| Hotline: 0983.970.780

Ngỡ ngàng mô hình trồng rau má sạch thu tỷ đồng/năm

Chủ Nhật 08/10/2017 , 07:10 (GMT+7)

Nhận thấy cây rau má dễ trồng lại ổn định đầu ra, ông Hà Ngọc Phi (55 tuổi, ở thôn Trung Phú 2, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã mạnh dạn đầu tư trồng 8 sào rau má sạch, mỗi năm thu về gần 1 tỷ đồng.

Tìm đến trang trại rau sạch của ông Phi mới thấy sự cần cù chịu khó của người nông dân “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Đã sang trưa nhưng vợ chồng ông Phi vẫn cần mẫn nhặt cắt từng cây cỏ ra khỏi vườn. Vườn rau má gần thu hoạch của ông đang xanh tốt, báo hiệu một mùa bội thu.

07-50-17_nh_1
Vườn rau má xanh tốt của ông Phi

Trước đây ông Phi là dân buôn bán rau củ đi bỏ ở các chợ. Nhưng làm cực lực cả đêm ngày vẫn không đủ ăn. Nhận thấy cây rau má rất được các chợ ưa dùng, và bãi bồi bên kia sông Thu Bồn (xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn) rất màu mỡ. Ông Phi bàn với vợ bỏ nghề buôn bán, mạnh dạn thuê đất trồng.

Ông Phi cho biết, gia đình ông gắn bó với nghề trồng rau má này đã được 6 năm. Lúc đầu, do chưa nắm được kỹ thuật trồng nên rau phát triển chậm năng suất rất thấp. Vừa trồng vừa học qua sách báo, chịu khó chăm sóc nên rau má dần phát triển ổn định, gia đình ông thu được những thành quả ban đầu. Ông Phi mạnh dạn thuê đất của các hộ gia đình khác để trồng thêm, đến nay được 8 sào.

Theo ông, rau má có sức sống mạnh, là loại cây ít sâu bệnh, sau khi thu hoạch tiếp tục tưới nước, bón phân, một tháng sau sẽ cho lứa thu hoạch tiếp theo và có thể khai thác trong nhiều năm. Gia đình ông Phi trồng rau má quanh năm, trồng trong 1 tháng có thể cho thu hoạch với sản lượng 600 - 700kg/sào, với giá bán 22.000 - 25.000 đồng/kg, thu nhập từ mỗi sào lên tới 17 - 18 triệu đồng.

Nhờ sự mày mò và cũng là dân buôn bán, ông đã ký hợp đồng với Cty NSB Thực phẩm an toàn và chuỗi hệ thống siêu thị tại Đà Nẵng. Sau khi thu hoạch ông vận chuyển rau má đi giao hàng, trung bình mỗi ngày ông cung cấp gần 200kg.

“Những hợp đồng với các công ty rau sạch giúp chúng tôi ổn định đầu ra, nhưng cũng là gánh nặng cho gia đình hơn. Vì trồng rau sạch nên, tuyệt đối không lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu để phun, mà sử dụng chế phẩm sinh học để trừ sâu. Khi phát hiện rau má nhiễm sâu, tôi say nhỏ ớt, gừng, tỏi. Sau đó ngâm với rượu hơn 20 ngày, rồi phun lên rau, trị được tất cả các loại sâu bệnh”, ông Phi tâm sự.

07-50-17_nh_2
Ông Phi chăm sóc vườn rau của mình

Là người đầu tiên trồng rau má tại địa phương, khi nhiều người đến học hỏi mô hình trồng rau của mình ông luôn sẵn sàng giúp đỡ. Theo ông Phi, trồng rau má không khó, cái khó là ở chất lượng và độ an toàn của rau khi cung cấp ra thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó cần có sự chịu khó và phải chăm sóc rau theo đúng quy trình.

“Còn chưa được 5 ngày nữa là ruộng rau đến độ thu hoạch chính, nhưng gia đình tôi đang đứng ngồi không yên. Khi cơn áp thấp nhiệt đới gần tới, thu hoạch sớm sợ không đảm bảo chất lượng. Nhưng không thu hoạch, khi lũ về chỉ sau một đêm, cánh đồng sẽ ngập trắng xóa, bùn non lấp hết rau. Lúc đó lại không cung ứng được sản phẩm cho các công ty, dễ mất uy tín”, ông Phi lo lắng chia sẻ.

Bên cạnh trồng rau má, ông Phi còn trồng các loại rau khác như mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, đậu bắp… trên diện tích 1,4 mẫu. Nhờ áp dụng phương pháp trồng rau sạch, mỗi năm ông thu lãi hơn 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất. Vừa làm giàu cho gia đình, ông Phi còn tạo công ăn việc làm cho 10 nhân công làm quanh năm, tại trang trại rau của mình với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất