| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân Bình Định dùng công nghệ Nhật khai thác cá ngừ đại dương

Thứ Sáu 07/12/2018 , 15:50 (GMT+7)

Hướng đến mục tiêu giảm tổn thất trong khai thác thủy sản còn 10% vào năm 2020, ngư dân Bình Định đang áp dụng cách bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bằng công nghệ mới...

Hiện nay, hầm bảo quản trên tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định hầu hết rất thô sơ, được làm bằng gỗ với lớp cao su cách nhiệt và mút chống thấm. Trong khi đó, mỗi chuyến biển đánh bắt xa bờ kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng, hầm bảo quản thô sơ không thể giữ tươi được sản phẩm trong thời gian dài, số lượng cá đánh bắt được khi về bờ bị mất chất lượng, không được các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thu mua, hầu hết được bán chợ cho người tiêu dùng với giá thấp đã gây tổn thất cho ngư dân.

13-16-53_1
Hệ thống làm lạnh để bảo quản sản phẩm trên tàu cá vỏ thép đóng theo NĐ 67 của ngư dân Bình Định

Hướng đến mục tiêu giảm tổn thất trong khai thác thủy sản còn 10% vào năm 2020, ngư dân Bình Định đang áp dụng cách bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bằng công nghệ mới và hầm bảo quản có hệ thống lạnh hiện đại.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định, chất lượng của thủy sản khai thác phụ thuộc rất nhiều vào các khâu từ đánh bắt đến sơ chế, bảo quản sản phẩm; cả công đoạn lên cá tại cảng và thu mua và vận chuyển cá cũng có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, khâu bảo quản trên các tàu cá chưa được đảm bảo, các hầm bảo quản được làm theo kiểu truyền thống bằng vật liệu thô sơ đã gây tổn thất lớn cho ngư dân, nhất là đối với những loại cá được thị trường xuất khẩu ăn mạnh.

Hiện, chỉ một số ít tàu cá ở Bình Định và những tàu thu mua, làm dịch vụ hậu cần nghề cá được trang bị hầm bảo quản làm bằng vật liệu cách nhiệt tốt như polyurethan (PU) bọc inox hoặc composite, bảo quản thủy sản được lâu hơn.

Để khắc phục tình trạng thất thoát lớn sau khai thác trong đánh bắt thủy sản, ngành chức năng ở Bình Định khuyến cáo ngư dân đầu tư hơn nữa vào khâu bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm. “Trong năm 2018, Trung tâm phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) đã phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức tập huấn cho ngư dân cách lắp đặt và vận hành hệ thống lạnh trên tàu cá và hướng dẫn bảo quản sản phẩm trên tàu cá”, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết.

Theo ông Bình, đây là kỹ thuật hiện đại trong bảo quản sản phẩm thủy sản đang được ứng dụng rộng rãi tại các nước có nghề cá phát triển, nhưng tại Việt Nam thì chưa được ngư dân sử dụng phổ biến. Hiện chỉ có các tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 mới được trang bị hệ thống hệ thống lạnh hiện đại để bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, do ngư dân chưa biết vận hành hệ thống lạnh, hoặc hệ thống lạnh bị trục trặc, hư hỏng nên một số tàu vẫn dùng đá lạnh để bảo quản sản phẩm.

Theo phân tích của ông Nguyễn Công Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định, nguyên dân ngư dân chưa quan tâm đến đầu tư hệ thống làm lạnh trên tàu vì đa số tàu cá ở Bình Định có kích thước nhỏ, khó lắp ráp hệ thống làm lạnh. Mặt khác, chi phí đầu tư ban đầu và nhiên liệu để chạy hệ thống làm lạnh khá cao, trong khi sản phẩm thủy sản hiện nay hầu hết đều được các đầu nậu mua xô, không phân loại cá có chất lượng để mua giúa cao hơn, nên ngư dân không mạnh dạn đầu tư.

13-16-53_2
Nhờ áp dụng công nghệ bảo quản hiện đại, cá ngừ đại dương ở Bình Định đạt chất lượng xuất khẩu nguyên con sang Nhật Bản

“Trong thời gian qua, một số mô hình khuyến ngư đã hỗ trợ ngư dân ứng dụng hầm bảo quản bằng vật liệu mới như Polyurethan nhưng khả năng nhân rộng chưa cao. Nguyên nhân, do chi phí vật liệu để làm hầm bảo quản theo phương pháp mới này cao hơn gấp 3 - 4 lần so với vật liệu truyền thống nên ngư dân không đủ khả năng đầu tư”, ông Bình chia sẻ.

Riêng đối với các tàu khai thác cá ngừ đại dương nằm trong khuôn khổ Dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định”, ngư dân đã được phía Nhật Bản hướng dẫn công nghệ, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm. Đặc biệt, đối với công nghệ bảo quản hiện đại được ngư dân áp dụng là ngâm hạ nhiệt cá trong nước trước khi đưa xuống hầm bảo quản đã phát huy tác dụng tác dụng. Đã có nhiều lô hàng cá ngừ đại dương đạt chất lượng xuất tươi nguyên con sang thị trường Nhật Bản và các nước khác để làm Shashimi và số lượng cá đủ điều kiện được Cty CP Thủy sản Bình Định thu mua để chế biến, xuất khẩu ngày càng cao.

“Ngư dân cần có chính sách hỗ trợ để đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản thủy sản sau khai thác trên tàu cá, giúp ngư dân có điều kiện cải hoán hầm bảo quản sản phẩm có kết cấu phù hợp đảm bảo điều kiện VSATTP. Đặc biệt, cần hình thành chợ đấu giá sản phẩm thủy sản để tạo động lực thúc đẩy ngư dân áp dụng kỹ thuật nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm sau khai thác nhằm làm giảm thất thoát, tăng thu nhập cho ngư dân. Sở NN-PTNT Bình Định đang xây dưng mô hình khuyến ngư về việc lắp hệ thống lạnh để bảo quản sản phẩm trên tàu cá, dự kiến sẽ triển khai vào các năm 2019 – 2020”, ông Nguyễn Công Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định.

 

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.