| Hotline: 0983.970.780

Ngồi trong vườn livestream bán nông sản khắp nước

Thứ Hai 03/01/2022 , 09:05 (GMT+7)

Những nông dân từ chỗ không biết máy tính, chẳng có email giờ đã tự tin lên sóng, livestream ngay tại vườn để bán nông sản qua sàn thương mại điện tử.

Nhân viên Bưu điện Việt Nam về tận vườn hướng dẫn nông dân sử dụng sàn thương mại điện tử.

Nhân viên Bưu điện Việt Nam về tận vườn hướng dẫn nông dân sử dụng sàn thương mại điện tử.

Đi từ con số 0

Ra đời từ đầu năm 2019, đến nay sàn Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã trở thành một trong những kênh phân phối, tiêu thụ nông sản trong hệ thống thương mại điện tử của Việt Nam. Đây là kết quả của quá trình cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân trong nhiều năm, nhiều mùa vụ của các chuyên gia thuộc Ban Nghiên cứu phát triển thương hiệu, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Từ trước khi Postmart.vn ra đời, vào khoảng năm 2017-2018, với định hướng tập trung vào nông sản và các sản phẩm OCOP, các chuyên gia của Vietnam Post đã làm việc với đội ngũ nhân viên của bưu điện các tỉnh, huyện để tiếp cận người nông dân.

“Thông qua hệ thống bưu điện tỉnh, chúng tôi xin tham gia vào những buổi làm việc của các hợp tác xã, các hội thảo đầu bờ để giới thiệu về tính năng và lợi thế khi tham gia sàn Postmart.vn so với bán hàng truyền thống cho bà con”, anh Nguyễn Đăng Hùng, chuyên gia đào tạo của Vietnam Post chia sẻ.

Giai đoạn tiếp cận ban đầu bao giờ cũng khó khăn nhất, khi đó đa số bà con nông dân đều chưa nhận thức được kinh doanh online, bán hàng trên sàn thương mại điện tử là gì nên rất nghi ngại về tính hiệu quả của chuyển đổi số. Nhiều người còn tỏ ra hoài nghi, nghĩ bán hàng online sẽ bị lừa vì không phải “tiền trao, cháo múc” như trước đây mà gửi hàng đi vài ngày sau mới biết tiền có vào tài khoản hay không.

Nhớ lại những ngày đầu, anh Hùng nói: “Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, bà con không biết email là gì, tài khoản ngân hàng ra sao nên có thể nói chúng tôi phải bắt đầu từ con số 0. Để người nông dân chuyển từ bán cất cả vườn cho thương lái sang bán lẻ trên Postmart.vn là điều không hề dễ dàng”.

Chưa kể, có nơi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Sơn La, Lạng Sơn thì cần có những “phiên dịch viên” là cán bộ Bưu điện văn hóa xã đi cùng để hỗ trợ trong quá trình đào tạo. Hay những khác biệt về tên gọi như quả roi/quả mận cũng phải thay đổi cho phù hợp cho từng vùng.

Anh Nguyễn Đăng Hùng, chuyên gia đào tạo thuộc Ban Nghiên cứu phát triển thương hiệu của Vietnam Post. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Nguyễn Đăng Hùng, chuyên gia đào tạo thuộc Ban Nghiên cứu phát triển thương hiệu của Vietnam Post. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau khi giúp người dân hiểu được hiệu quả mà thương mại điện tử đem lại, các chuyên gia của Vietnam Post lại tiếp tục cầm tay chỉ việc, hướng dẫn người nông dân cách tạo gian hàng, đưa nông sản lên sàn và học cách bán hàng trực tuyến.

Sau hơn 2 năm tiếp cận, hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, đến nay các chuyên gia của Vietnam Post đã rút kinh nghiệm, tự soạn ra một giáo trình tương đối hoàn chỉnh cho hoạt động này.

Theo đó, điều quan trọng nhất, ưu tiên nhất là phải tiếp cận, giải thích cho người nông dân hiểu được lợi ích khi lên sàn, đó là giảm được chi phí trung gian, đó là nhận được sự hỗ trợ của Vietnam Post, đó là đón đầu xu hướng kinh doanh trong bối hiện nay…

Tiếp theo, các chuyên gia sẽ giải thích cặn kẽ tất cả những thắc mắc của bà con trước khi bước sang giai đoạn thực hành, hướng dẫn tỉ mỉ cho đến khi người nông dân có thể thao tác thành thạo trên máy tính, điện thoại của mình.

Chưa hết, sau khi các sản phẩm được đưa lên sàn, các nhân viên của Vietnam Post sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ trong trường hợp cần thiết và tổ chức quảng bá giúp qua các kênh thông tin trên internet.

Nông dân Bắc Kạn được đào tạo cách livestream bán hàng trực tuyến bởi chuyên gia của Vietnam Post.

Nông dân Bắc Kạn được đào tạo cách livestream bán hàng trực tuyến bởi chuyên gia của Vietnam Post.

Về vườn để hiểu nông sản, nông dân

Xuất phát là những nhân viên trong ngành bưu điện, thương mại điện tử nên để hiểu hơn về nông dân, nông sản các chuyên gia đào tạo của Vietnam Post phải tự mình thu nạp kiến thức và cách thu nạp hiệu quả nhất là về với dân.

