| Hotline: 0983.970.780

Ngô sữa lợi hơn ngô già

Thứ Tư 06/04/2011 , 10:32 (GMT+7)

Thu nhập trồng ngô sữa cao hơn so với thu hoạch bắp già lấy hạt khoảng 100.000 đồng/sào, giảm phí thu hoạch, tách hạt khoảng 100.000 đồng/sào, rút ngắn thời gian trồng ngô khoảng 30 ngày.

Mới đây Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) tỉnh Bình Định cùng với Trạm Khuyến nông huyện Tây Sơn tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trồng ngô lai giống mới trong vụ đông xuân 2010-2011 tại thôn Thủ Thiện Hạ, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn.

Mô hình có diện tích 2 ha, trồng giống ngô SSC 586 do Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam cung ứng, có những đặc điểm cơ bản: sinh trưởng mạnh, thời gian sinh trưởng trong vụ đông xuân khoảng 105 ngày, thân cao, lá to xanh đậm, tỷ lệ hạt cao (khoảng 80%), kháng sâu bệnh, năng suất trung bình từ 6-8 tấn/ha, thâm canh có thể đạt 10-12 tấn/ha.

Mô hình áp dụng qui trình kỹ thuật do Sở NN- PTNT Bình Định ban hành: xuống giống ngày 9/1/2011, lượng giống gieo trồng: 2kg hạt giống/500 m2 (khoảng 71.000 cây/ha), lên luống vét rãnh trồng theo hàng đơn để thuận tiện chăm sóc và tưới thấm. Tại thời điểm hội thảo (ngày 31/3/2011) cây ngô đã có thời gian sinh trưởng 80 ngày, sinh trưởng đồng đều, cây cao, bắp dài, hạt đang vào chín sữa, hầu như không sâu bệnh, năng suất ước đạt 6 tấn/ha, lãi khoảng 8 triệu đồng/ha. Từ kết quả đạt được, hầu hết đại biểu và bà con nông dân đều phấn khởi, tin tưởng và mở rộng gieo trồng giống ngô lai mới và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật đã áp dụng trong mô hình.

Điều thú vị là, được sự đồng ý của lãnh đạo Sở NN- PTNT tỉnh Bình Định, ngay tại hội thảo đại diện Công ty Sữa Bình Định đã ký hợp đồng mua hết sản lượng cây ngô bắp còn non (ngô sữa) trên diện tích làm mô hình với giá 900 đồng một kg để làm thức ăn cho bò sữa. Với sản lượng ước tính đạt 2.100 kg một sào (42 tấn/ha), người trồng ngô thu nhập khoảng 1,9 triệu đồng/sào (38 triệu đồng/ha), cao hơn so với thu hoạch bắp già lấy hạt khoảng 100.000 đồng/sào (2 triệu đồng/ha), giảm chi phí công thu hoạch tách hạt khoảng 100.000 đồng/sào, rút ngắn thời gian trồng ngô khoảng 30 ngày để có điều kiện tăng vụ và luân canh cây trồng, giảm áp lực nước tưới.

Hiện tại Công ty Sữa Bình Định có 900 con bò sữa, nhu cầu thức ăn thô xanh là rất nhiều. Sắp tới đàn bò sữa của Công ty sẽ lên qui mô khoảng 2.000 con, nhu cầu thức ăn lại càng nhiều và việc đầu tư phát triển vùng thức ăn thô xanh cho bò là một trong những yêu cầu “sống còn” với Công ty, nhất là trong điều kiện cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt. Vì vậy người trồng ngô tại huyện Tây Sơn nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung chỉ lo không có ngô sữa bán chứ không lo không có ai mua. Hơn nữa thức ăn cây ngô sữa sẽ nâng cao đáng kể năng suất và chất lượng sữa bò để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Công Đình - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Tây Sơn thì đây là một hướng làm mới để nâng cao thu nhập của hộ nông dân. Từ kết quả mô hình, sắp tới Trạm khuyến nông sẽ tham mưu đề xuất lãnh đạo huyện cho áp dụng rộng rãi mô hình tại địa phương gắn với việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cây trồng trên những chân đất ruộng cao theo công thức luân canh: lúa-lúa-ngô sữa; ngô sữa-ngô sữa-lúa, gieo trồng những giống lúa ngắn ngày năng suất cao để vừa tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, vừa kết thúc sản xuất vụ 3 (vụ mùa) trước tháng 10 dương lịch tránh được mưa lũ và đỡ vất vả.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.