| Hotline: 0983.970.780

Ngóng chờ 'siêu công trình thủy lợi'

Thứ Hai 03/05/2021 , 07:27 (GMT+7)

Cống Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành sẽ mang lại cuộc sống mới cho người dân vùng hưởng lợi, sản xuất hiệu quả hơn khi nguồn nước được kiểm soát.

Kiểm soát nguồn nước liên vùng

Đầu tháng 2/2021, hai cánh cửa van bằng thép của cống Cái Bé được những cánh tay thủy lực từ từ hạ xuống. Cùng với đó là cánh cửa âu thuyền của công trình này cũng được đóng lại. Cống Cái Bé đi vào vận hành đúng vào cao điểm mùa khô, kiểm soát nguồn nước, không cho nước mặn từ biển Tây xâm nhập vào nội đồng.

11 cánh cửa van của cống Cái Lớn lần lượt được các chuyên gia hoàn thành, lắp ráp vào vị trí, sớm đưa công trình vào vận hành. Ảnh: Trung Chánh.

11 cánh cửa van của cống Cái Lớn lần lượt được các chuyên gia hoàn thành, lắp ráp vào vị trí, sớm đưa công trình vào vận hành. Ảnh: Trung Chánh.

Đó là tin vui lớn đối với hàng ngàn hộ nông dân sống cặp theo con sông Cái Bé nằm uốn lượn từ Kiên Giang qua tới Hậu Giang. Một vùng đất lúa, tôm - lúa, cây ăn trái rộng cả chục ngàn ha sẽ được điều tiết nước theo các hình thức sản xuất ngọt, mặn, lợ, ngọt - lợ luân phiên. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân được bảo vệ tốt hơn trước những tác động bất lợi của thời tiết, biến đổi khí hậu.

Song song đó, 11 cánh cửa van của cống Cái Lớn, cũng lần lượt được các chuyên gia hoàn thành. Mỗi cửa van có chiều dài 40m, cao 9m, nặng hơn 200 tấn được các xà lan siêu cần cẩu đưa từ bờ ra sông lắp ráp vào vị trí định trước. Những cánh tay thủy lực không lồ sẽ nâng cánh cửa lên, hạ xuống theo phương thẳng đứng. Dự kiến tháng 6 tới sẽ chính thức vận hành, chặn dòng sông Cái Lớn, điều tiết, kiểm soát nguồn nước.

Mỗi cửa van có chiều dài 40m, cao 9m, nặng hơn 200 tấn được các xà lan siêu cần cẩu đưa từ bờ ra sông lắp ráp vào vị trí định trước, dự kiến tháng 6 tới sẽ vận hành cống Cái Lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Mỗi cửa van có chiều dài 40m, cao 9m, nặng hơn 200 tấn được các xà lan siêu cần cẩu đưa từ bờ ra sông lắp ráp vào vị trí định trước, dự kiến tháng 6 tới sẽ vận hành cống Cái Lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, cống Cái Bé đi vào vận hành sẽ giúp điều tiết nguồn nước hiệu quả, ngăn mặn trong mùa khô, giữ nước ngọt phục vụ sản xuất cho khoảng 20 ngàn ha đất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Nhờ có công trình này mà Kiên Giang đã không phải đắp gần 130 đập tạm thời vụ ven sông Cái Bé để bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân, tiết kiệm hàng tỷ đồng ngân sách.  

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, được Bộ NN-PTNT phê duyệt quyết định đầu tư ngày 25/12/2018, với mục tiêu: Kiểm soát mặn, phát triển thủy sản ổn định vùng ven biển. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, tạo nguồn nước ngọt. Tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu chua cải tạo đất phèn. Kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ.

Sau khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành, sẽ giảm ảnh hưởng của thủy triều từ phía biển Tây nên ranh giới giáp nước dịch chuyển về phía biển Tây, tăng cường khả năng tiêu chua, thoát lũ, cấp nước ngọt cho vùng ven biển.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé kết hợp với tuyến đê biển Tây, tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng… Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Nhiệm vụ của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nhằm kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, ngọt - lợ luân phiên. Vùng hưởng lợi của dự án với diện tích tự nhiên là 384.120ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241ha.

Phát triển các mô hình sinh kế

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành sẽ tạo vùng hưởng lợi rộng lớn hàng hàng trăm ngàn ha, với điều kiện nguồn nước được kiểm soát tốt hơn. Vì vậy, các hộ dân trong vùng cần chuyển đổi phương thức sản xuất thích hợp, để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ năm 2020, các địa phương đã tích cực triển khai dự án mô hình sinh kế vùng hưởng lợi từ công trình Cái Lớn - Cái Bé, thành lập hợp tác xã, chuyển giao kỹ thuật cho người dân thực hiện.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành sẽ tạo vùng hưởng lợi rộng lớn hàng hàng trăm ngàn ha, với điều kiện nguồn nước được kiểm soát tốt hơn. Ảnh: Trung Chánh.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành sẽ tạo vùng hưởng lợi rộng lớn hàng hàng trăm ngàn ha, với điều kiện nguồn nước được kiểm soát tốt hơn. Ảnh: Trung Chánh.