Ví dụ, với sản phẩm na của huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), địa điểm canh tác đa phần trên các sườn núi đá rất khó tiếp cận, chưa kể lại là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên công cuộc đưa na lên sàn rất gian nan.

“Khi tổ chức tập huấn, ban đầu bà con rất ít tham gia, phần vì chưa tin tưởng, phần vì đi lại khó khăn, bận mùa vụ. Chúng tôi phải chuyển sang tổ chức buổi tối hoặc đi đến từng nhà để trao đổi với bà con, rải người đi làm ròng rã nhiều tháng thì bây giờ các nông sản của Lạng Sơn đã dẫn đầu trên cả nước về số lượng gian hàng, số lượng sản phẩm lên sàn và lượng tiêu thụ trên Postmart.vn”, anh Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm khi buôn bán trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là nông sản, thực phẩm tươi sống thì mỗi loại lại cần có cách thu hoạch, đóng gói riêng.

Nhân viên Vietnam Post cùng bà con nông dân chụp ảnh sản phẩm cho gian hàng trên Postmart.vn.

Nhân viên Vietnam Post cùng bà con nông dân chụp ảnh sản phẩm cho gian hàng trên Postmart.vn.

Năm 2021 vừa qua, vải thiều, nhãn lồng là các nông sản được tiêu thụ mạnh trên Postmart.vn và để làm tốt thương mại điện tử cho 2 loại quả này, các nhân viên của Vietnam Post phải dành hàng tháng đến vườn tìm hiểu trước khi vào vụ chính.

Trong khi vải thiều có tính nóng, thu hoạch xong phải đóng thùng xốp lạnh vận chuyển bằng xe lạnh thì nhãn lồng lại kỵ nước, thu hoạch cần lót bạt, hong khô và có thể vận chuyển bằng xe thường.

Đây có thể là những điều rất đơn giản với người nông dân nhưng các chuyên gia về thương mại điện tử của Vietnam Post lại phải mất 2-3 tuần tìm hiểu, làm quen mới có thể nắm rõ để vận hành Postmart.vn hiệu quả trong vụ vải, nhãn năm 2021 vừa qua.

“Với mỗi nông sản, mỗi vụ mùa, mỗi địa phương chúng tôi đều phải cho chuyên gia về “nằm vùng” tìm hiểu, học hỏi từ bà con nông dân rồi mới lên kế hoạch chi tiết để triển khai bán hàng”, đại diện thuộc Ban Nghiên cứu phát triển thương hiệu chia sẻ.

Tính đến đầu tháng 12/2021, sau hơn 4 tháng triển khai kế hoạch 1034 của Bộ TT-TT, Vietnam Post đã hỗ trợ đưa 2,5 triệu hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, hỗ trợ tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản.

Vietnam Post cũng mở các lớp tập huấn trực tiếp và online, hướng dẫn người nông dân, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh làm quen với cách thức kinh doanh trên sàn. Tính đến nay Vietnam Post đã trực tiếp đào tạo cho người nông dân tại các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Thái Nguyên...

Vietnam Post định hướng phát triển Postmart.vn trở thành nền tảng thương mại điện tử của người Việt – cho người Việt uy tín nhất Việt Nam, đồng thời là cầu nối giữa nhà cung cấp, cửa hàng, doanh nghiệp với khách hàng nhằm tối đa hóa lợi ích cho cả người bán và người mua.

Đơn vị xác định mũi nhọn phát triển của Postmart.vn là chuyên cung cấp các sản phẩm nông sản Việt cũng như đặc sản vùng miền theo các tiêu chí “An toàn - Chất lượng - Tiện lợi”.

Ưu tiên hàng đầu hiện nay của Vietnam Post là phát triển các “cửa hàng số” cho hộ gia đình trên không gian mạng nói chung và sàn Postmart.vn nói riêng. Thông qua những cửa hàng này có thể tìm kiếm khách hàng, kết nối người bán và người mua; dựa trên hệ thống định vị địa chỉ số để xác định nguồn gốc sản phẩm, phát triển tài khoản thanh toán điện tử qua đó hình thành hệ sinh thái số gồm website bán hàng, ứng dụng bán hàng trên smartphone, cổng truy xuất nguồn gốc bảo hộ thương hiệu…

Trong tương lai, sàn Postmart.vn sẽ không chỉ giúp cho các nhà cung cấp, hộ sản xuất nông nghiệp tạo dựng được thương hiệu riêng để nâng cao giá trị hàng hóa mà còn là bước đột phá giúp 23 triệu hộ gia đình tiếp cận gần hơn với công nghệ số, qua đó trở thành nền tảng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của người dân, thúc đẩy quá trình số hóa nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng công dân số, quốc gia số.

Xem thêm
Ngành tôm toàn cầu sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024

Các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có sự cải thiện nhẹ về nhu cầu tiêu thụ tôm, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hải Phòng khởi công dự án sản xuất vật liệu phân hủy hơn 2 nghìn tỷ

Đây là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng 69 năm ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm