hơn 2.000 ha. Giống ngô NK7328 là giống chủ lực, đã được trồng tại Anh Sơn trong 5-6 năm nay.

Trong bộ giống ngô lấy sinh khối để bán làm thức ăn chăn nuôi, NK7328 thuộc tốp đứng đầu. Giống ngô này thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất sinh khối lớn, trung bình từ 50-55 tấn/ha.

Đặc biệt, không chỉ năng suất sinh khối lớn mà năng suất hạt cũng lớn nếu để lấy hạt. Trọng lượng bắp tươi lúc thu hoạch sinh khối cao, bộ lá xanh, sạch bệnh, ít hao hụt khi thu hoạch, vận chuyển nên người thu mua cây rất thích và được nông dân ở đây tin tưởng chọn mặt gửi vàng”.

Ông Vân cũng cho biết, tại Nghệ An hiện có một số trang trại bò sữa lớn nên cũng như các huyện khác, huyện Anh Sơn cũng định hướng, xây dựng và quy hoạch vùng nguyên liệu để cung cấp sinh khối cho các trang trại. Việc có những giống ngô tốt giúp bà con yên tâm sản xuất, cộng thêm đầu ra ổn định, bà con không còn lo sợ "điệp khúc" được mùa mất giá như thường xảy ra trước đây nữa.

Chia sẻ tâm tư của người nông dân, ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Kinh doanh bộ phận Hạt giống, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cho biết, các giống ngô của Syngenta khi được đưa ra thị trường đã được đông đảo bà con nông dân đánh giá rất cao bởi năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Tuy nhiên, ngoài việc chọn giống tốt, để phát huy năng suất tối ưu của giống, bà con cũng cần bón phân hợp lý và khoa học, tưới tiêu và chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

"Các kỹ sư nông nghiệp của Syngenta Việt Nam luôn đồng hành cùng bà con trên đồng ruộng, giúp bà con đưa ngô sinh khối từ đồng ruộng đến trang trại để làm thức ăn cho bò, từ đó thu được những dòng sữa mát lành, an toàn cho mọi người", ông Nguyễn Huy Cường.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.