Tại tỉnh Kiên Giang, các mô hình sinh kế được triển khai trên địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Châu Thành, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và Gò Quao. Tổng nguồn vốn thực hiện các mô hình là trên 51,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 28 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của các hộ dân. Thời gian hỗ trợ thực hiện trong 2 năm, từ 2020 - 2021.

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, tổng diện tích thực hiện các mô hình sinh kế là 950ha, gồm mô hình nước ngọt và ngọt - lợ luân phiên. Trong đó, cánh đồng lớn sản xuất lúa là 300ha, tôm - lúa 360ha, cây ăn trái 60ha, khóm - tôm 30ha và kinh tế 3 tầng khóm - cau - dừa 200ha.

Kiên Giang sẽ hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sinh kế, gồm mô hình nước ngọt và ngọt - lợ luân phiên, như cánh đồng lớn sản xuất lúa, tôm - lúa, tôm - khóm và kinh tế 3 tầng khóm - cau - dừa. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang sẽ hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sinh kế, gồm mô hình nước ngọt và ngọt - lợ luân phiên, như cánh đồng lớn sản xuất lúa, tôm - lúa, tôm - khóm và kinh tế 3 tầng khóm - cau - dừa. Ảnh: Trung Chánh.

Để phát huy tối đa hiệu quả, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phối hợp với các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Châu Thành, Giồng Riềng và Gò Quao, tổ chức thành lập và củng cố hợp tác xã mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình. Theo đó, sẽ tổ chức các buổi hổi thảo, hướng dẫn các đơn vị triển khai hoạt động thành lập và củng cố các hợp tác xã, hướng tới sự phát triển bền vững sau khi kết thúc dự án.

Các nội dung hỗ trợ để thành lập, củng cố hợp tác xã gồm: Tổ chức bộ máy, phương án sản xuất kinh doanh, tài chính, thị trường kinh doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, quy trình sản xuất phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…

Tương tự, tại Hậu Giang, Sở NN-PTNT tỉnh đã triển khai Dự án xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé, năm 2020-2021.

Ông Lê Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, đã triển khai xây dựng 4 mô hình sinh kế mẫu hiện có theo hướng nâng cao giá trị kinh tế. Cụ thể, mô hình khóm - khủy sản, tại xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh. Mô hình luân canh tôm - lúa và lúa - rau màu, tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ. Mô hình cây ăn trái, tại xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ.

Ngành nông nghiệp Hậu Giang đã triển khai xây dựng 4 mô hình sinh kế mẫu hiện có theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, trong đó có phát triển cây ăn trái trong vùng hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé.

Ngành nông nghiệp Hậu Giang đã triển khai xây dựng 4 mô hình sinh kế mẫu hiện có theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, trong đó có phát triển cây ăn trái trong vùng hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé.

Mô hình khóm - thủy sản, làm trình diễn với diện tích 10 ha, có 8 hộ nông dân tham gia, thực hiện hỗ trợ bơm bùn, cải tạo đất bằng vi sinh, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm. Mô hình tôm - lúa, diện tích trình diễn 12 ha, có 6 hộ nông dân tham gia, hỗ trợ nạo vét kênh mương nội đồng, xây dựng trạm bơm điện, cầu giao thông nông thôn. Mô hình lúa - rau màu, có 17 hộ nông dân tham gia, diện tích 19 ha, hỗ trợ nạo vét kênh mương, xây dựng cống, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Mô hình trồng mãng cầu xiêm, diện tích 9,6 ha, với 12 hộ, hỗ trợ nạo vét kênh mương, đắp bờ bao, hệ thống tưới nhỏ giọt.  

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang đánh giá, khi hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng hoàn chỉnh, đi vào vận hành và phát huy hiệu quả, một diện tích hưởng lợi rộng lớn sẽ được kiểm soát mặn, triều cường, lũ lụt… tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất. Do đó, cần xây dựng các mô hình sinh kế nhằm thích ứng với điều kiện mới, phát huy tối đa huy hiệu quả kinh tế từ những lợi ích mà công trình Cái Lớn - Cái Bé mang lại.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn I, được Bộ NN-PTNT phê duyệt Quyết định đầu tư năm 2018, có tổng vốn đầu 3.309,5 tỷ đồng. Quy mô, công trình cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40m và khoang âu thuyền rộng 15m. Cống Cái Bé tổng chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35m và 1 khoang âu thuyền rộng 15m. Cửa van cống và van âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Trên cống có thiết kế cầu giao thông nông thôn và đường đê nối với tuyến quốc lộ hiện hữu.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp công tác tại Trung Quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng và một số hội nghị cấp cao tại Trung Quốc.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sáp nhập nhiều xã của 4 huyện thuộc tỉnh Thái Nguyên từ 1/12

Sau khi sắp xếp, tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện; 172 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 121 xã, 41 phường và 10 thị trấn.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.